Hà Nội: Hơn 76 tỷ đồng hỗ trợ nông dân sản xuất vụ đông 2021

Đức Thịnh Thứ bảy, ngày 06/11/2021 15:40 PM (GMT+7)
Nhằm tạo đột phá để tăng giá trị trong sản xuất vụ đông năm 2021, ngành nông nghiệp Hà Nội đã điều chỉnh lại cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện canh tác của từng vùng, đồng thời triển khai nhiều chính sách hỗ trợ các hợp tác xã, hộ dân sản xuất vụ đông.
Bình luận 0

"2 sớm, 4 sát" trồng vụ đông

Buổi sáng ở vựa rau thôn Đông Cao (xã Tráng Việt, huyện Mê Linh), bà con nông dân xuống đồng từ khá sớm để chăm sóc các loại rau màu.

Chị Nguyễn Thị Hiền (một nông dân thôn Đông Cao) chia sẻ: "Mấy ngày qua trên địa bàn xảy ra nhiều trận mưa lớn làm chậm tiến độ xuống giống rau vụ đông 1 tuần so với kế hoạch. Vì vậy, ngay khi thời tiết thuận lợi, chúng tôi đẩy nhanh tiến độ xuống giống".

Theo lãnh đạo HTX dịch vụ tổng hợp Đông Cao, trồng rau vụ đông, thời tiết khắc nghiệt, có thời điểm rét đậm rét hại nên đòi hỏi yêu cầu canh tác cao hơn. Cùng với đó, giá vật tư nông nghiệp liên tục tăng cao, hiện giá phân bón tăng 30 - 40% so với đầu năm. Do đó, HTX khuyến khích, vận động nông dân duy trì sản xuất an toàn, VietGAP nhằm tiết kiệm chi phí sản xuất và nâng cao chất lượng nông sản.

Hà Nội: Hơn 76 tỷ đồng hỗ trợ nông dân sản xuất vụ đông 2021 - Ảnh 1.

Nông dân xã Trung Châu, huyện Đan Phượng, Hà Nội chăm sóc cà chua vụ đông. Ảnh: Thu Hà

Thời gian tới, ngành nông nghiệp TP.Hà Nội sẽ phối hợp với UBND các huyện, thị xã tiếp tục rà soát kế hoạch sản xuất theo hướng phù hợp với điều kiện đất đai, thị trường tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm mục tiêu về diện tích, năng suất, chất lượng,...

Ông Phạm Thành Đô - Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh cho biết: Trên địa bàn huyện Mê Linh đã hình thành các vùng chuyên canh rau, như: Vùng trồng củ cải trắng ở xã Tráng Việt, vùng su hào ở xã Tiền Phong, vùng rau gia vị ở xã Tiến Thắng, vùng hành tây ở xã Văn Khê, vùng hoa ở các xã: Mê Linh, Đại Thịnh, Văn Khê… Vụ đông 2021-2022, toàn huyện Mê Linh gieo trồng khoảng 1.600ha rau màu, chủ yếu là su hào, hành tây, các loại rau cải, rau gia vị.

Tương tự tại huyện Ứng Hoà, dù bị ảnh hưởng thời tiết mưa lớn đầu vụ, những địa phương này đang tập trung nguồn lực hỗ trợ nông dân trồng cây vụ đông.

Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Ngô Tiến Hoàng cho biết: Vụ đông 2021, toàn huyện Ứng Hòa gieo trồng khoảng 800ha cây các loại. Theo đó, cùng với phương châm "2 sớm, 4 sát" (xây dựng đề án sớm, triển khai sớm; cơ cấu cây trồng sát với điều kiện tự nhiên, thời vụ sát với thủy văn, sản phẩm sát với thị trường, chỉ đạo sát cơ sở), huyện hỗ trợ 50% giống khoai tây, 50% phân hữu cơ cho các mô hình trồng rau, khoai tây trên địa bàn với kinh phí hơn 2 tỷ đồng.

Sóc Sơn là huyện có diện tích cây vụ đông lớn của thành phố với hơn 3.000ha, Phó Chủ tịch UBND huyện Đỗ Minh Tuấn cho hay: Ngoài việc hỗ trợ 50% giống, vật tư nông nghiệp cho các địa phương triển khai vụ đông trên đất 2 lúa, các mô hình cây vụ đông giá trị cao, Sóc Sơn còn xây dựng cơ chế hỗ trợ về kho lạnh, bảo quản sau thu hoạch cho cây vụ đông để bảo đảm tiêu thụ sản phẩm thuận lợi.

Hơn 76 tỷ đồng hỗ trợ sản xuất vụ đông

Hà Nội: Hơn 76 tỷ đồng hỗ trợ nông dân sản xuất vụ đông 2021 - Ảnh 3.

Nông dân xã Nam Hồng (huyện Đông Anh, Hà Nội) gieo hạt giống rau vụ đông 2021. Ảnh: H.V

Hỗ trợ nông dân Hà Nội sản xuất vụ đông 2021 - Ảnh 4.

Theo Sở NNPTNT Hà Nội, trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, tác động nhiều mặt đến đời sống kinh tế - xã hội, thành phố đã sớm điều chỉnh kế hoạch sản xuất vụ đông phù hợp với tình hình mới theo hướng tăng diện tích.

Cụ thể, tổng diện tích vụ đông toàn thành phố là trên 32.500ha, tăng gần 2.900ha so với kế hoạch đầu năm. Thành phố cũng điều chỉnh lại cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện canh tác của từng vùng, bảo đảm năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế, an toàn thực phẩm và hướng sản xuất gắn với nhu cầu thị trường.

Điểm mới của vụ đông năm nay là Hà Nội tăng diện tích các loại cây đáp ứng nhu cầu thị trường như: Ngô, đậu tương... vừa làm thực phẩm, vừa làm nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi. Do đó, ngay từ thời điểm đầu tháng 10, các huyện đã bám sát khung thời vụ, điều chỉnh kế hoạch sản xuất vụ đông theo hướng tăng diện tích và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đáp ứng nhu cầu thị trường, đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất.

Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội - Vũ Thị Hương, để hỗ trợ các địa phương tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm vụ đông, cùng với việc đa dạng hóa nội dung của diễn đàn khuyến nông, đơn vị sẽ phối hợp với Trung tâm Khuyến nông quốc gia hỗ trợ các mô hình cây vụ đông mới trên địa bàn thành phố…

Còn Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội - Chu Phú Mỹ cho biết: Hà Nội hỗ trợ phát triển sản xuất cây màu vụ đông (nguồn giống, thuốc bảo vệ thực vật, chi phí làm đất) theo hướng sản xuất hàng hóa với kinh phí 76,825 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố.

Thời gian tới, ngành nông nghiệp TP.Hà Nội sẽ phối hợp với UBND các huyện, thị xã tiếp tục rà soát kế hoạch sản xuất theo hướng phù hợp với điều kiện đất đai, thị trường tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm mục tiêu về diện tích, năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế…


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem