Khi Ukraine ồ ạt dội bom chùm tấn công quân Nga, có một bài học đau đớn 50 năm Kiev nên ghi nhớ

Phương Đăng (theo Aljazeera) Thứ tư, ngày 16/08/2023 21:02 PM (GMT+7)
Ukraine nhiều lần tuyên bố rằng, bom/đạn chùm sẽ có hiệu quả cao trong việc chống lại các đoàn xe bộ binh, pháo binh và xe tải. Tuy nhiên, nó có lẽ không phải là những gì Ukraine thực sự cần hiện nay mà chỉ là vũ khí thay thế khi nguồn đạn dược, vũ khí khác của nước họ ngày càng cạn kiệt, Aljazeera bình luận.
Bình luận 0
Khi Ukraine ồ ạt dội bom chùm tấn công quân Nga, có một bài học đau đớn 50 năm Kiev nên ghi nhớ - Ảnh 1.

Một chuyên gia rà phá bom mìn Campuchia chỉ vào những quả bom chưa nổ nằm trên mặt đất trước một sự kiện phá hủy chúng ở tỉnh Preah Vihea, Campuchia ngày 7 tháng 7, 2011. Ảnh AP

Công ước cấm sử dụng, phát triển, thu mua, tàng trữ hoặc chuyển giao bom, đạn chùm năm 2010 đã được 123 quốc gia ký kết. Tuy nhiên, các nhà sản xuất lớn nhất, Nga và Mỹ, cũng như các quốc gia khác như Trung Quốc và Ukraine, đã từ chối ký kết công ước này.

Khi Tổng thống Mỹ Joe Biden phê chuẩn việc chuyển giao bom, đạn chùm cho Ukraine vào tháng trước, ông đã mô tả đó là một “quyết định rất khó khăn” nhưng “điều đó là cần thiết”. Một thông báo của Lầu Năm Góc nói rằng Ukraine sẽ nhận được bom chùm được bắn bằng pháo. Điều này cho thấy Mỹ sẽ không cung cấp bom chùm được phân tán từ máy bay cho Ukraine. Tuy nhiên, việc cung cấp và sử dụng những vũ khí này chắc chắn sẽ làm gia tăng căng thẳng khi Nga cũng có thể đáp trả tương tự.

Nga và Ukraine đang tập trung vào các trận chiến ác liệt để giành từng cm lãnh thổ. Nhưng lịch sử cho thấy việc tiếp tục phổ biến các loại vũ khí như bom, đạn chùm sẽ để lại những tác động lâu dài đáng lo ngại sau khi cuộc chiến hiện tại kết thúc.

50 năm trước, vào ngày 15/8, sau áp lực từ Quốc hội Mỹ, Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Richard Nixon đã đồng ý chấm dứt mọi cuộc ném bom Campuchia. Chiến dịch ném bom nước láng giềng Lào của Mỹ đã kết thúc trước đó vài tháng.

Các học giả tại Đại học Yale từng xem xét các tài liệu lưu trữ của Lực lượng Không quân Mỹ thời chiến và tiết lộ rằng Campuchia đã bị ném bom rải thảm thậm chí còn khủng khiếp hơn những gì đã được thống kê trước đó.

Từ các căn cứ ở Thái Lan và đảo Guam, các máy bay B-52 Stratofortress cũng như các máy bay nhỏ hơn của Mỹ đã thực hiện hơn 230.000 phi vụ thả 2.756.941 tấn chất nổ chết người xuống 113.716 mục tiêu ở Campuchia.

Các cuộc không kích của Mỹ để chống lại Lào vào năm 1964 và Campuchia vào năm 1965. Chiến dịch ném bom leo thang dữ dội nhất vào năm 1969-70 và tiếp tục cho đến năm 1973.

Trong giai đoạn đầu, cả hai Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Johnson và Nixon đều tiến hành các chiến dịch một cách “bí mật”. Cả hai chính quyền Mỹ đã từ chối cung cấp thông tin cho Quốc hội và giới truyền thông đồng thời tuyên bố các chiến dịch ném bom là nhằm vào các mục tiêu ở Việt Nam.

Cuộc tấn công bằng B-52 nguy hiểm nhất ở Campuchia xảy ra chỉ một tuần trước khi nước này ngừng ném bom ở đây. Vào thời điểm đó, vụ việc được mô tả là "một tai nạn". Nhưng có tới 20 tấn thuốc nổ đã được thả xuống thị trấn Neak Luong bên sông Mekong, giết chết hoặc làm bị thương nặng 405 thường dân. Trong cuộc chạy đua ném bom càng nhiều càng tốt vào những tuần cuối cùng, mục tiêu rõ ràng của Mỹ rõ ràng là nhằm làm tê liệt các lực lượng Cộng sản để bảo vệ các đồng minh của họ.

Nghiên cứu của các nhà nghiên cứu ở Đại học Yale cho thấy 10% của tất cả các cuộc tấn công là bừa bãi, được chỉ định trong hồ sơ chính thức là các "mục tiêu không xác định". Hai loại vũ khí thường được sử dụng nhất là bom M117 Iron và các loại đạn chùm CBU-58.

Không có tài liệu thống kê chắc chắn về những người thiệt mạng - quân sự và dân sự - nhưng các học giả của Đại học Yale đưa ra con số thương vong dân sự ở mức tối thiểu là 150.000 người chết trong 8 năm ở Campuchia. Ở Lào, có lẽ là một nửa con số đó.

Nhưng về lâu dài nhất, chiến dịch đánh bom của Mỹ đã tiếp tục giết người trong 50 năm sau khi các cuộc không kích kết thúc.

Mối nguy hiểm khủng khiếp sau chiến tranh là lên đến 40% các loại bom đạn chưa nổ. Ước tính có khoảng 9 đến 27 triệu quả bom, đạn con ở Đông Dương ngày nay vẫn chưa nổ, theo Aljazeera.

Cựu quân nhân Mỹ Chuck Searcy cho biết: “Trên khắp khu vực (Đông Dương), những thảm kịch bi thảm nhất đã xảy ra khi trẻ em nhặt những quả bom/đạn con, dùng chúng làm đồ chơi và mất mạng hoặc tứ chi”.

Searcy cho biết ông hiện đang tham gia vào các dự án giáo dục ở trường tiểu học để đảm bảo rằng “trẻ em biết bom con/đạn con trông như thế nào và biết gọi cho ai nếu chúng tìm thấy bom đạn con chưa nổ.

Dân số của Campuchia và Lào đã tăng lên đáng kể sau khi hòa bình lập lại. Để tìm kiếm đất canh tác, mọi người bắt đầu di chuyển đến những khu vực bị ném bom nhiều nhất. Do đó, số người chết do tai nạn bom mìn tăng vọt lên hàng chục nghìn người.

Aljazeera dẫn lời các chuyên gia cảnh báo, các chính phủ đang chuyển giao và sử dụng bom/đạn chùm đang thiết lập những cái chết không cần thiết trong các thế hệ tiếp theo. Ở mức tối thiểu, sẽ cần phải có một cuộc dọn dẹp đạn dược nguy hiểm, quy mô lớn sau khi chiến tranh kết thúc.

Khi đó, chính các chính phủ đã cung cấp cho Ukraine những vũ khí chết người này sẽ cần phải giúp đỡ họ loại bỏ bom/đạn chùm chưa nổ một lần nữa.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem