Thiếu hụt một thứ quan trọng bậc nhất, vụ đông xuân ở miền Bắc dự báo gặp khó

Minh Ngọc Thứ ba, ngày 16/11/2021 19:00 PM (GMT+7)
Theo Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), vụ đông xuân 2021-2022 ở miền Bắc dự báo sẽ gặp khó khăn hơn khi dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp và đối mặt với rét và thiếu nước do ảnh hưởng cực đoan của biến đổi của khí hậu.
Bình luận 0

Vụ đông xuân 2021 - 2022 sẽ đối mặt nhiều thách thức

Dự kiến vụ đông xuân 2021 - 2022, các tỉnh phía Bắc sẽ gieo cấy khoảng 1,081 triệu ha, giảm khoảng 6.000ha so với lúa vụ đông xuân 2020 - 2021. 

Năng suất trung bình dự kiến đạt 64,4 tạ/ha, tăng khoảng 0,2 tạ/ha so với năm ngoái, sản lượng ước đạt khoảng 7 triệu tấn, giảm khoảng 18.200 tấn so với cùng kỳ.

Ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt nhận định, vụ đông xuân 2021-2022 ở các tỉnh phía Bắc dự báo phải đối mặt với nhiều khó khăn như: Xu hướng rét đậm, rét hại trong mùa đông xảy ra sớm với tần suất mạnh. 

Nguồn nước đến các hồ chứa lớn và trên các lưu vực sông khu vực Bắc Bộ tiếp tục thiếu hụt từ 30 - 50%, đặc biệt thiếu hụt tại vùng hạ lưu sông Lô và sông Hồng từ 60 - 90%.

Vụ đông xuân ở miền Bắc: Dự báo gặp khó vì thiếu  nước, rét... - Ảnh 1.

Nông dân tỉnh Hải Dương sử dụng máy cấy tại vụ đông xuân 2021. Ảnh: M.N

Tổng cục Thủy lợi sẽ chủ trì, phối hợp với Cục Trồng trọt, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các địa phương trình Bộ NNPTNT phương án điều tiết nước các hồ Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang có hiệu quả để đảm bảo phục vụ sản xuất theo đúng kế hoạch và tiết kiệm nước .

Nguy cơ thiếu hụt nguồn nước, nhất là nguồn nước từ các hồ chứa lớn thượng lưu lưu vực sông Hồng tiếp tục xảy ra từ tháng 11/2021 - 4/2022. 

Nguồn nước đến các hồ chứa lớn trên các lưu vực sông khu vực Bắc Bộ tiếp tục thiếu hụt từ 30 - 50% (đặc biệt, thiếu hụt tại vùng hạ lưu sông Lô và sông Hồng từ 60 - 90%). 

Mực nước thấp nhất lịch sử có khả năng xuất hiện tại hạ lưu sông Lô và hạ lưu sông Hồng, đặc biệt trong các tháng mùa cạn năm 2022.

Đáng lo ngại, vụ đông xuân 2021-2022 diễn ra trong điều kiện dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp đặt ra thách thức cho các vựa sản xuất nông nghiệp khu vực phía Bắc.

Theo nhận định của Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, rét đậm, rét hại trong mùa đông 2021 - 2022 có thể xảy ra sớm, tập trung nhiều trong thời kỳ từ khoảng giữa tháng 12/2021 - 2/2022. 

Lượng mưa từ tháng 11/2021 - 3/2022 phổ biến ở mức thấp hơn từ 10 - 25% so với cùng kỳ so với trung bình nhiều năm. 

Do các đợt mưa lớn, kéo dài trong tháng 10 và các tháng cuối năm 2021 nên diện tích đổ ải vụ đông xuân 2021 - 2022 có xu hướng khó khăn hơn rất nhiều so với các vụ trước.

Ông Nguyễn Văn Tỉnh - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy lợi cho biết, hiện tại, các hồ chứa thủy điện Sơn La, Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang có mức trữ đạt 80% dung tích thiết kế, thấp hơn cùng kỳ nhiều năm (thường đang trữ cơ bản đầy nước); các hồ chứa nước thủy lợi khu vực Bắc Bộ hiện cũng chỉ đạt trung bình khoảng 75% dung tích thiết kế.

Bên cạnh đó, tình trạng mực nước hạ du hệ thống sông Hồng bị hạ thấp do ảnh hưởng của việc khai thác cát quá mức và một số nguyên nhân khác tiếp tục xảy ra, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc lấy nước của các hệ thống công trình thủy lợi. 

Do vậy, nguồn nước phục vụ sản xuất vụ đông xuân 2021-2022 ở khu vực trung du và đồng bằng Bắc Bộ và một số địa phương ở khu vực miền núi phía Bắc sẽ gặp khó khăn, nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Các địa phương cần chủ động lên kịch bản

Để đảm bảo thắng lợi vụ đông xuân 2021 - 2022, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh lưu ý, đây là vụ đông xuân có thời tiết thiên về lạnh, do vậy thời gian sinh trưởng của cây lúa sẽ kéo dài hơn các vụ đông xuân ấm. 

Vì vậy, các địa phương cần bố trí thời vụ, cơ cấu giống để đảm bảo lúa trỗ vào thời gian an toàn, tránh ảnh hưởng của đợt rét nàng Bân, đặc biệt là các tỉnh Đồng bằng sông Hồng, Trung du miền núi phía Bắc. 

Theo đó, các địa phương tập trung trà xuân muộn là chủ lực, tăng diện tích lúa chất lượng, giống chống chịu tốt với sâu bệnh và điều kiện bất thuận. Khuyến khích sử dụng các giống lúa ngắn ngày, chỉ bố trí giống lúa dài ngày trên các chân đất đặc thù.

Thứ trưởng Doanh cũng đề nghị các địa phương sớm xây dựng kế hoạch sản xuất lúa, màu vụ đông xuân 2021 - 2022 và vụ hè thu, vụ đông của cả năm 2022, trong đó xác định vụ đông xuân là vụ có năng suất cao nhất, quan trọng nhất trong năm nên phải ưu tiên bố trí thời vụ tối ưu nhất. 

Bên cạnh đó, các địa phương cần tính toán thời gian gieo mạ phù hợp để thời gian lúa trỗ tập trung vào thời điểm tối ưu nhất.

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác hiệu quả kinh tế cao và bền vững.

 Làm tốt thủy lợi nội đồng, chủ động tưới tiêu, chỉ đạo chặt chẽ dự tính dự báo sâu bệnh hại, đặc biệt các bệnh nguy hại như đạo ôn, lùn sọc đen. 

Tăng cường dự tính, dự báo và phòng trừ sâu bệnh kịp thời các đối tượng dịch hại trên cây trồng.

Về khung thời vụ, đối với vùng Bắc Trung Bộ, bố trí thời điểm xuống giống phù hợp cho từng giống và từng trà lúa của từng địa phương để lúa trỗ đúng thời điểm an toàn từ 10/4 - 5/5/2022.

Vùng Đồng bằng sông Hồng và trung du miền núi phía Bắc bố trí thời vụ gieo cấy phù hợp để lúa trỗ từ 5 - 20/5/2022, trong đó trỗ tập trung từ 10 - 15/5/2022.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem