Khó chọn đúng người học

Thứ hai, ngày 07/04/2014 12:02 PM (GMT+7)
Chọn đúng người có nhu cầu học, có khả năng làm nghề sau đào tạo - đó là mục tiêu mà các lớp dạy nghề nông dân hướng tới. Tuy nhiên, để làm được điều này không hề dễ dàng.
Bình luận 0
Thời gian qua, Trung tâm Dạy nghề Tây Sơn thuộc Sở LĐTBXH tỉnh Bình Định đã mở những lớp khá... lạ với nông dân như lớp sửa chữa xe máy, nông cơ, kỹ thuật xây dựng, kỹ thuật hàn, điện dân dụng, điện tử dân dụng.

Ông Nguyễn Quang Minh - Phó phòng Đào tạo Trung tâm cho biết: “Với những lớp này, chúng tôi gần như phải… chọn người đi học, tư vấn sắm sửa đồ nghề đến việc lớn hơn như giới thiệu liên hệ vay vốn đầu tư, liên kết mở tiệm làm nghề để tạo dựng cơ sở làm nghề, kiếm thu nhập, sinh sống”.

Học viên thực hành tại xưởng thực hành nghề may công nghiệp  ở Trung tâm Dạy nghề Tây Sơn.
Học viên thực hành tại xưởng thực hành nghề may công nghiệp ở Trung tâm Dạy nghề Tây Sơn.

Với những lớp nghề cơ khí, sửa chữa xe máy, danh sách học viên (HV) thường bao gồm cả những người có tiệm hàn, tiện. Chẳng hạn như ở các xã Bình Tường, Tây Xuân (xã điểm xây dựng nông thôn mới của huyện Tây Sơn) đã có nhiều HV như Huỳnh Văn Cường, Võ Hưng Sang, Nguyễn Thế Phước, Đặng Thế Hiền, Nguyễn Văn Hải đã mở được tiệm hàn tiện cơ khí tại nhà, vừa làm nghề, vừa theo học trung cấp nghề tại trung tâm để nâng cao nghề nghiệp.

Lớp kỹ thuật xây dựng có các “nhà thầu nhỏ” là những HV Phan Quốc Dũng, Nguyễn Duy Hòa, Ngô Văn Thanh, Nguyễn Văn Thại, Trần Ngọc Tâm ở thị trấn Vĩnh Thạnh (huyện Vĩnh Thạnh) và nhiều lao động khác sau khi học đã gia nhập đội ngũ thợ xây dựng lành nghề ở địa phương.

Ông Trần Văn Nhượng - Giám đốc Trung tâm Dạy nghề Tây Sơn khẳng định: “Chúng tôi nắm bắt xu hướng chọn nghề của người học nghề, thường xuyên đưa giáo viên đi “rèn” kỹ năng thực hành ở các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, các gia trại. Có sự tương tác 2 chiều về dạy nghề, đáp ứng đúng nhu cầu người học, chọn đúng người học sẽ đạt hiệu quả”.

Dù khá hiệu quả bởi tiếp cận nhu cầu người học nhưng mô hình dạy nghề ở huyện Tây Sơn (Bình Định) khó triển khai rộng. Lý do được lý giải ngay ở Tây Sơn là các mô hình dạy nghề phi nông nghiệp rất khó “gom” người cùng nhu cầu để học. Chẳng hạn như nghề sửa chữa xe máy- nông cơ; trên địa bàn 1 xã, số lượng xe máy- máy nông nghiệp không nhiều, chỉ cần 1 thợ lành nghề là có thể phục vụ hết nhu cầu. Nếu mở 1-2 lớp đào tạo nghề này, chắc chắn sẽ có tới ½ thất nghiệp hoặc không làm đúng nghề.

Theo Bộ LĐTBXH, trong năm 2013 đã có 193.082 lao động được doanh nghiệp tuyển dụng sau khi lớp học kết thúc; 26.244 lao động đứng ra thành lập tổ hợp tác, HTX, doanh nghiệp, tự tổ chức việc làm cho mình và người khác.

Thực tế này được “than thở” ở khá nhiều tỉnh. Chẳng hạn ở Lạng Sơn đã từng có 2 lớp dạy nghề cơ khí cho nông dân, khi khảo sát lại chỉ còn 1-2 người làm nghề. Còn lại biết chút ít thì chỉ sửa chữa vặt trong nhà.

Ngoài ra còn hạn chế về độ tuổi. Ông Nguyễn Tiến Lợi- Chủ tịch UBND huyện Yên Thành, Nghệ An cho biết, với nhiều lớp dạy nghề phi nông nghiệp, một số lao động nông thôn không muốn học nghề vì nghề tổ chức học tại xã thì không phù hợp, lớp học phù hợp lại tổ chức ở các xã khác, họ không thuộc đối tượng được học. Với những lao động nông thôn lớn tuổi, đã lập gia đình thì việc theo học 2-3 tháng khá vất vả.

Tại các tỉnh miền núi, việc “chọn người, gom người” học đã khó, việc tổ chức còn khó hơn nhiều bởi các lớp dạy nghề này đều phải dạy lưu động, mang thiết bị tới tận trung tâm xã. Ông Sèn Chỉn Ly- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho biết, chính vì khó khăn này mà các nghề phi nông nghiệp khó dạy theo modun theo hướng dẫn của Bộ LĐTBXH. Vì thế mà chất lượng đào tạo cũng khó đảm bảo.
Minh Trung- Phúc Lâm (Minh Trung- Phúc Lâm)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem