Khó ứng dụng đầu tư CNC vào nông nghiệp: Vấn đề là ở đâu?

Kim Oanh - Thanh Thúy Thứ hai, ngày 07/05/2018 13:15 PM (GMT+7)
Đó là đánh giá được đưa ra tại Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp với chủ đề “Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ”. Diễn đàn do Trung tâm Khuyến nông quốc gia (Bộ NNPTNT) phối hợp Sở NNPTNT TP Đà Nẵng tổ chức hôm 4.5.
Bình luận 0

Tham gia diễn đàn có TS Hồ Duy Cường - Viện KHKT Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung Bộ, ông Trần Văn Khởi- quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, đại diện Sở NNPTNT các tỉnh, thành trong khu vực.

Thu hút ứng dụng công nghệ cao

Hội nghị nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người nông dân, trao đổi, chia sẻ, thảo luận với các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp những vấn đề liên quan đến ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu.

img

 Một mô hình ứng dụng công nghệ cao vào trồng hoa ở Đà Nẵng đem lại thu nhập cao. Ảnh: K.O

"Thiếu vốn đầu tư cũng là một hạn chế cho việc phát triển ứng dụng CNC vào nông nghiệp; tình trạng đất đai manh mún, đô thị hóa cũng như tính ổn định không lâu dài của đất sản xuất cũng ảnh hưởng đến việc đầu tư, triển khai các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…”.

PGS- TS Dương Hoa Xô

Theo lãnh đạo Sở NNPTNT TP.Đà Nẵng, hiện Đà Nẵng đã quy hoạch, phê duyệt danh mục 7 vùng thu hút đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) với diện tích quy hoạch hơn 500ha, các lĩnh vực kêu gọi đầu tư gồm: Trồng rau, hoa, nấm, cây dược liệu, chăn nuôi khép kín, nuôi trồng thủy sản. Hiện thành phố đang tập trung công tác xúc tiến thu hút đầu tư vào nông nghiệp CNC, nông nghiệp sạch, bước đầu đã có 7 nhà đầu tư tiếp cận xúc tiến triển khai các dự án đầu tư.

Đối với khu công nghiệp ứng dụng CNC, thành phố đang triển khai lập đề án trình phê duyệt và thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng CNC, diện tích 117ha, tại xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang.

Ông Đặng Văn Hồng- Giám đốc Trung tâm Khuyến ngư - nông - lâm Đà Nẵng cho biết, kết quả thực hiện một số mô hình nông nghiệp ứng dụng CNC, nông nghiệp sạch, Đà Nẵng hiện có 10 mô hình chăn nuôi lợn thịt CNC theo công nghệ chuồng lạnh khép kín. Bình quân mỗi trang trại từ 800-1.000 lợn thịt giống ngoại để cung cấp cho Công ty CP Việt Nam. Đây là mô hình liên kết sản xuất “Nhà nước- Nhà nông - Nhà doanh nghiệp”. Ngoài ra, còn có các mô hình sản xuất rau ăn lá, ăn quả an toàn, rau ăn quả trên giá thể trong nhà màng, mô hình sản xuất hoa trẻo, hoa thảm trang trí cảnh quan, mô hình trồng lan Mokara cắt cành, mô hình sản xuất giống lúa hữu cơ.

Khó ứng dụng đầu tư ứng dụng CNC

Ông Đặng Văn Hồng cũng cho biết, hiện nay những vấn đề và tồn tại đặt ra nhằm đẩy mạnh phát triển nông nghiệp CNC là rất nhiều, bởi các đầu tư nghiên cứu ứng dụng CNC chưa nhiều, các mô hình ứng dụng thiếu bền vững, chưa đảm bảo tính khoa học dẫn đến sản phẩm sản xuất ra không ổn định, chưa đáp ứng yêu cầu thị trường đô thị. Ngoài ra, một số mô hình ứng dụng CNC trên địa bàn đã hình thành bước đầu nhưng hiệu quả đem lại chưa tương xứng với quy mô đầu tư, chưa nhân rộng mô hình.

 PGS - TS Dương Hoa Xô – Sở NNPTNT TP.Hồ Chí Minh cho biết, từ năm 2010 khu nông nghiệp CNC thành phố đã đi vào hoạt động, đây là mô hình khu nông nghiệp ứng dụng CNC đầu tiên của cả nước, có diện tích 88.17ha tại xã Phạm Văn Cội (huyện Củ Chi), trong đó có 53,63ha dành cho các doanh nghiệp đầu tư. Đây là mô hình đa chức năng đầu tiên tập trung cho khu vực trồng trọt, nơi triển khai nghiên cứu ứng dụng CNC nhân giống, đào tạo, trình diễn chuyển giao công nghệ và là nơi để các doanh nghiệp đầu tư CNC.

Tuy nhiên, theo TS Xô,  hiện nay, việc ứng dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật mang tính CNC trong nông nghiệp thành phố chưa tương xứng với tiềm năng và thực tế yêu cầu của sản xuất (ứng dụng CNC mới chỉ tập trung ở mô hình quy mô nông hộ, chưa nhân ra diện rộng, chưa ứng dụng rộng rãi do việc ứng dụng thiếu đồng bộ).

Hơn nữa sản xuất nông CNC đòi hỏi vốn lớn, lực lượng lao động phải có trình độ quản lý, tay nghề cao, nên chỉ thường các tổ chức, các nhân có điều kiện về năng lực, về vốn mới sản xuất nông nghiệp theo hướng này.

Ông Trần Văn Khởi – quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, nhấn mạnh ứng dụng CNC là tích hợp nhiều công nghệ tiên tiến như công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, tự động hóa để nâng cao năng suất gấp nhiều lần, giảm chi phí công lao động, chi phí đầu vào, tiết kiệm nên tạo ra hiệu quả kinh tế cao, nông sản sạch, an toàn thực phẩm. Do vậy phát triển nông nghiệp CNC là xu hướng rất phù hợp với xu thế phát triển của nước ta và thế giới. Hiện nay có nhiều mô hình ứng dụng CNC cho sản xuất nông nghiệp như hoa, cây trái, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản đem lại lợi nhuận cao. Vùng duyên hải Nam Trung Bộ bước đầu đã hình thành nhiều mô hình điển hình ứng dụng CNC cho thấy được tính khả thi của mô hình sử dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem