Nhiều “ẩn số” trong ngành TACN
TS Nguyễn Văn Giáp – Giám đốc Trung tâm Chính sách và Phát triển nông nghiệp nông thôn miền Nam cho biết, hiện nay, các DN TACN trong nước công bố tỷ lệ lợi nhuận trên giá thành sản xuất vào khoảng 1-3%. Ví dụ, nếu giá thành sản xuất ở mức 10.500 đồng/kg thì lợi nhuận của các nhà máy chỉ từ 200 – 300 đồng/kg. Trong khi đó, theo nhận định của các chuyên gia, tỷ lệ mức lợi nhuận của các DN phải từ 10 – 15%.
Sản xuất thức ăn chăn nuôi tại một doanh nghiệp ở TP.HCM. Ảnh: T.L
“Thông tin này hiện chưa được bất kỳ một cơ quan quản lý, viện nghiên cứu nào kiểm chứng do khó có thể tiếp cận được với thông tin chi phí giá thành của DN. Các dự án về nghiên cứu phát triển ngành TACN cũng không thể có được số liệu chính xác từ các DN” - ông Giáp cho biết thêm.
TS Nguyễn Thanh Sơn – Viện trưởng Viện Chăn nuôi cho rằng, hiện còn rất nhiều “ẩn số” trong ngành sản xuất, kinh doanh TACN. Trong đó, cơ quan nhà nước hầu như không nắm được sản lượng TACN sản xuất hàng năm, các con số đưa ra chỉ là ước lượng, dựa trên năng lực của các nhà máy.
Không chỉ sản lượng, ông Sơn còn khẳng định chi phí giá thành, giá bán và mức lợi nhuận của các DN TACN hiện cũng không được minh bạch, dẫn tới tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các nhà máy.
“Các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm hiện cũng là một ẩn số khác của ngành TACN khi Nhà nước hiện vẫn quản lý TACN bằng danh mục, là cách quản lý đã không còn phù hợp. Việc các thông tin về sản lượng, chất lượng, giá thành… không minh bạch cho thấy cơ quan nhà nước đang thiếu công cụ về thống kê và giám sát sản xuất, kinh doanh hiệu quả” - ông Sơn nhấn mạnh.
Cần luật hóa việc minh bạch thông tin
Nhận định về các thông tin trong ngành TACN, bà Nguyễn Thị Hồng Minh - Phó Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Dịch vụ khoa học công nghệ Sắc Ký Hải Đăng ví von rằng: Các cán bộ làm công tác số liệu thống kê ở Việt Nam chính xác là những “kỹ sư chế biến”. Số liệu từ các nguồn chính thống như một số bộ, cục... cũng không thật sự chính xác.
Cũng theo bà Minh, để tạo môi trường minh bạch, với các thông số thống kê chính xác, Nhà nước cần bổ sung yêu cầu cung cấp thông tin chính xác vào Luật Thương mại. Theo đó, các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh trong nước đều phải tham gia các hiệp hội ngành hàng. Qua đó, cùng chia sẻ thông tin, hướng tới cùng phát triển.
TS Nguyễn Văn Giáp cũng đề xuất cần thực hiện yêu cầu kê khai giá bán và giới hạn mức lợi nhuận, giám sát ảnh hưởng của việc miễn thuế VAT đến giá thành trong ngành TACN. Ông Giáp cho rằng chính sách miễn trừ thuế VAT cho TACN hiện chưa mang lại hiệu quả như mong đợi khi giá TACN giảm ít hơn so với kỳ vọng. Thậm chí, DN không giảm giá bán theo mức giảm VAT mà chỉ lợi dụng thời điểm giá nguyên liệu nhập khẩu giảm mạnh nên giảm giá bán ra. Do đó, việc giảm thuế VAT mang lại lợi ích nhiều hơn cho các DN kinh doanh trong khi nguồn thu của ngân sách nhà nước lại giảm. Vì vậy, cần phải quy định mức lợi nhuận cho các mặt hàng này.
“Như ở Thái Lan, Chính phủ quy định mưc lợi nhuận đối với DN TACN chỉ khoảng 5%, không được cao hơn, trong khi ở Việt Nam thì không ai quản lý, các con số cũng hoàn toàn không minh bạch” - ông Giám nhấn mạnh.
Dù số lượng chỉ bằng 1/3 so với số nhà máy nội địa, tuy nhiên các nhà máy TACN có vốn đầu tư nước ngoài chiếm thị phần khá lớn trong tổng sản lượng TACN cả nước với Công ty Chăn nuôi CP Việt Nam chiếm 19,42%, Công ty TNHH Cargill Việt Nam với 8,1%, tiếp sau đó là Proconco, GreenFeed, Japfa…
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.