Khoa học chính thống nghi ngờ “người gây cháy”

Thứ hai, ngày 21/05/2012 06:36 AM (GMT+7)
Dư luận đang quan tâm đến bé gái ở quận Tân Bình – TP.HCM được cho là có khả năng gây cháy. Tuy nhiên, giới khoa học chính thống tỏ ra khá thờ ơ với chuyện này vì nó trái với một số nguyên tắc khoa học.
Bình luận 0

img
 
Uri Geller uốn cong chiếc muỗng bằng ý nghĩ: sức mạnh siêu nhiên hay trò ảo thuật thượng thặng?

Sự thật hay trò lừa?

Cho đến nay, câu chuyện người phát năng lượng gây cháy được kể nhiều nhất có lẽ là trường hợp cậu bé người Ý Benedetto Supino, mười tuổi. Năm 1982, cậu đã làm xôn xao cả nước khi “làm cháy” cuốn truyện tranh đang đọc trong khi ngồi chờ chữa răng. Kể từ đó, bất kỳ nơi nào Benedetto đi qua, sách báo, đồ đạc cũng có thể cháy âm ỉ hay bùng cháy mạnh.

Thậm chí có một buổi sáng khi thức dậy, bộ quần áo trên người Benedetto bốc cháy khiến cậu bị bỏng nặng. Lần khác, một vật bằng nhựa trên tay người chú của Benedetto cũng phát cháy khi cậu… nhìn chăm chăm vào! Bị người chung quanh sợ hãi, Benedetto phải bực mình nói: “Tôi đâu có muốn làm cháy đồ đạc, nhưng tôi có thể làm gì bây giờ?”

Tuy nhiên, sau một thời gian tập luyện kiểm soát tư duy với một chuyên gia tâm lý, năng lực kỳ lạ của Benedetto biến mất.

Trước đó, vào cuối năm 1980, ở Thorah, gần Toronto (Canada), cô bé 14 tuổi người Anh Jennie Bramwell, con nuôi một cặp vợ chồng, cũng có năng lực như thế. Sau một lần bị bệnh và hôn mê, cô bé tỉnh dậy và chỉ lên trần nhà đang cháy. Những ngày sau, chung quanh nhà cô lần lượt xuất hiện những vụ cháy đồ đạc khiến mọi người không chịu nổi phải đưa Jennie trở lại trại mồ côi trước đây.

Sau một thời gian sống ở đây, Jennie được cho rằng trở lại thành người bình thường. Tuy nhiên, khác với vụ Benedetto, báo chí đã vào cuộc: một phóng viên của tờ Toronto Globe tiến hành điều tra và phát hiện Jennie lấy cắp hoá chất ở một cửa hàng rồi mang về rải trong nhà để gây cháy!

Vụ việc này làm nhớ lại một vụ tương tự trước đó. Tháng 1.1895, tại Brooklyn – New York (Mỹ), Rhoda, cô con nuôi của ông bà Adam Colwell cũng được cho là có năng lực làm cháy đồ đạc. Không ai giải thích được hiện tượng kỳ lạ đó cho đến khi cảnh sát vào cuộc điều tra và phát hiện Rhoda đã dàn dựng vụ việc vì muốn… gia đình chuyển đi nơi khác sinh sống! Khi đó, tờ The New York Herald đã đăng bài với tựa đề Cảnh sát và lính cứu hoả bị một cô gái trẻ dễ thương lừa gạt khôn khéo!

img

 “Cậu bé gây cháy” người Ý Benedetto Supino.

Đi ngược các định luật khoa học

Trao đổi với người viết, nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải, chủ nhiệm bộ môn Thông tin dự báo, trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người (Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam), cho rằng hiện tượng “người gây cháy” không khác gì hiện tượng người chủ động làm dịch chuyển đồ vật theo ý muốn của mình mà ông gọi là “tâm lý vận động” (psychokinesis) hay “cách không khiển vật” (telekinesis).

Với trường hợp bé gái ở quận Tân Bình, ông Hải gọi đây hiện tượng “cách không khiển vật tự phát” (spontaneous telekinesis) vì bé gây cháy một cách tự phát chứ không cố ý.

Trên thế giới, “cách không khiển vật” được đề cập khá nhiều. Năm 1890, nhà nghiên cứu tâm thần người Nga Alexander N. Aksakov đưa ra thuật ngữ này để chỉ các hiện tượng “ảnh hưởng tư tưởng từ xa”, “xáo trộn bất thường”, tác động “tư tưởng trên đồ vật”.

Lúc đầu, hiện tượng này được cho là do ma quỷ, người chết hay thế lực siêu nhiên gây ra, nhưng sau đó người ta thấy nó cũng có thể tạo ra bởi con người. Từ điển Tâm lý học Oxford 2009 định nghĩa tâm lý vận động theo một nghĩa rộng, như là hiện tượng “làm chuyển động hay thay đổi các đồ vật thực thể” trong khi “cách không khiển vật” chỉ có nghĩa “làm chuyển động đồ vật”.

Với cách hiểu này, một số tài liệu không chính thống đã đề cập đến những người có khả năng dịch chuyển hay thay đổi đồ đạc như Eusapia Palladino (người Ý) có thể nâng một chiếc bàn lên không trung bằng tư tưởng, Uri Geller (Israel) làm uốn cong một chiếc muỗng từ xa hay Nina Kulagina (Nga) có thể chuyển động các đồ vật trên bàn mà không cần chạm vào chúng.

Thế nhưng, dưới góc nhìn chính thống, các nhà khoa học hoàn toàn không tin vào “tâm lý vận động” hay “cách không khiển vật”. TS Cao Huy Thiện, phó viện trưởng viện Vật lý TP.HCM, nói:

“Chúng tôi không quan tâm đến những hiện tượng như thế vì chúng đi ngược lại các định luật vật lý thông thường như định luật bảo tồn động lượng. Một hiện tượng chỉ có giá trị khoa học khi nó được khảo sát rõ ràng theo đúng trình tự khoa học, phải được thực nghiệm nhiều lần và cùng lặp lại một giá trị như nhau. Một hiện tượng xuất hiện lẻ tẻ và ngẫu nhiên thì không đáng tin”.

Thách đố từ khoa học chính thống

Trong thực tế, giới khoa học nước ngoài cũng đã nghiên cứu hiện tượng “tâm lý vận động” hay “cách không khiển vật” một cách nghiêm túc, thế nhưng kết luận đưa ra vẫn chưa ngã ngũ.

Trường hợp Nina Kulagina là thí dụ. Khi phát hiện khả năng của cô, khoảng 40 nhà khoa học, trong đó có hai người đoạt giải Nobel, đã nghiên cứu. Tháng 3.1970, tại một phòng thí nghiệm ở Leningrad (Liên Xô cũ) người ta đề nghị cô dùng “năng lượng” tác động lên trái tim của một con ếch đang đập trong dung dịch.

Báo cáo cho thấy tim ếch đập nhanh hơn, chậm hơn rồi ngưng đập sau khi Nina tập trung tư tưởng tối đa. Tuy nhiên, không phải nhà khoa học nào cũng tin điều này. Uỷ ban điều tra những hiện tượng bất thường của Ý cho rằng những thực nghiệm về Nina được chuẩn bị trong những môi trường không kiểm soát và dùng nhiều xảo thuật khéo léo không khác gì một buổi biểu diễn của ảo thuật gia.

Đi xa hơn, người ta còn cho rằng đây chỉ là chiêu để đánh bóng Liên Xô trong thời kỳ chiến tranh lạnh.

Dù tâm lý vận động hay cách không khiển vật đến nay còn trong tranh cãi, nhưng có một điều rõ ràng là chưa một cá nhân có “năng lực kỳ lạ” nào trên thế giới giành được những số tiền khổng lồ do một số người hay tổ chức nghi ngờ đặt cược. Chẳng hạn, nhà doanh nghiệp Gerald Fleming treo giải 250.000 bảng Anh nếu Uri Geller có thể làm cong chiếc muỗng trong điều kiện có kiểm soát.

Tương tự, quỹ Giáo dục James Randi đề nghị số tiền đến 1 triệu đôla Mỹ cho bất kỳ ai có thể biểu diễn công khai một hiện tượng bất thường kiểu như “cách không khiển vật”. Treo giải như thế, nhưng đến nay chưa thấy ai giành được giải này!

Theo SGTT
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem