Ông Trương Văn Tư, ngụ ấp Tân Phú B1, xã Tân Phước Hưng búc xúc nói: “Gần 18 năm nay, gia đình tôi đã sử dụng điện câu đuôi như thế này rồi. Không có điện tới nhà thì phải xài ké người ta thôi chứ biết sao giờ. Nhà tôi phải kéo dây lên tới 1.000m nên tải quá xa rồi hao hụt dẫn đến tiền cước mỗi tháng lên cao. Thời buổi này rồi mà chúng tôi còn lao đao với điện thì đúng là chuyện không tưởng mà có thật”.
Anh Trương Văn Oanh (con ông Tư) phàn nàn: “Ở đây không chỉ riêng nhà tôi mà những người khác cũng vậy, chỉ dùng điện để thắp sáng, còn xem tivi thì lúc được lúc không, càng xa lạ với cái nồi cơm điện, mà tiền điện mỗi tháng tốn khoảng 200.000 đồng/hộ”.
Gần 18 năm nay, gia đình tôi đã sử dụng điện câu đuôi như thế này rồi. Không có điện tới nhà thì phải xài ké người ta thôi chứ biết sao giờ. Nhà tôi phải kéo dây lên tới 1.000m nên tải quá xa rồi hao hụt dẫn đến tiền cước mỗi tháng lên cao”.
Đi dọc tuyến đê bao vùng mía nguyên liệu, men theo những con đường đất, chúng tôi gặp ông Nguyễn Văn Sấy, ngụ ấp Tân Phú B1, ông Sấy cho biết, nhà ông mới kéo điện câu đuôi khoảng 6 năm nay, trước đốt đèn dầu rồi chịu không nổi. Điện ở đây người dân dùng phân nửa bỏ phân nửa do hao hụt. Khoảng 7-8 giờ tối và buổi sáng là thời điểm điện rất yếu do nhiều người dùng cùng lúc, sau 10 giờ thì đỡ hơn một chút mà giờ đó thì đi ngủ hết. “Nhà tôi chỉ dùng điện để thắp sáng, rồi có cái tivi chỉ để xem thời sự vậy mà mỗi tháng cũng hơn 150.000 đồng tiền điện. Mấy nhà khác có con nhỏ, phải học ban đêm nữa thì tiền điện càng cao. Vào mùa mưa bão thì nguy hiểm lắm, vì điện thường phải kéo ở tuyến trên đi ngang qua ruộng mía, người làm đồng rồi trẻ em đi nhiều nên rủi ro cao. Chuyện đổ sập, đứt dây điện là chuyện thường xảy ra, rồi cũng tự nối lại mà xài”- ông Sấy chia sẻ.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Hồng Phước – Chủ tịch UBND xã Tân Phước Hưng cho biết: “Từ thời điểm năm 1996 đến nay có khoảng 500 hộ dân ở hai tuyến kênh Đầu Ngàn đông - tây Quản lộ Phụng Hiệp và tuyến kênh 2.000 (giáp xã Hiệp Hưng) phải sử dụng điện câu đuôi thiếu an toàn. Hai tuyến này có tổng chiều dài khoảng 1.800m, người dân phải kéo nhờ điện với đường tải xa, điện yếu nên chủ yếu chỉ dùng cho sinh hoạt, còn hoạt động sản xuất phải dùng điện thì hầu như không có”.
“Chúng tôi cũng biết những trụ cột để kéo điện rất tạm bợ, chủ yếu sử dụng vật dụng cây gỗ, vào mùa mưa bão thì lại càng thiếu an toàn nhưng cũng đành chịu. Nhu cầu được sử dụng điện của người dân quá bức thiết, chúng tôi không thể ngăn cản. Dân và chính quyền ở đây cũng đã kiến nghị lên cấp trên rất nhiều lần nhưng chỉ nhận được câu trả lời của UBND tỉnh và ngành điện là nguồn vốn chưa có” - ông Phước thông tin.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.