Khó kiểm soát chất lượng sữa học đường

Mai Hương – Nguyễn Phương Thứ tư, ngày 18/11/2015 06:35 AM (GMT+7)
Đưa sữa vào trường học để nâng cao thể lực, trí lực cho học sinh - thế hệ tương lai là mục tiêu mà Bộ GDĐT và Bộ Y tế hướng tới. Tuy nhiên, hiện mỗi trường lại tự dùng một loại sữa khác nhau, trong bối cảnh chất lượng sữa “không biết đường nào mà lần”.
Bình luận 0

Mỗi trường một loại sữa

Theo tìm hiểu của chúng tôi tại một số trường mầm non, tiểu học tại Hà Nội, hầu hết các trường đều cho trẻ uống sữa mỗi ngày và tính là các bữa phụ. Các trường đều cho biết, thực đơn dành cho trẻ mẫu giáo và học sinh có thể thay đổi theo mùa vụ, thời tiết và hoàn cảnh. Mỗi tuần, nhà trường lại thông báo thực đơn dành cho trẻ và học sinh để các bậc phụ huynh theo dõi. Trường Mầm non Vietkids (cơ sở 3 tại ngõ 5 Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội) cho biết, tuần nào nhà trường cũng thông báo thực đơn dành cho trẻ tới các bậc phụ huynh. Ngoài sữa bột, các cháu ở đây đều được uống sữa tươi của hãng Vinamilk.

img

Trẻ em Trường Tiểu học Nậm Cắn, Kỳ Sơn (Nghệ An) uống sữa học đường TH true MILK trong ngày khai trường 5.9.2015.  Ảnh: Nguyễn Thiêm 

Đại diện Trường Tiểu học Lý Thái Tổ (quận Hoàn Kiếm) cho biết, trường đang sử dụng chủ yếu sữa của các doanh nghiệp uy tín trong nước sản xuất như sữa tươi Ba Vì, sữa tươi TH True MILK. Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (quận Nam Từ Liêm) thì đang sử dụng sữa tươi Mộc Châu và TH True MILK cho học sinh. Trường Tiểu học Vinschool thì cho học sinh uống sữa TH True MILK ngoài các bữa ăn chính.

Tuy nhiên, đã có không ít trường hợp sữa rởm, sữa hết hạn sử dụng tràn vào trường học mà báo chí đã lên tiếng phản ánh thời gian qua. Điển hình mới đây, Trường Mầm non Sao Mai (xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế) đã phải thu hồi một số sản phẩm sữa (loại sữa bịch) hết hạn đã phát thưởng cho học sinh tại lễ tổng kết năm học diễn ra hồi tháng 5 vừa qua. Qua thông tin của các phụ huynh Trường Mầm non Sao Mai đến báo chí, sau khi buổi lễ tổng kết cuối năm học vào sáng 25.5.2015, các cháu được trường phát thưởng với phần thưởng gồm kẹo mút, bánh gạo, sữa bịch, bim bim... Khi về nhà, mở quà ra thì thấy các bịch sữa đã hết hạn. Thậm chí có các bịch sữa hết hạn từ đầu tháng 3.2015.

Hay trường hợp báo chí cũng phản ánh là sữa Frisure Gold A+ của Công ty Miền Đông có hợp đồng với Trường Mẫu giáo Bảo Lộc ở xã Trung An, TP.Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) ghi là sữa, thế nhưng trên bao bì lại là sản phẩm dinh dưỡng. Đặc biệt, ở những sản phẩm này thành phần dinh dưỡng công bố 10 thì thực chất kiểm nghiệm chỉ đạt 1-2, thậm chí không có.

Chị Đồng Thanh Hoàn - nhân viên văn phòng tại Đống Đa, Hà Nội có con đi học mẫu giáo cũng nêu thực tế, con chị được uống sữa ở trường mầm non mỗi ngày một lần. Tuy nhiên, chính chị cũng băn khoăn không rõ chất lượng ra sao, liệu sữa ở trường có đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng và đảm bảo dinh dưỡng cho con chị hay không?! “Chúng tôi không biết con mình uống sữa gì ở trường, có an toàn không. Nhà trường cũng ít khi thông tin về vấn đề này”- chị chia sẻ.

Thiếu kinh phí

"  Ở nhiều quốc gia, sữa tươi nguyên chất hoặc sữa tươi bổ sung vi chất dinh dưỡng  gồm vitamin A, D, canxi, axit Folic… là lựa chọn tối ưu cho chương trình sữa học đường. Còn Việt Nam thì chưa có quy chuẩn nào về chất lượng sữa học đường. Bộ Y tế cần sớm ban hành quy định về tiêu chuẩn sữa học đường theo các tiêu chí nêu trên...”.

Bà Lê Thị Hợp - Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết, thời gian qua, các cơ quan chức năng đã kiểm tra thu giữ không ít sản phẩm sữa của các doanh nghiệp trong nước sản xuất có vi phạm. Nhiều sản phẩm sữa sử dụng cả nguyên liệu pha trộn không rõ nguồn gốc, sản xuất thủ công, không đảm bảo an toàn thực phẩm. 

“Nhiều trường mầm non và tiểu học vô tình ký hợp đồng mua sữa qua các công ty giới thiệu. Họ cũng chỉ biết đó là sữa nên nhà trường mua cho trẻ uống hàng ngày chứ không biết đó là các sản phẩm bổ sung dinh dưỡng. Bản thân các trường cũng không thể biết chất lượng sản phẩm đó có đúng với công bố trên bao bì hay không, nếu không bị các cơ quan chức năng phát hiện ra”- ông Hùng nói.

Ông Nguyễn Bá Minh-Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non (Bộ GDĐT) thừa nhận: Vì nhiều lý do, Chương trình sữa học đường quốc gia (theo Quyết định 641/QĐ-TTg ngày 28.4.2011) vẫn chưa được phê duyệt, vì thế, tại hầu hết các tỉnh, sữa học đường triển khai còn nhỏ lẻ, tự phát thông qua tổ chức cho trẻ uống sữa trong các bữa ăn bán trú. Một vài địa phương chủ động triển khai cấp tỉnh, song thực tế các hoạt động chỉ diễn ra ở quy mô nhỏ; trong đó, các vùng nghèo vẫn chưa được tham gia thụ hưởng. Chất lượng sữa học đường chưa có quy định hay cơ chế nào giám sát.

“Chúng tôi đã từng đi kiểm tra và thấy việc triển khai sữa học đường còn nhiều khó khăn, trở ngại. Ngân sách nhà nước không có, nếu phụ huynh không đóng góp, nhiều trẻ không được uống sữa. Đã xảy ra tình trạng, trong một lớp học, trường học hay một vùng, nhất là ở vùng nông thôn miền núi nghèo, có cháu không được uống sữa. Bộ Y tế đã xây dựng dự thảo Đề án Sữa học đường quốc gia và trình Thủ tướng Chính phủ nhưng vẫn còn nhiều điểm cân nhắc, trong đó có các trở ngại về kinh phí”- ông Minh nói.

Chính vì sữa học đường được thực hiện một cách nhỏ lẻ, tự phát như vậy nên theo ông Minh, rất khó kiểm soát được chất lượng sữa học đường hiện nay. “Thị trường sữa học đường đang trở nên rất phức tạp: Sữa bột mạo danh sữa tươi, sữa đưa vào trường học không có công cụ kiểm soát, giám sát… Không kiểm soát được chất lượng thì việc học sinh được uống sữa ở trường không thể nào đảm bảo đủ chất và bền vững được”-ông Minh nêu rõ. 

Theo thông tin từ Bộ Công Thương, hiện nay, ngành sữa trong nước mới sản xuất được khoảng 550 triệu lít sữa tươi, tỷ lệ sữa dạng lỏng pha từ sữa bột lên tới 70%. Nếu không có các động lực về mặt đầu ra, sẽ rất khó thay đổi về chất và lượng của sản phẩm sữa.   

Chuẩn phải là sữa tươi

Cần có quy định về chuẩn sữa học đường và có cơ chế giám sát để đảm bảo sữa vào trường học là sữa tốt nhất. Trước thực tế đòi hỏi cấp thiết, Bộ Y tế đã xây dựng dự thảo quy định về tiêu chuẩn sữa học đường và đang lấy ý kiến rộng rãi. Về định hướng, dự thảo nhấn mạnh “chuẩn” sữa học đường phải là sữa tươi, bổ sung vi chất dinh dưỡng phù hợp với trẻ em lứa tuổi học đường; bao bì phải ghi rõ nhãn sữa học đường. Quy định này đã nhận được đồng thuận của các chuyên gia.

 Ông Nguyễn Lộc An- Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương)

Cần có cơ chế tài chính mạnh

Chúng ta cần khuyến khích các doanh nghiệp sữa trong nước thay đổi phương thức kinh doanh, chuyển sang sản xuất sữa tươi thay vì cứ đi nhập khẩu sữa bột hoàn nguyên về pha lại với giá rẻ và chất lượng không bảo đảm. Việt Nam muốn có chương trình sữa học đường mang tầm quốc gia thì phải có cơ chế tài chính đủ mạnh và có khả năng cung cấp nguồn sữa học đường ổn định, trong đó ưu việt nhất là sữa tươi bổ sung vi chất dinh dưỡng…

Ông Nguyễn Song Hà - Đại diện Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO)

Mai Hương - Phương Nhung (ghi)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem