"Kho vàng" hàng chục nghìn tỷ nằm ngoài đồng, nông dân miền Bắc lo tìm nơi tiêu thụ

Tố Loan Thứ ba, ngày 07/12/2021 18:38 PM (GMT+7)
Trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài và phức tạp, việc nâng cao chất lượng và đẩy mạnh tiêu thụ nông sản nói chung, rau màu vụ đông nói riêng được ngành nông nghiệp đặc biệt chú trọng.
Bình luận 0

Diễn đàn Khuyến nông @nông nghiệp với chủ đề: "Nâng cao chất lượng và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm cây vụ đông" được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp Sở NNPTNT 5 tỉnh, thành phố tổ chức sáng 7/12.

Đầu tư lớn cho vụ đông

Không chỉ là vụ sản xuất chính trong năm, những năm gần đây trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp của nhiều địa phương, vụ đông còn đóng vai trò then chốt, có tính quyết định nhằm đem lại năng suất, hiệu quả, nâng cao thu nhập cho bà con.

Hải Dương là một trong những địa phương có thế mạnh sản xuất rau màu vụ đông ở Đồng bằng sông Hồng. 

Tìm đầu ra cho sản phẩm cây vụ đông: Loại bỏ tư duy cũ! - Ảnh 1.

Nông dân huyện Kinh Môn (Hải Dương) thu hoạch trên 50.000 tấn hành tỏi và cung ứng ra thị trường, doanh thu hơn 1.000 tỷ đồng. Ảnh: Trần Tuyết

Chia sẻ tại diễn đàn, đại diện Sở NNPTNT Hải Dương cho hay: Vụ đông năm nay, tỉnh tập trung mở rộng tối đa diện tích trồng vụ cực sớm và sớm ở những địa phương có kinh nghiệm trồng vụ đông sớm như Gia Lộc, Tứ Kỳ… để cạnh tranh thị trường rau khan hiếm giai đoạn giáp vụ. Vụ đông sớm có diện tích khoảng 1.000ha.

Trong bối cảnh dịch Covid-19, tỉnh tiếp tục duy trì, mở rộng tối đa các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, có thị trường tiêu thụ thuận lợi nên ít bị ảnh hưởng của dịch; trồng rải vụ đông chính vụ để tránh áp lực tiêu thụ.

Đại diện HTX Tân Minh Đức (Gia Lộc, Hải Dương) cho hay: Nông dân rất phấn khởi vì giá rau vụ đông cao. Với mỗi sào trồng su hào, trừ chi phí bà con lãi từ 5 - 5,5 triệu đồng/lứa; bắp cải thu lãi từ 5,5 - 6,5 triệu đồng/sào/lứa; súp lơ có lãi từ 5 - 6 triệu đồng/sào/lứa.

Ông Vũ Thái Ninh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Bắc Ninh thông tin: Bắc Ninh đã quy hoạch sản xuất cây vụ đông thành những vùng tập trung. 

Tỉnh hiện có 71 vùng sản xuất tập trung, diện tích từ 5,1ha trở lên, nhiều vùng đã liên kết tiêu thụ sản xuất với các doanh nghiệp, siêu thị…

Để thúc đẩy sản xuất cây vụ đông phát triển, hệ thống ngành khuyến nông Bắc Ninh cũng đã triển khai các mô hình sản xuất cây vụ đông cho hiệu quả kinh tế cao.

 Ví dụ mô hình sản xuất rau VietGAP quy mô 7ha; bí xanh 8ha tại xã An Thịnh (Lương Tài), hiệu quả kinh tế khoảng 70 triệu đồng/ha; mô hình khoai tây ở Quế Võ, hiệu quả đạt từ 90-100 triệu đồng/ha hay ở huyện Yên Phong cũng đạt từ 90-100 triệu đồng/ha.

"Điểm khác biệt ở Bắc Ninh là để khuyến khích phát triển vụ đông, đặc biệt là các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, tỉnh sẵn sàng hỗ trợ 100% kinh phí cho các mô hình nhà bạt, nhà lưới, tùy theo quy mô, diện tích với mức cao nhất lên tới 2 tỷ đồng" - ông Vũ Thái Ninh tiết lộ.

Loại bỏ tư duy "xuất khẩu mới cần hàng tốt"

Điểm "nóng" và sôi nổi nhất của diễn đàn lần này có lẽ chính là cuộc thảo luận, đối thoại giữa nông dân - những người trực tiếp làm ra sản phẩm với lãnh đạo các sở, ban ngành và lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia.

Theo đó, ông Nguyễn Đức Thuận - Giám đốc HTX nông nghiệp Đức Chính (Cẩm Giàng, Hải Dương) chia sẻ: Địa phương tôi trồng rau màu rất lớn, chủ yếu cà rốt. Việc tiêu thụ cũng phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc. Bên họ được mùa thì chúng tôi dù có thu hoạch sản lượng cao cũng thành mất mùa và ngược lại. Vậy liệu Nhà nước có chính sách hỗ trợ gì cho việc tiêu thụ nông sản, nhất là trong bối cảnh dịch Covid -19?

Về việc này, bà Lương Thị Kiểm - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hải Dương cho biết: "Để chủ động hơn nữa và giải quyết các vấn đề căn cơ, chúng tôi luôn cố gắng kết nối với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, ký kết với các đối tác để chủ động hơn trong việc thu mua. Chủ động bắt tay giữa các doanh nghiệp, nông dân sao cho việc tiêu thụ nông sản của bà con đạt hiệu quả cao nhất".

Một trong những vấn đề cố hữu mà nhiều nông dân quan tâm được đại diện HTX dịch vụ nông nghiệp Mạnh Cường (Bắc Ninh) nêu: Bắc Ninh có nhiều chính sách hỗ trợ cây màu vụ đông nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt là quỹ đất sản xuất còn hạn chế, cần có chính sách mở rộng quỹ đất như thế nào để nông dân yên tâm sản xuất?

Về vấn đề này, ông Hoàng Văn Hồng - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia trả lời: Việc phát triển quỹ đất từ trung ương đến địa phương đều đã rất quan tâm nhưng đất thì không sinh ra, chỉ có cách sử dụng quỹ đất có hiệu quả, nghĩa là đầu tư có hiệu quả, sản xuất có hiệu quả. 

"Muốn như thế nông dân có thể cùng nhau liên kết sản xuất để tăng cao lợi nhuận, nâng cao giá trị trên cùng đơn vị diện tích" - ông Hồng nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm này, ông Đinh Công Chính (Cục Trồng trọt) cho rằng: Muốn có diện tích đất lớn chỉ có thể thuê, mua, gom hoặc liên kết sản xuất. Chỉ khi có diện tích đất lớn thì chúng ta mới được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước để đất, vốn, từ đó mới có cơ sở, có dữ liệu để sản xuất lớn.

Đại diện đơn vị đồng hành và hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm rau màu, ông Nguyễn Khắc Tiến - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Ameii Việt Nam khẳng định: "Chúng tôi rất mong các doanh nghiệp khác cũng như bà con nông dân lưu ý tới bài toán nâng cao chất lượng sản phẩm. 

Chúng ta đừng nghĩ chỉ khi xuất khẩu chúng ta mới cần sản phẩm chất lượng cao, mà ngay cả thị trường trong nước cũng phải cung cấp được những sản phẩm tốt nhất, sạch nhất, an toàn nhất. Chỉ khi làm được điều đó thì mới tự tin đưa sản phẩm của ta chinh phục bất cứ thị trường nào". 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem