Chỉ mong thuê 10 năm để “chơi tất tay”
Sơn La được biết đến là một tỉnh miền núi phía Bắc có nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp, nhất là trồng rau, cây ăn trái. Đó là lý do tỉnh miền núi này đang có tới 111 DN, 210 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến nông sản.
Tuy nhiên việc đầu tư vào nông nghiệp của các DN đang gặp một số rào cản, làm họ có muốn rót thêm vốn để “đầu tư tất tay” cũng khó.
Công ty CP Greenfarm (Mộc Châu, Sơn La) là một trong những trường hợp như thế. Công ty này có vùng sản xuất cà chua, bắp cải với diện tích 8ha, sản phẩm chủ yếu cung cấp cho thị trường Hà Nội qua các kênh trung tâm thương mại, siêu thị như Vinmart... Trong 10 tháng đầu năm 2017, Greenfarm đã cung cấp cho thị trường Hà Nội trên 200 tấn cà chua.
Vườn dâu tây của Công ty Phúc Hà tại Mộc Châu (Sơn La). ảnh: B.L.Đ
Greenfarm đang có ý định mở rộng gấp đôi quy mô hiện tại, tuy nhiên ông Trương Văn Dư - Giám đốc DN này cho biết: “Công ty đang gặp 2 khó khăn trong việc thuê đất để mở rộng quy mô sản xuất. Thứ nhất là quỹ đất của tỉnh Sơn La rất hạn hẹp, bởi đất gần như đã giao hết cho người dân sản xuất. Lãnh đạo tỉnh dù rất tạo điều kiện cho DN vào đầu tư nông nghiệp tuy nhiên họ cũng thừa nhận đang kẹt trong việc giao đất cho DN”.
Để có đất mở rộng sản xuất, theo ông Dư, DN phải tự tích tụ đất đai, tự thỏa thuận với dân để thuê đất. Việc này dẫn đến khó khăn thứ hai, đó là tính manh mún và thiếu ổn định. “Có những khu vực rất phù hợp để mở rộng quy mô nhưng chúng tôi sẽ phải thỏa thuận với rất nhiều hộ dân, vừa vất vả vừa tốn thời gian vì có hộ sẵn sàng cho thuê đất, có hộ không. Vì vậy diện tích thuê được rất manh mún. Sau khi thuê được đất lại xảy ra vấn đề là tính lâu dài, có thể năm nay họ vui vẻ cho thuê nhưng sang năm họ đổi ý không cho thuê nữa. Điều đó khiến DN rất khó để toàn tâm toàn ý rót nhiều vốn, đầu tư lâu dài vào nông nghiệp” – ông Dư nói.
Ông Dư chia sẻ thêm: “Chúng tôi rất muốn đầu tư mạnh tay vào công nghệ cao, về tiềm lực kinh tế chúng tôi đủ khả năng, nhưng bây giờ chúng tôi cần nhất là quỹ đất đủ rộng, thời gian cho thuê đất ổn định tối thiểu trong 10 năm”.
Tương tự, để có vùng trồng rau 20ha như hiện nay, Công ty CP Bông và phát triển nông nghiệp công nghệ cao (thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn) đã phải đưa ra nhiều chính sách hợp tác với người dân, vừa thuê đất vừa thuê người dân làm việc tại công ty, còn trường hợp nông dân hợp tác sản xuất, công ty sẽ hỗ trợ kỹ thuật, bao tiêu toàn bộ sản phẩm của người dân.
Công ty này đang có ý định tìm kiếm thêm khoảng 20ha đất để mở rộng quy mô sản xuất. Ông Vũ Văn Bộ - Giám đốc công ty cho hay: “Chúng tôi đã dặt vấn đề này và được lãnh đạo tỉnh Sơn La ủng hộ. Nguồn đất tối thiểu phải 20ha, nhiều hơn càng tốt và cho thuê ổn định ít nhất 10 năm, có như thế công ty mới yên tâm đầu tư lớn. Hiện nay ở Sơn La có một số đơn vị đã thuê đất trước đó nhưng làm ăn không hiệu quả, đất bỏ không. Chúng tôi muốn tiếp cận để thuê lại nhưng cũng chưa rõ thủ tục quy trình thế nào, địa phương có hỗ trợ gì không…”.
Hài hòa lợi ích nông dân – doanh nghiệp
Bên cạnh vấn đề đất đai, chúng tôi mong muốn được chính quyền địa phương cung cấp các thông tin chính sách mới về vốn vai ưu đãi, các chương trình hỗ trợ DN đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm”.
Ông Vũ Văn Bộ - Giám đốc Công ty CP Bông và phát triển nông nghiệp công nghệ cao |
Để tạo thuận lợi cho DN thuê đất, kéo dài thời gian thuê đất, ông Bùi Huy Thắng – Giám đốc Công ty cổ phần Cao Nguyên (thị trấn nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu) cho rằng: Việc hỗ trợ cho DN cần thiết thực, nhà nước không nhất thiết hỗ trợ kinh phí nhưng cần có chính sách hỗ trợ cụ thể khác và chính sách đó phải đi vào đời sống thật, DN có thể thực hiện được. Ví dụ chính sách tín dụng, chính sách hỗ trợ giao đất, cho thuê đất, chính sách hỗ trợ người dân để họ cho DN thuê đất dài hạn, kết nối tiêu thụ sản phẩm.
“Chúng tôi đang muốn mở rộng diện tích để làm lớn, nhưng rất khó khăn vì nhà nước không đứng ra giải phóng mặt bằng và bàn giao đất sạch cho DN. Tất cả những việc đó DN phải tự làm, tự thỏa thuận đền bù với dân, rất mệt mỏi vì đền được ông này nhưng ông kia lại không đồng tình. Vì vậy nhà nước cần nghiên cứu để đưa ra chính sách hợp lý trong việc tích tụ đất, cho thuê đất,nhằm hài hòa lợi ích giữa các bên” – ông Thắng nói.
Về vấn đề này, trao đổi với NTNN, ông Hà Quyết Nghị - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Sơn La cho biết: “Hiện nay Sơn La đã giao đất giao rừng hết cho các hộ, vì vậy việc quy hoạch vùng tập trung, thu hồi để tích tụ đất còn nhiều vướng mắc. DN muốn có đất thì phải thỏa thuận với dân.Tỉnh Sơn La cũng đã đi học tập nhiều tỉnh để học hỏi các vấn đề thu hồi đất cho các DN thuê sản xuất nông nghiệp. Hiện tỉnh đang giao cho Sở Tài nguyên -Môi trường xây dựng chính sách đảm bảo thu hồi đất theo hướng hỗ trợ đền bù cho người dân, tính giá cho thuê đất hợp lý để đảm bảo hài hòa lợi ích cho người dân và tạo điều kiện tốt nhất cho DN có đất sản xuất. Người dân được tham gia lao động tại các DN thuê đất”./.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.