"Khoác tấm áo mới", đời sống người dân Quế Sơn được nâng cao lên một tầm cao mới

Đoàn Hồng - Trần Hậu Thứ ba, ngày 28/09/2021 15:37 PM (GMT+7)
Sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), từ các làng quê ở miền núi hay đồng bằng ở huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam đã “khoác lên mình tấm áo mới”, cơ sở hạ tầng đầu tư khang trang, đến đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước được nâng lên đáng kể.
Bình luận 0

Bứt phá mạnh mẽ đi lên

Ông Nguyễn Minh Châu – Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Sơn cho biết: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM được huyện Quế Sơn triển khai từ năm 2011. Thời điểm đó, xuất phát điểm của huyện còn thấp, hạ tầng kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ; tổ chức sản xuất chưa bài bản; chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư kinh doanh.

Quảng Nam: Hành trình 10 năm xây dựng nông thôn mới giúp Quế Sơn thay đổi diện mạo - Ảnh 1.

Cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ là điểm nhấn của huyện Quế Sơn sau 10 năm xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Đoàn Hồng.

Sau 10 năm xây dựng NTM huyện Quế Sơn bình quân đạt 16,3 tiêu chí/xã, không có xã nào dưới 12 tiêu chí, đến nay đã có 10 khu dân cư NTM kiểu mẫu được công nhận, thu nhập bình quân đầu người đạt 36,6 triệu đồng/người/năm, hộ nghèo giảm còn 3,75%, có 6 xã về đích NTM gồm: Quế Xuân 1, Quế Xuân 2, Quế Long, Quế Phú, Quế Mỹ, Quế Châu.

Tuy nhiên, bằng sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, sau 10 năm xây dựng NTM, Quế Sơn đã phát huy được nội lực trong nhân dân, đồng thời tranh thủ được sự đầu tư, hỗ trợ từ ngân sách các cấp và lồng ghép các chương trình, dự án trên địa bàn. Nhờ vậy, kết cấu hạ tầng trên địa bàn huyện đã được đầu tư, nâng cấp đồng bộ, nhất là hệ thống hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, dân sinh, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn.

Quảng Nam: Hành trình 10 năm xây dựng nông thôn mới giúp Quế Sơn thay đổi diện mạo - Ảnh 4.

Trường học ở huyện Quế Sơn được đầu tư khang trang. Ảnh: Trần Hậu.

Theo ông Châu, để đạt được kết quả như ngày hôm nay, địa phương đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Nhất là công tác tuyên truyền, nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân, thực hiện thường xuyên với nhiều hình thức đa dạng và phong phú theo hướng chuyên đề, chuyên sâu hơn. Tất cả các xã đều xây dựng các cụm panô, áp phích tuyên truyền về xây dựng NTM.

Bên cạnh đó, phối hợp với Ban Dân vận Huyện uỷ, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các Hội, đoàn thể huyện hướng dẫn các Tổ chức đoàn thể ở cơ sở vận động nhân dân tham gia xây dựng đời sống văn hóa kết hợp với xây dựng NTM ở khu dân cư, xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu; tham mưu Huyện ủy ban hành Chỉ thị tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh"...

Quảng Nam: Hành trình 10 năm xây dựng nông thôn mới giúp Quế Sơn thay đổi diện mạo - Ảnh 5.

Đến nay, huyện Quế Sơn đã có 10 khu dân cư NTM kiểu mẫu được công nhận. Ảnh: Trần Hậu.

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên nhân dân đã tích cực tham gia và tự nguyện hiến đất đai, hoa màu, vật kiến trúc, tham gia ngày công để xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, dân sinh và đạt chuẩn các tiêu chí NTM.

Ông Hồ Anh Trung – Chủ tịch UBND xã Quế Long (huyện Quế Sơn) chia sẻ, với sự hỗ trợ của các cấp, ngành, sự đồng thuận của nhân dân, Quế Long đã về đích xã NTM năm 2016. Dấu ấn lớn nhất trong quá trình xây dựng NTM tại xã Quế Long là cơ sở hạ tầng được đầu tư ngày càng hoàn thiện, nhất là giao thông, trường học.

Xã Quế Long xác định đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông nông thôn là mục tiêu được địa phương chú trọng trong việc tạo nền tảng phát triển kinh tế, cải thiện đời sống nông thôn. Hiện nay, Quế Long tiếp tục đầu tư để hướng đến xã NTM nâng cao, xa hơn là xã NTM kiểu mẫu. 

Quảng Nam: Hành trình 10 năm xây dựng nông thôn mới giúp Quế Sơn thay đổi diện mạo - Ảnh 6.

Huyện Quế Sơn đã và đang kêu gọi đầu tư đến với các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Ảnh: Trần Hậu.

"Chương trình xây dựng NTM đã giúp cho địa phương có những đổi thay căn bản. Các tuyến đường liên xã, liên thôn, đường ngõ, xóm đất đỏ, bụi bặm xưa kia được mở rộng và bê tông hóa sạch sẽ, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của nhân dân. Đặc biệt, trung tâm văn hóa xã, các nhà văn hóa thôn được xây dựng khang trang, đời sống người dân khấm khá hơn…". Ông Phạm Hữu Đường – một người dân ở thôn Lộc Thượng, xã Quế Long phấn khởi nói.

Kinh tế phát triển, thu nhập người dân tăng lên

Ông Châu cho biết, ngoài việc đầu tư xây dựng NTM thì huyện Quế Sơn đặc biệt quan tâm đến phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Thời gian qua, Quế Sơn đã phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, xây dựng các sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi giá trị nhằm nâng cao giá trị sản phẩm.

Quảng Nam: Hành trình 10 năm xây dựng nông thôn mới giúp Quế Sơn thay đổi diện mạo - Ảnh 6.

Quế Sơn đã xây dựng được nhiều mô hình kinh tế đem lại thu nhập cao cho người dân. Ảnh: Trần Hậu.

Quế Sơn đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi, xây dựng các cánh đồng mẫu, cánh đồng kỹ thuật được nhân rộng và có sức lan tỏa khá lớn trong nhân dân. Việc áp dụng cơ giới hóa trên đồng ruộng đã góp phần giảm chi phí sản xuất cho người nông dân.

Công tác khuyến nông, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Hoạt động khoa học công nghệ được triển khai tích cực, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm thiểu sức lao động cho người dân.

Những năm qua, Quế Sơn đã xây dựng được nhiều mô hình kinh tế tiêu biểu như: Mô hình nuôi gà tre Đèo Le, mô hình chăn nuôi heo, bò, mô hình trồng rừng, lạc sen xắn.... Nhờ vậy, đã giúp cho hàng nghìn hộ dân vươn lên thoát nghèo, nhiều hộ làm giàu trên chính mãnh đất quê hương.

Quảng Nam: Hành trình 10 năm xây dựng nông thôn mới giúp Quế Sơn thay đổi diện mạo - Ảnh 7.

Mô hình trồng lạc ở huyện Quế Sơn đang rất phát triển, đem lại thu nhập khá cho người dân. Ảnh: Trần Hậu.

Ông Nguyễn Nghi – Chủ tịch UBND xã Quế Xuân 1 (huyện Quế Sơn) cho biết: Việc phát triển kinh tế nâng cao thu nhập cho người dân là nhiệm vụ trọng tâm của địa phương sau khi xã về đích NTM. Những năm qua xã đã chú trọng phát triển sản xuất gắn với kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhằm nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích, những bộ giống, cây trồng, con vật nuôi mới được đưa vào sản xuất và đã có bước chuyển hướng tích cực.

Từ năm 2017, UBND xã Quế Xuân 1 đã xây dựng phương án chuyển đổi mô hình sản xuất lạc thâm canh trên chân đất lúa kém hiệu quả, với diện tích lên 140ha, với hơn 600 hộ tham gia sản xuất, tại các thôn như: Trung Vĩnh, Dưỡng Mông Đông, Dưỡng Xuân, Thạnh Hòa. Đến nay, qua 4 vụ triển khai mô hình sản xuất lạc thâm canh bước đầu cho kết quả ngoài mong đợi. Năng suất bình quân đạt trên 150kg lạc khô/1 sào (500m2), 1ha đem lại thu nhập khoảng 80-90 triệu đồng.

Ngoài phát triển nông nghiệp, Quế Sơn đã và đang kêu gọi các doanh nghiệp vào đầu tư tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn huyện như: Hương An, Quế Cường, Đông Phú... nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết lao động cho địa phương.

"Xây dựng NTM không chỉ mang lại diện mạo mới tại các làng quê huyện Quế Sơn mà còn góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển, đời sống sung túc, thôn làng văn minh, rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn. Kết quả này củng cố niềm tin của các tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và chính quyền địa phương, là tiền đề để xây dựng quê hương Quế Sơn ngày càng giàu đẹp...", ông Nguyễn Minh Châu – Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Sơn cho hay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem