Khổ cái tai, rối con mắt

Thứ tư, ngày 04/12/2013 13:18 PM (GMT+7)
Cùng kiểu tuyên truyền bằng loa sáng chiều “bắt người dân nghe quá nhiều”, trên khắp nước ta còn có cách tuyên truyền bằng khẩu hiệu giăng đầy đường cũng gây tốn kém và làm khổ dân không kém.
Bình luận 0
Có thể nói rằng không nơi đâu trên thế giới này tung nhiều khẩu hiệu tuyên truyền ra đường như ở xứ mình. Khẩu hiệu, bảng tuyên truyền tràn ra đường với đủ dạng khiến người đi đường như rơi vào mê hồn trận. Tận dụng không gian nơi có người đi lại, nhất là trên các tuyến giao thông để thu hút sự quan tâm và tạo ra hành động chung của cộng đồng vào mục tiêu chung nào đó là hình thức tốt. Nhưng bức ép đường giao thông, nhất là các đường đô thị đông người đi lại để đặt, để treo, để dựng dày đặc các khẩu hiệu như hiện nay cần phải được xem xét dưới hai góc độ đang nóng của xã hội: Lãng phí và mất an toàn giao thông.

Bức tranh đường phố hiện nay thực sự hổ lốn. Tấm biển hàng phở, ốc luộc giành chỗ với khẩu hiệu vận động sinh đẻ có kế hoạch; pa nô tuyên truyền chính sách, nghị quyết sát vai băng rôn khai trương trung tâm tư vấn sắc đẹp... Một cột điện phải cõng không phải 1 mà có khi tới 3 tấm khẩu hiệu. Chính trị, văn hóa, pháp luật, giao thông, ngày thành lập, đón nhận huân chương… đủ mọi nội dung. Có tấm panô trích hẳn một đoạn nghị quyết ngót trăm chữ. Có khẩu hiệu đánh đố kiểu: Toàn dân ra sức thực hiện nghị định 03X/CP của Chính phủ…

Có lẽ tích cực đầu tư nhất cho tuyên truyền bằng khẩu hiệu trên đường là Hà Nội. Hãy lấy một tuyến điểm đầu là Cầu Giấy, ra đường Xuân Thủy, theo Quốc lộ 32, qua Sơn Tây, vòng về Xuân Mai, mọi hỉ nộ ái ố của kiểu tuyên truyền đường phố đều có cả. “Nộ” khi thấy nhiều cổng chào hàng tỷ đồng liên tiếp được dựng lên để “tuyên truyền chính trị và phổ biến chủ trương” mà chẳng ai công nhận tác dụng của chúng ngoài quan chức địa phương. “Nộ” khi thấy các tấm panô vẽ hình Bác Hồ treo trên cột điện bị dầm dãi nắng mưa, gió bão làm cho tơi tả mà chính quyền ở đây vẫn để vậy.

Một trong những hệ lụy cần đánh giá sớm là trong bối cảnh tai nạn giao thông kinh hoàng, chưa có cách gì giảm thiểu được thì việc giăng mắc đầy các khẩu hiệu trên các đường giao thông có liên hệ gì với tỷ lệ tai nạn giao thông hay không. Khẩu hiệu với màu sắc rực rỡ, nhiều nội dung có làm người đi đường phân tán chú ý? Khẩu hiệu tràn lan lấn chỗ, che khuất, nổi bật hơn các biển báo giao thông có gây rối mắt, là một nguyên nhân của tai nạn?

Các khẩu hiệu trên đường đều mang mục đích tuyên truyền. Làm công tác tuyên truyền kiểu giành chỗ và áp đặt như thế xem ra nên chấm dứt ở thời đại chỉ với chiếc điện thoại di động đứng ở đâu chúng ta cũng có thể liên lạc được với mọi nơi trên thế giới.
Đức Nguyện (Đức Nguyện)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem