Khó khăn gì khi áp dụng bản đồ GIS vào việc tuyển sinh tại TP.HCM?

Mỹ Quỳnh Thứ ba, ngày 19/12/2023 11:20 AM (GMT+7)
Việc xây dựng trường lớp tại TP.HCM chưa thật sự phù hợp với sự phát triển dân cư của từng khu vực; chưa tính toán đến mật độ phát triển dân cư không đồng đều gây ra khó khăn khi áp dụng bản đồ GIS (hệ thống thông tin địa lý) vào tuyển sinh.
Bình luận 0

Năm học 2023-2024, Sở GDĐT TP.HCM thí điểm áp dụng bản đồ GIS vào tuyển sinh đầu cấp tại quận 8, Tân Bình và TP.Thủ Đức.

Thông qua kết quả tuyển sinh ở 3 quận nêu trên, cũng như lắng nghe các ý kiến phản hồi từ các đơn vị và người dân, Sở GDĐT TP.HCM đánh giá, việc áp dụng bản đồ GIS vào công tác tuyển sinh đã hỗ trợ tốt công tác tại các phòng GDĐT khi thực hiện theo đề án 06 (không sử dụng hộ khẩu).

Khó khăn gì khi áp dụng bản đồ GIS vào tuyển sinh tại TP.HCM? - Ảnh 1.

Bản đồ GIS trong tuyển sinh tại TP.HCM. Ảnh chụp màn hình

Bên cạnh đó, hệ thống đã cung cấp cho cán bộ phụ trách công tác tuyển sinh có một cái nhìn tổng quan các khu vực dân cư thuộc địa bàn, giúp việc phân bổ học sinh vào các trường phù hợp với khoảng cách từ nhà tới trường.

Bản đồ GIS cũng đã giúp cho các Phòng GDĐT có thể phân bổ học sinh vào các trường một cách uyển chuyển, linh hoạt, không còn cứng nhắc như trước đây khi phân bổ theo hộ khẩu. Công tác tuyển sinh được công khai, có cơ sở minh chứng đầy đủ và được lưu trữ trên hệ thống, giúp tăng sự hài lòng, đồng thuận của cha mẹ học sinh trong công tác tuyển sinh.

Sở GDĐT TP.HCM cũng nhận định, với việc áp dụng bản đồ GIS kết hợp với dữ liệu đăng ký của học sinh từ các đơn vị, Sở GDĐT đã có một cái nhìn tổng quan trong việc phân bổ các trường tiểu học, THCS trên địa bàn, từ đó đưa ra được các đánh giá phục vụ cho việc phát triển hệ thống trường lớp trong tương lai có phù hợp với phát triển dân số của từng khu vực.

Khó khăn gì khi áp dụng bản đồ GIS vào tuyển sinh tại TP.HCM? - Ảnh 3.

Có nhiều khó khăn, hạn chế khi áp dụng bản đồ GIS vào tuyển sinh đầu cấp. Ảnh: M.Q

Tuy nhiên, về mặt hạn chế, Sở này cho biết, việc xây dựng trường lớp trước đây chưa thật sự phù hợp với sự phát triển dân cư của từng khu vực, cũng như chưa tính toán đến mật độ phát triển dân cư không đồng đều và có sự chênh lệch rất lớn. Do đó, nếu chỉ áp dụng GIS trong công tác tuyển sinh đầu cấp mà bỏ qua các công cụ khác như công tác phổ cập, rà soát địa bàn thì sẽ xảy ra tình trạng dư, thiếu học sinh cục bộ ở một số trường.

Bên cạnh đó, thông tin trên GIS vẫn còn một số sai sót nhất định hoặc chưa chính xác, đặc biệt xảy ra ở những khu vực mới như thành phố Thủ Đức, dẫn tới việc nếu như cán bộ tuyển sinh không nắm rõ địa bàn thì khi phân bổ sẽ gây ra tình trạng thiếu chính xác.

Tuy vẫn còn một số hạn chế nhất định, nhưng Sở GDĐT TP.HCM cho rằng, việc phát triển của công nghệ trong tương lai, phối hợp với công tác rà soát địa bàn để cập nhật lại dữ liệu thực tế trên GIS, lắng nghe những vấn đề khó khăn của người dân, đơn vị, từ đó rút kinh nghiệm và điều chỉnh phù hợp kịp thời các dữ liệu, thuật toán sẽ từng bước giúp cho thành phố có một bản đồ số về giáo dục hoàn chỉnh nhất trong cả nước.

Được biết, trong năm học 2024-2025 và các năm tiếp theo, Sở GDĐT TP.HCM sẽ tiếp tục đưa bản đồ GIS vào tuyển sinh và triển khai rộng trên địa bàn toàn thành phố.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem