Điệp khúc chợ tạm
Theo trình bày của nhiều tiểu thương, hàng chục năm nay họ không có chỗ kinh doanh ổn định. Chợ Tân Thạnh là chợ trung tâm của huyện nhưng không đủ quầy, sạp nên chính quyền bố trí cho họ buôn bán cặp theo kênh 12 và kênh Dương Văn Dương.
|
Dãy ki ốt mới nằm dưới lưới điện, vi phạm hành lang an toàn giao thông cả đường thủy lẫn bộ. |
Cứ mỗi lần “chỉnh trang đô thị”, các hộ kinh doanh lại phải di dời đi nơi khác, sau đó lại được bố trí buôn bán dọc kênh. Điệp khúc “chỉnh trang - di dời” cứ lặp đi lặp lại khiến nhiều tiểu thương rất mệt mỏi. “Thậm chí, huyện giải tỏa các ki ốt ở góc chợ nói là xây công viên.Sau đó, huyện lại cho xây... ki ốt mới và bán cho dân”, ông Dương Tấn Đức - nhân viên quản lý chợ cho biết.
Ông Nguyễn Văn Khương cho biết, trước đây gia đình ông kinh doanh gạo cặp phía bờ kênh 12. Tuy nhiên, địa phương yêu cầu gia đình ông và các hộ kinh doanh khác phải di dời để họ trồng cây xanh, làm bờ kè. Cây xanh, bờ kè đâu không thấy, chỉ thấy các hộ khác đến kinh doanh trên bờ kênh này. Mới đây, địa phương lại bố trí gia đình ông quay về vị trí cũ để buôn bán.
Ông Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch UBND thị trấn Tân Thạnh cho biết, các hộ kinh doanh trên bờ kênh 12 đã nhiều lần bị giải tỏa nhưng địa phương vẫn chưa có chỗ buôn bán ổn định để bố trí cho dân. “Hiện nay, chúng tôi tiếp tục phân lô trên bờ kênh để dân buôn bán. Vị trí này nằm dưới… lưới điện nên phải kết hợp với điện lực hướng dẫn cách chống sét” - ông Việt nói.
Bắt dân làm... “thần đèn”
Theo hồ sơ của UBND thị trấn Tân Thạnh, nhà cửa mà các hộ dân đang sinh sống đều được xây dựng trên dưới 50 năm nay, mỗi năm đều đóng thuế nhà đất đầy đủ.
Ngày 18-6-2010, UBND thị trấn Tân Thạnh có công văn yêu cầu các hộ dân có nhà cửa ở kênh Dương Văn Dương phải di dời toàn bộ nhà cửa, quầy sạp, phương tiện kinh doanh, cây cối và vật kiến trúc khác trả mặt bằng để thi công xây dựng bờ kè, hạn chót di dời là 30-6-2010, tức 12 ngày sau khi có thông báo.
Các hộ dân đến nay nhất quyết không chịu di dời vì địa phương không hề trả lời dân về phương án đền bù, tái định cư, tái kinh doanh…
Ông Võ Xuân Sơn, 70 tuổi bức xúc: “Gia đình tôi sinh sống, buôn bán ổn định ở đây hơn 50 năm nay. Nay địa phương yêu cầu phải dời liền nhưng chúng tôi không thấy quyết định thu hồi đất, không rõ mục đích tại sao phải giải tỏa trắng nên chưa chấp hành…”.
Tiếp xúc với NTNN, các hộ dân ở đây cho biết, nếu thu hồi để làm bờ kè thì mỗi hộ vẫn còn từ 12 - 15m chiều dài, không ảnh hưởng gì đến việc cấp phép xây dựng sau này thì tại sao huyện lại quyết thu hồi toàn bộ?
Hữu Danh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.