Khoán rừng, đồng bào hưởng lợi

Thứ năm, ngày 14/11/2013 10:35 AM (GMT+7)
Nhờ sự bảo vệ của 320 hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở 6 xã thuộc các huyện Mang Yang, Đăk Đoa và Kbang (Gia Lai) mà 8.000ha rừng của Vườn quốc gia Kon Ka Kinh đã không bị xâm chiếm...
Bình luận 0
Như thường lệ, anh Kuh, làng Hyêr, xã Ayun, (Mang Yang) dậy sớm, có điều hôm nay anh không lên rẫy như mọi ngày mà đến Vườn quốc gia Kon Ka Kinh. Cùng với 24 hộ khác, anh được thôn trưởng, già làng lựa chọn đại diện cho 91 hộ dân của làng ký hợp đồng và nhận tiền giao khoán rừng.

Làng Hyêr đứng ra nhận giao khoán bảo vệ 600ha rừng với Vườn quốc gia Kon Ka Kinh, với số tiền được chi trả là 120 triệu đồng/năm(200.000 đồng/ha/năm). Anh Kuh cho biết: Diện tích anh nhận giao khoán là 30ha với số tiền được nhận là 1,5 triệu đồng/quý. Sau khi nhận tiền về sẽ nộp hết lại cho làng, sau đó chia đều cho tất cả các hộ bởi theo quy định của làng Hyêr, số tiền nhận được sẽ được chia đều cho tất cả 91 hộ dân trong làng vì ai cũng đều có trách nhiệm tham gia giữ rừng.

Người dân được hưởng lợi từ việc nhận tiền từ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng.
Người dân được hưởng lợi từ việc nhận tiền từ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng.

Làng Hyêr đã chia 91 hộ làm 5 tổ, mỗi tổ từ 15-20 người để tiến hành kiểm tra thường xuyên đối với phần diện tích rừng đã nhận giao khoán. Ngoài ra, mỗi tháng 2 lần, làng đều cử ra 2 tổ phối hợp với cán bộ trạm kiểm lâm của vườn tham gia tuần tra, kiểm tra, nhờ đó mà diện tích mà làng Hyêr đã nhận giao khoán từ trước đến nay không bị xâm hại, bị cháy hay bị lấn chiếm đất rừng làm rẫy… “Đã nhận tiền bảo vệ rồi mà, không phá rừng được đâu. Phải giữ cho con cái mình sau này còn nhìn thấy được những cây to…”- anh Kuh nói.

Việc giao khoán cho người dân tham gia quản lý, bảo vệ rừng không những giúp rừng không bị xâm hại, được bảo vệ tốt hơn mà người dân còn có thêm nguồn thu nhập, cải thiện đời sống.

Ông Nguyễn Văn Hoan - Giám đốc Vườn quốc gia Kon Ka Kinh cho biết: “Vườn có 8 trạm kiểm lâm và một đội kiểm lâm cơ động, mỗi cán bộ kiểm lâm được giao quản lý trên 500ha rừng thì không làm sao quản lý nổi. Nếu không có tai mắt của người dân trong việc chia sẻ trách nhiệm bảo vệ rừng thì rừng sẽ bị xâm hại”.

Ngoài việc được hưởng lợi từ những nông sản phụ, có thêm thu nhập từ diện tích nhận khoán, cộng đồng thôn bản vùng đệm còn được Nhà nước đầu tư với mức hỗ trợ 40 triệu đồng/thôn bản/năm để đồng quản lý rừng đặc dụng. Trong năm nay sẽ có 20 làng thuộc vùng đệm của Vườn quốc gia Kon Ka Kinh sẽ được hỗ trợ xây dựng các công trình công cộng.
Trọng Bình (Trọng Bình)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem