Khó tin vào tự giác

Thứ hai, ngày 09/09/2013 12:34 PM (GMT+7)
Nếu chỉ tin vào tự giác mà không có pháp luật thì ắt có ngày "xôi hỏng, bỏng không"!
Bình luận 0
Hàng ngàn xét nghiệm máu ở Bệnh viện đa khoa Hoài Đức (Hà Nội) không làm, nhưng có tới 2 nguồn thu vào túi cá nhân từ bệnh nhân và bảo hiểm y tế. Giám đốc Công ty Thoát nước đô thị (TP.Hồ Chí Minh) lĩnh lương 2,6 tỷ đồng/năm... Đó chỉ là số rất ít trong nhiều vụ lợi dụng tham ô của cán bộ, đảng viên được phanh phui. Đến nay, dư luận xã hội đã hoài nghi: Hiệu quả thật sự của tự phê bình, phê bình chỉnh đốn Đảng theo Nghị quyết Hội nghị T.Ư 4 đến đâu?

Sự hoài nghi của nhân dân không phải không có căn cứ. Không lý giải dài dòng, ai cũng biết: Có tổ chức đảng là có người làm công tác kiểm tra chấp hành điều lệ, kỷ luật Đảng. Tuy nhiên, kiểm tra làm tốt đến mấy cũng không hết vụ việc tiêu cực vì cán bộ đảng viên thiếu tự giác, không tự giác.

Không giống như "một bộ phận không nhỏ đảng viên suy thoái tư tưởng và đạo đức". Không tự giác trong phạm vi này hiện hữu, rõ ràng, chỉ ra được: Ví như kế toán và bí thư chi bộ Văn phòng Công ty Thoát nước đô thị TP.HCM?biết rõ Giám đốc lĩnh lương "khủng" là không đúng, nhưng không dám nói ra - vì lợi ích chung "anh, ả". Một dạng không tự giác khác là Bệnh viện đa khoa Hoài Đức, "đã có nhiều ý kiến của bác sĩ, hộ lý, của quần chúng phản ảnh, báo cáo, góp ý phê bình giám đốc - nhưng những phản ảnh, góp ý ấy chẳng khác gì "giấy dán nứt tường". Chỉ khi báo chí, thanh tra và số đông quần chúng vào cuộc thì phần cơ bản sự thật mới được phơi bày!

Ai cũng biết, lấy được tiền với số lượng lớn, họ phải có ý đồ, tính toán kỹ để xoá đi vết tích, phải có ít nhất chữ ký của 3 người trở lên… Tóm lại, là phải có nhiều người cùng tham gia, cùng được chia tiền. Với số đông làm việc xấu thì không ai tự giác nhận, đôi khi họ nương tựa vào nhau để che giấu; đó là chưa kể đến một bộ phận đảng viên, quần chúng, người lao động vì công ăn việc làm, vì miếng cơm tấm áo dẫu có biết, cũng "mũ ni che tai". Thế mới biết: Nếu chỉ tin vào tự giác mà không có pháp luật thì ắt có ngày "xôi hỏng, bỏng không"!

Bản thân tự giác chỉ được phát huy khi có được 4 yếu tố: Thứ nhất, việc gương mẫu thật sự của người đứng đầu lãnh đạo và quản lý. Thứ hai, cần những biện pháp đủ mạnh từ pháp luật, từ công tác thanh, kiểm tra quyết liệt. Thứ ba, quần chúng, người lao động được tham gia ngày một nhiều hơn vào công việc quản lý. Và cuối cùng là sự dân chủ, minh bạch về thông tin; trong đó, vai trò của báo chí, truyền thông rất quan trọng.

Nơi nào, ở đâu, người lãnh đạo, người quản lý thực hiện đủ đầy thì nơi đó có tự giác - văn minh. Tổ chức nào không làm được thì nơi đó tự giác chỉ là chuyện hô khẩu hiệu mà thôi!
Sơn Hải (Sơn Hải)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem