Qua 6 ngày xét xử, phiên tòa phúc thẩm vụ án sai phạm ở Vinalines đã kéo dài hơn dự kiến. HĐXX đã phải trở lại phần xét hỏi và tranh luận sau khi nghị án.
Thế nhưng dù đã thêm 2 ngày xét hỏi và tranh luận, những vấn đề gây tranh cãi quyết liệt xem ra chưa được giải quyết thỏa đáng. Tuy nhiên tòa vẫn kết thúc phần tranh luận chuyển sang nghị án và dự kiến tuyên án vào chiều ngày 7.5.
Dư luận quan tâm đến vụ án này đang đặt câu hỏi liệu bản án phúc thẩm có được tuyên khi những vướng mắc chưa được giải quyết thỏa đáng. Hồ sơ vụ án, diễn biến phiên tòa, kết quả tranh luận liệu đã đủ căn cứ để HĐXX ra bản án đúng người, đúng tội, đúng cơ sở pháp luật.
Cần phải nói rằng thiệt hại từ sai phạm ở Vinalines là rất lớn, ai cũng thấy rõ. Khoản tiền thiệt hại trong vụ mua ụ nổi 83M được tính gần 367 tỷ đồng và hiện đống sắt vụn 83M còn "ăn" thêm tiền tỷ mỗi tháng cho việc neo đậu, trông coi. Thiệt hại là vậy nhưng việc cá thể hóa hành vi để xử lý những con người đã gây ra sai phạm thì lại rất khó khăn. Diễn biến của phiên xử phúc thẩm đã nói lên điều đó.
Bản án phúc thẩm sẽ là bản án có hiệu lực pháp luật nên HĐXX rất thận trọng, kỹ lưỡng. HĐXX đã rất trách nhiệm khi trở lại phần xét hỏi và tranh luận để làm sáng tỏ thêm một số vấn đề, nhưng lại xuất hiện tình tiết cho thấy công tác tố tụng ở giai đoạn trước làm không tốt.
Chiều 28.4, phiên xử phải tạm dừng vì có thêm những tài liệu mới liên quan đến việc mua bán ụ nổi 83M từ phía Nga vừa được Viện KSND Tối cao làm thủ tục hợp thức hóa lãnh sự. Những tưởng tài liệu được cho là mới sẽ góp phần thuận lợi giải quyết vụ án nhưng nó lại bị các luật sư phản bác quyết liệt, chỉ ra những lỗi sơ đẳng. Đáp lại ý kiến các luật sư, đại diện Viện KS tỏ ra mờ nhạt, yếu ớt.
Một tình tiết nữa rất đáng chú ý là tòa đã triệu tập đại diện Ngân hàng Hàng hải đến để giúp làm rõ việc Trần Hải Sơn khai rút 2 tỷ đồng ở Ngân hàng Hàng hải, rồi gộp với 3 tỷ đồng mang đưa cho Mai Văn Phúc.
Tòa yêu cầu ngân hàng tra soát giao dịch rút tiền mặt của Trần Hải Sơn theo CMND trong năm 2008 qua tài khoản tại chi nhánh Hà Nội, chi nhánh Hải Phòng và giao dịch rút tiền của Trần Hải Sơn bằng CMND không qua tài khoản từ tháng 6.2008 đến tháng 2.2009. Ông Nguyễn Tuấn Khang, đại diện Ngân hàng Hàng hải trả lời: Dù đã dùng tất cả nhân viên giỏi nhất của ngân hàng tra soát cả một đêm nhưng không tìm được bất kỳ giao dịch nào của Trần Hải Sơn trong thời điểm như Tòa yêu cầu. Và ông này đề nghị tòa cho thu hẹp hơn thời gian tra soát giao dịch.
Khoản tiền lại quả 1,66 triệu USD từ nước ngoài chuyển về Việt Nam là có, người nhận có nhưng nó được chia chác như lời Trần Hải Sơn hay không xem ra vẫn còn là điều bí ẩn. Mới chỉ kiểm chứng một chi tiết trong lời khai của Trần Hải Sơn đã thấy sự bất thường, liệu những lời khai của bị cáo Sơn có đảm bảo làm căn cứ buộc tội các bị cáo khác, nhất là bị cáo đó ở vào tội danh có khung hình phạt tử hình. Phiên tòa đã bước sang phần nghị án. Liệu HĐXX có đưa ra được phán quyết cho vụ này?
Lương Kết (Lương Kết)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.