Khi nhà nông đi học

Lê Minh Hoan - Ủy viên Trung ương Đảng - Bộ trưởng Bộ NNPTNT Chủ nhật, ngày 22/01/2023 09:30 AM (GMT+7)
Vừa rồi, một chương trình thời sự của đài truyền hình địa phương đưa tin bà con nông dân đi học kiến thức kinh tế nông nghiệp. Một mẩu tin ngắn thôi, nhưng thể hiện sự thay đổi lớn lao.
Bình luận 0

Dõi theo hình ảnh những nông dân đã hai màu tóc, đôi tay chai sạm, ngày ngày cần mẫn "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời", nay lại cầm tập sách, tiếp tục đi học, càng thấy trân quý biết bao…

Phải học, học và học

Tục ngữ có câu: "Học hành vất vả, kết quả ngọt bùi". Ngay chuyện thường ngày, ông bà mình còn nhắc nhở phải "học ăn, học nói, học gói, học mở". Thế giới ngày nay, muốn làm bất kỳ nghề nghiệp nào cũng cần đến kiến thức, kỹ năng. Ngắn thì vài tuần, vài tháng, dài thì ba năm, năm năm. Tiếp cận từ trình độ thấp lên trình độ cao, từ đơn giản đến phức tạp. 

Học, học nữa, học mãi. "Học tập suốt đời" là câu chuyện của mỗi người, mỗi nhà, mỗi cộng đồng. Ai ai cũng cần đến việc học, nên mới có "xã hội học tập". 

Bác Hồ từng nhắc nhở: "Thế giới không ngừng thay đổi, ai không học là lùi". Một danh nhân khẳng định: "Trong thế kỷ 21, người mù chữ không phải là người không biết đọc, không biết viết, mà là người không biết học hỏi, từ chối học hỏi và từ chối học lại".

xuan/Khi nhà nông đi học - Ảnh 1.

Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) hướng dẫn nông dân sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”. Ảnh: HỒNG NHUNG

"Học tập là hạt giống của kiến thức, kiến thức là hạt giống của hạnh phúc". Khi nhà nông đi học là lúc hạt giống kiến thức, kỹ năng tiếp tục được gieo trồng, chăm bón, đón chào những vụmùa bội thu hạnh phúc và thịnh vượng.

Từ trước đến nay, trong tâm thức xã hội, làm nông không cần phải qua các lớp học, khóa đào tạo. Ngày xưa thì sáng dắt trâu ra đồng, cái cày theo sau, như vậy đã làm đất được rồi, coi như là xong một khâu. Sau đó thì gieo hạt, xuống giống, coi như xong tiếp một khâu. Cứ thế tiếp tục bón phân, phun thuốc, tưới nước nữa là chờ ngày thu hoạch.

Thời nay thì cứ nhìn người khác làm theo, máy móc thay cho con trâu, gàu sòng, sức người. Ngày xưa hay thời nay thì cả quy trình làm nông cũng chỉ gói ghém lại trong bốn yếu tố: "Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống" thôi. Ngàn năm qua vẫn vậy, trăm năm qua vẫn vậy, mà mùa màng vẫn bội thu, vẫn nuôi sống bao con người trên mảnh đất hình chữ S, nông sản vẫn vươn ra khắp thế giới. Vậy nhà nông cần gì đi học?

Nhưng thời thế giờ đã khác nhiều rồi, và tương lai lại sẽ càng khác hơn nữa. Cũng là làm nông, nhưng năng suất lao động nước khác cao hơn ở nước mình. Cũng là làm nông, nhưng nông sản nước khác bán giá cao hơn nông sản nước mình. Cũng là làm nông, nhưng thu nhập của nông dân nước khác cao hơn nhiều nông dân nước mình. Phải chăng sự khác biệt đến từ kiến thức và kỹ năng? Có người đúc rút rằng: "Người nghèo nghèo cái túi. Người giàu giàu cái đầu". Nghề nông đâu chỉ là lao động giản đơn, mà còn là nghề lao động trí óc nên không thể mặc định "cần cù bù thông minh", không thể vỗ ngực khoe nhau "kinh nghiệm đầy mình". Vậy là không còn cách nào khác: Nhà nông cần phải học, học và học!

xuan/Khi nhà nông đi học - Ảnh 3.

Chuyên gia nông nghiệp trao đổi với nông dân trên đồng ruộng ở huyện Hải Lăng (Quảng Trị) về mô hình sản xuất lúa hữu cơ. Ảnh: N.T.V

Học để có kiến thức, hiểu được quy luật cung cầu quyết định giá cả, dư thừa thì giá xuống thấp, khan hiếm thì giá lên cao. Học để biết cách làm sao đưa nông sản đến được thị trường và được định giá tương xứng. Học để hiểu cách thức buôn bán theo nhu cầu của người tiêu dùng, chứ không phải theo những hàng hóa mình sản xuất ra. 

Học để biết cách tiết giảm chi phí đầu vào, vì tiết giảm được bao nhiêu thì lợi nhuận tăng thêm tương ứng bấy nhiêu. Học để hiểu rằng tài nguyên thiên nhiên là hữu hạn, nếu khai thác quá mức, thì đời con cháu sẽ không còn. Học để hiểu rằng làm nông cần tử tế, nông sản phải an toàn, lành mạnh, bổ dưỡng, vì sức khỏe của người tiêu dùng và của chính mình.

Con đường tri thức hóa nông dân

Thời đại ngày nay, máy móc thay thế nhà nông làm nhiều việc một cách thông minh hơn, chính xác hơn, năng suất cao hơn. 

Chỉ bằng thiết bị thông minh, có thể điều khiển tưới tiêu, phun phân thuốc từ xa. Chỉ bằng thiết bị thông minh, có thể kiểm soát được sinh vật, loại trừ những loài không có lợi, giữ lại những loài có ích. Chỉ bằng thiết bị thông minh, có thể biết ngay giải pháp phòng chống khi phát hiện dịch bệnh. Chỉ bằng thiết bị thông minh, có thể bán hàng qua mạng, kết nối được với chuyên gia, doanh nghiệp để tìm kiếm sự hỗ trợ. Chỉ bằng thiết bị thông minh, có thể nắm bắt được thông tin thị trường, dự báo thời tiết, giá cả đầu vào đầu ra, để đưa ra quyết định phù hợp.

Đâu chỉ để thu thập thêm kiến thức nông nghiệp hiện đại, kỹ năng làm nông thông minh, chuyện học còn có những lợi ích sâu xa hơn. Học để biết giá trị của việc hợp tác với nhau: Nhiều người cùng làm thì sản lượng nhiều hơn, dễ tìm kiếm thị trường nhờ "bán chung", tiết giảm được chi phí nhờ "mua chung". Học để biết những người thành công luôn có tinh thần lạc quan, ngay cả khi thất bại. Học để biết chia sẻ nhau trong cuộc sống, mình giúp người khác, thì người khác sẽ giúp mình. Học để biết thế giới người ta suy nghĩ khác mình, làm nông khác mình, và tạo ra giá trị cho nông sản cao hơn mình. Học để biết tại sao người kinh doanh phải biết giữ chữ tín để được nhận lại lòng tin.

Nhà nông đâu chỉ học kiến thức kinh tế, kỹ năng làm nông mà còn học nhiều điều khác. Nào là học để biết làm du lịch nông nghiệp, nông thôn, biết cách ứng xử, giao tiếp với du khách. Nào là học cách bảo quản, chế biến những nông sản sau thu hoạch, để tạo giá trị gia tăng cao hơn. Nào là học các tự quảng bá, tiếp thị để bán hàng khắp nơi.

Gần trăm năm trước, một nhà giáo dục đã tổng kết: "Người có học, làm thợ là thợ khéo, đi buôn là nhà buôn giỏi, làm ruộng là nhà điền chủ khôn ngoan". Học tập là con đường tri thức hóa nông dân, hướng tới một nền nông nghiệp chuyên nghiệp, hiện đại. Mong rằng câu chuyện nhỏ về nông dân đi học sẽ khơi gợi cảm hứng tích cực cho hàng chục triệu nông dân nước nhà. 

Mong rằng các cấp Hội Nông dân, cơ quan Nông nghiệp và Phát triển nông thôn địa phương chủ động tổ chức các không gian giúp bà con có cơ hội học tập thường xuyên. Mong rằng các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, cán bộ khuyến nông, phát triển nông thôn thường xuyên chia sẻ tri thức với bà con. Không gian học tập đã có rồi: Trung tâm học tập cộng đồng, nhà văn hóa thôn bản, hợp tác xã, hội quán, ngôi nhà trí tuệ, nông hội, câu lạc bộ, cà phê khuyến nông… 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem