Khoai tây vụ đông: Lãi gấp 3 lần trồng lúa, vẫn thấp thỏm

Thứ sáu, ngày 03/02/2012 06:19 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Vụ khoai tây đông này, bà con nông dân huyện Nam Trực (Nam Định) đua nhau trồng kín đồng. Dù chỉ là vụ xen, nhưng nó đã và đang mang lại thu nhập cao gấp 3 lần cây lúa.
Bình luận 0

Lãi gấp 3 trồng lúa

Nam Trực là huyện có điều kiện rất thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, đặc biệt là hoa màu vụ đông. Huyện có 15km bờ đê sông Đào và 14km bờ đê sông Hồng, đã tạo thành những vùng đất màu mỡ thích hợp cho việc thâm canh hoa màu. Vụ đông năm 2010, toàn huyện gieo trồng khoảng 2.700ha, trong đó khoai tây chiếm 1.200ha, khoai lang 400ha, ngô 450ha... Sản lượng khoai đạt 17.000 tấn/vụ đông, năng suất đạt 7 - 9 tạ/sào, giá từ 8.000 - 12.000 đồng/kg, trừ chi phí lãi từ 4 - 6 triệu đồng/sào.

img
Người dân trồng khoai tây vụ đông ở Nam Trực có lãi gấp 3 lần trồng lúa.

Ông Phạm Văn Đức - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Văn Giang (Nam Trực) cho biết: Diện tích gieo trồng cây vụ đông này giảm khoảng 50ha, tuy nhiên diện tích cây khoai tây vẫn giữ nguyên với so với vụ trước.

Đang vun những luống khoai tây xanh tốt, chị Đào Thị Soát (thôn 1, thị trấn Văn Giang) cho hay, trồng khoai tây không khó, không đòi hỏi kỹ thuật cao như cà chua, dưa hấu... và đầu tư ít (khoảng 200.000 đồng tiền giống, 10kg đạm, 10kg NPK), sau 3 tháng là cho thu hoạch.

"Vụ trước sau khi gặt xong, tôi trồng 3 sào khoai tây, năm nay tôi tiếp tục trồng 3 sào. Không biết giá cả năm nay thế nào, nhưng vụ trước cũng được hơn 2 tấn, thương lái về tận ruộng mua với giá 10.000 - 12.000 đồng/kg, trừ chi phí lãi hơn 10 triệu đồng, tính ra lãi gấp 3 trồng lúa. Đó là khoai nhà tôi vẫn còn xấu, chứ nhiều nhà lãi 6 - 7 triệu đồng/sào là chuyện thường" - chị Soát khoe.

Vẫn lo đầu ra

Mặc dù vụ đông năm 2010, người trồng khoai tây ở Nam Trực trúng đậm vì vừa được mùa vừa được giá, tuy nhiên nông dân trồng khoai vẫn mang tính tự phát, sản phẩm trông chờ vào các thương lái khắp nơi về mua hoặc bán lẻ tại các chợ, chứ chưa có sự liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ. Do đó, việc cung vượt quá cầu và bị ép giá rất dễ xảy ra.

Ông Phạm Văn Đức cho hay: “Hiện tại chúng tôi đang bí đầu ra cho khoai tây, vẫn chủ yếu dựa vào các thương lái. Về lâu dài, chúng tôi sẽ liên hệ với các nhà máy sản xuất tinh bột để tiêu thụ sản phẩm cho bà con".

Theo tìm hiểu của chúng tôi, phần lớn khoai tây ở đây đều được các tư thương mua dồn, rồi bán lại cho các nhà máy sản xuất tinh bột, làm bánh kẹo, mì tôm trên địa bàn tỉnh Nam Định và Hà Nội. Còn nông dân phần vì sản xuất với số lượng nhỏ lẻ, phần vì chưa hình thành được HTX, nên họ rất khó liên kết với các nhà máy và đành phải bán qua khâu trung gian, chấp nhận bị "làm giá".

Chị Trương Thị Minh ở đội 2, thị trấn Nam Giang, trồng 4 sào khoai tây bộc bạch: "Cũng có thể giá khoai tây năm nay sẽ tăng, vì giá cả các mặt hàng phần lớn đều tăng. Nếu giá bằng năm ngoái, hoặc thấp hơn ít, thì trồng khoai tây vẫn lãi hơn trồng lúa từ 2 - 3 lần. Chúng tôi cứ hy vọng vậy".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem