Khó chọn trường khi xếp hạng đại học ngày càng mất giá trị
Khó chọn trường khi xếp hạng đại học ngày càng mất giá trị
Thứ ba, ngày 15/11/2022 14:30 PM (GMT+7)
Khi các xếp hạng đại học bị tố thiếu minh bạch, nhiều người đặt ra câu hỏi liệu những xếp hạng này có thực sự giúp ích cho thí sinh trong việc chọn trường.
Hàng triệu học sinh THPT tại Mỹ đang chọn trường để nộp đơn, chuẩn bị cho năm học mới. Nhân cơ hội này, các trường đại học bắt đầu giới thiệu hình ảnh của trường bằng cách đưa ra những lời giới thiệu về thứ hạng trên các bảng xếp hạng đại học của US News & World Report.
"Hạng 1 về giảng dạy liên tiếp nhiều năm", "Top 20: Tăng hạng trong bảng xếp hạng đại học trong nước" là những lời giới thiệu hoa mỹ nhiều trường đưa ra để thu hút thí sinh.
Giá trị tấm bằng thay đổi
Tuy nhiên, US News & World Report và những bảng xếp hạng tương tự đang bị phê phán vì nó được coi là hành động củng cố bất bình đẳng thu nhập. Một số phương pháp luận bảng xếp hạng đo lường như "danh tiếng", "lương cho giảng viên" bị các nhà phê bình cho rằng không liên quan đến khả năng đào tạo sinh viên.
Việc Đại học Columbia bị đẩy từ hạng 2 xuống hạng 18 trong xếp hạng của US News & World Report vì khống dữ liệu cũng đặt ra câu hỏi về chất lượng dữ liệu các trường nộp lên, liệu các trường có thể "khống" dữ liệu để cải thiện thứ hạng hay không.
Kể từ khi US News & World Report bắt đầu xếp hạng các trường đại học, tấm bằng đại học đã có sự thay đổi. Việc thay đổi đầu tiên là chi phí học tập. Ước tính từ khi US News & World Report xây dựng các xếp hạng, học phí một năm tại trường tư đã tăng gấp 5 lần.
Nhưng năm nay, các trường lại bước vào mùa tuyển sinh sau một thời gian căng thẳng vì đại dịch, lạm phát cao nhất trong 4 thập kỷ. Nhiều gia đình bắt đầu đặt câu hỏi liệu tấm bằng đại học đắt đỏ (khoảng 200.000 USD) liệu có còn giá trị.
Theo dữ liệu mới công bố gần đây của Trung tâm Nghiên cứu Sinh viên Quốc gia, so với một năm trước, tỷ lệ nhập học đại học đã giảm 4,7%. Nghĩa là các trường đại học ở Mỹ đã mất đi hơn 662.000 sinh viên.
Ông Michael Thaddeus, giáo sư Toán học, người đứng ra tố cáo vụ khống dữ liệu của Đại học Columbia, cho rằng các bảng xếp hạng đại học vốn không có ý nghĩa hoặc không chính xác ngay từ đầu.
"Xếp hạng tất cả trường đại học không phải cách hay để mô tả chất lượng giáo dục. Giống như ông Colin Diver từng nói 'Xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học giống như việc xếp hạng tôn giáo hoặc triết học. Tất cả đều có thiếu sót'", ông Thaddeus nói.
Bất chấp nghe theo xếp hạng
Bất chấp sự nghi ngờ của nhiều chuyên gia, US News & World Report vẫn được nhiều người coi trọng. Chuyên gia tư vấn tuyển sinh Michelle McAnaney cho biết nhiều gia đình thường tham khảo xếp hạng của US News & World Report trước khi quyết định nộp đơn. Bà mô tả việc các gia đình tham khảo xếp hạng "như thể đó là điều quan trọng nhất".
"Họ đến gặp tôi và nói họ muốn một trường thuộc top 20, ý họ là top 20 trong US News & World Report", bà McAnaney nói với CBS News.
Một thực tế là các trường được xếp trong top đầu của các xếp hạng đại học chỉ chấp nhận một tỷ lệ nhỏ thí sinh nộp đơn. Khi mất cơ hội ở trường top đầu, thí sinh vẫn có thể chọn ghi danh vào những cơ sở đào tạo khác trong nước.
Tuy nhiên, thí sinh muốn vào trường top đầu không phải chỉ để khoe khoang. Các em nhận thức rõ một điều tấm bằng tốt nghiệp của những trường này sẽ mở ra cánh cửa việc làm thuận lợi hơn, giúp các em có công việc với mức lương cao hơn.
Một sự thật là những người tốt nghiệp từ Ivy League có xu hướng kiếm được nhiều tiền hơn. Nhưng không phải ai cũng có thể đảm bảo sẽ trúng tuyển vào Đại học Harvard hay Đại học Yale.
Khi đó, thí sinh nên tìm đến những lựa chọn khác phù hợp hơn. Bà Michelle McAnaney lưu ý một số trường không đứng đầu trong xếp hạng đại học nhưng vẫn là "viên ngọc ẩn", giúp sinh viên đạt được mục tiêu học tập, nghề nghiệp.
Về phần mình, US News & World Report cho biết họ đang liên tục điều chỉnh phương pháp luận để đảm bảo thứ hạng luôn phù hợp.
Nói thêm về các vấn đề dữ liệu của Đại học Columbia, ông Eric Gertler, Chủ tịch điều hành US News & World Report, nhấn mạnh ông hy vọng các trường đại học cung cấp dữ liệu chính xác, minh bạch.
Đại học vẫn là điều cần thiết
Sở hữu tấm bằng đại học thường là cách tốt nhất để đảm bảo thu nhập cao hơn. Trung bình những người trong độ tuổi 22-27 có bằng cử nhân sẽ kiếm được mức lương trung bình hàng năm là 52.000 USD. Trong khi đó, những người lao động cùng độ tuổi có bằng trung học chỉ kiếm được 30.000 USD/năm.
Nhưng không ít người Mỹ hiện nay đang nghi ngờ về sự đánh đổi để có tấm bằng đại học: Liệu việc bỏ ra hàng chục nghìn USD (đôi khi nhiều hơn) và phải vay nợ để học đại học có phải là một điều đúng đắn?
Jim Fowler, Phó chủ tịch bộ phận quản lý tuyển sinh của Đại học Salve Regina (Mỹ), nói rằng các gia đình đang đánh giá trường đại học bằng tỷ lệ thu hồi vốn đầu tư.
"Mọi người nhạy cảm hơn với các khoản chi phí và họ muốn biết họ nhận được những giá trị gì từ khoản đầu tư đó, họ muốn biết khoản tiền mình đầu tư sẽ có giá trị", ông Fowler giải thích.
Nói thêm về tình trạng của các trường đại học, ông Fowler cho biết các trường đang phải vật lộn với số lượng thí sinh nộp đơn sụt giảm nghiêm trọng do Covid-19 và thị trường việc làm. Nghĩa là, thay vì tìm kiếm tấm bằng đại học, một số học sinh sau khi tốt nghiệp THPT quyết định gia nhập lực lượng lao động từ sớm.
Nhưng theo thời gian, những người có bằng cử nhân lại kiếm được nhiều tiền hơn so với những người cùng tuổi. Những dữ liệu ông Fowler đưa ra ở trên đã chứng minh một điều ngày càng có nhiều người cần bằng cấp sau trung học.
Người lao động không nhất thiết phải có bằng đại học, nhưng họ cần một chứng chỉ chuyên môn để tham gia thị trường lao động.
"Nhiều người nói học đại học không đáng, nhưng bạn lại đang sống trong một nền kinh tế đòi hỏi tấm bằng đại học", ông Fowler nhấn mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.