Tỷ phú quê rau má trở thành nông dân Việt Nam chuyển đổi số xuất sắc như thế nào?
Tỷ phú quê rau má trở thành nông dân Việt Nam chuyển đổi số xuất sắc như thế nào?
Hồng Liên
Thứ tư, ngày 01/12/2021 07:00 AM (GMT+7)
Nhắc đến cái tên Trần Văn Tân (Quảng Xương, Thanh Hóa) từ cán bộ đến dân, từ doanh nhân đến nông dân nhiều người phải phục lăn bởi độ liều và khùng hiếm có nhưng mà cực kỳ khoa học và bài bản....
Những ngày cuối cùng của tháng 11 dường như cả Hà Nội chuyển mình trong tiết trời se se lạnh nhưng vẫn còn những ánh nắng vàng yếu ớt từ mùa Thu để lại. Trên phố, những con đường rợp bóng cây nâng niu những chiếc lá vàng cuối cùng, tiết trời se se lạnh, nhâm nhi bên tách trà càng khiến cho câu chuyện của tôi với anh nông dân chuyển đổi số Trần Văn Tân trở nên lôi cuốn lạ kỳ.
Tôi gọi anh là anh nông dân chuyển đổi số bởi trong nhiều cái tên như: Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Thanh Hóa Trần Văn Tân, Tổng Giám đốc Công ty CP Xây dựng và Thương mại Phong Cách Mới Trần Văn Tân,.. và nhiều cái tên khác thì anh bày tỏ chỉ muốn tôi và mọi người gọi anh với cái tên "nông dân" Trần Văn Tân. Còn chuyển đổi số là vì năm nay anh Tân được vinh dự là một trong những nông dân có thành tích chuyển đổi số nổi bật nhất.
Len lén làm chui
Anh gọi việc đến với những sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao này là cái "nghiệp". "Nghiệp yêu mớ rau sạch, quả dưa lưới ngon ngọt, và đặc biệt gần đây nhất là "nghiệp" yêu cây rau má. Không biết từ bao giờ mà cây rau má được coi là biểu tượng, là văn hóa, là "thần dược" mà Thượng đế ưu ái dành riêng cho người dân ở mảnh đất Thanh Hóa", nhấp chén trà, anh Tân vừa nói vừa cười kể cho tôi nghe.
Vốn là sinh viên trường Đại học Thủy Lợi, sau khi ra trường, Trần Văn Tân về công tác tại công ty Thủy nông Bắc sông Mã (Thanh Hóa). Tuy nhiên, với niềm đam mê với kinh doanh, không lâu sau anh chủ động xin nghỉ việc ở cơ quan nhà nước để thử sức trong lĩnh vực làm cửa bằng nhôm, nhựa, lõi thép.
Sau hơn 10 năm gắn bó với kinh doanh, Trần Văn Tân đã trở thành một doanh nhân trẻ thành đạt với doanh thu từ cả chục tỷ mỗi năm, sản phẩm nhôm kính của anh được tin dùng ở nhiều nơi trong địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Thế nhưng, chỉ sau hai chuyến tham quan Nhật Bản và Israel cùng Hội doanh nhân trẻ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Thanh Hóa đã có một quyết định đầy táo bạo, bất ngờ.
Còn nhớ, lúc ấy công ty cần nguồn vốn đầu tư lớn nhưng ngân hàng lại từ chối cho vay do lo sợ rủi ro trong nông nghiệp, tôi quyết định bán tất cả từ nhà đến ô tô, thậm chí cả sim điện thoại, len lén mà làm chui vì sự mọi người cản, quyết tâm "chơi một trận lớn" với nông nghiệp sạch"
Nông dân Trần Văn Tân
Không được học chuyên sâu về nông nghiệp, lại rất thành công trong lĩnh vực làm nhôm kính nên khi bày tỏ nguyện vọng muốn làm nông nghiệp theo hướng hiện đại, Trần Văn Tân vấp phải rất nhiều sự phản đối từ gia đình và đồng nghiệp. Nhưng, với quyết tâm muốn đem đến những sản phẩm chất lượng nhất cho cộng đồng bằng chính tư duy, trí tuệ của người Việt, anh vẫn chấp nhận mọi rủi ro và đương đầu những khó khăn tưởng chừng như không thể vượt qua nổi.
Anh kể: "Khi tôi chuẩn bị làm thủ tục đi xin cấp phép thực hiện dự án nông nghiệp công nghệ cao, kế toán trưởng của công ty còn lo lắng về vấn đề sức khỏe tinh thần của tôi vì không ai có thể nghĩ tôi có thể làm gì khác thành công hơn trong khi lĩnh vực kinh doanh nhôm kính đang rất thịnh đạt. Nhưng tôi là người không dễ hài lòng với những gì mình đang có nên càng quyết tâm làm đến cùng những gì đã đặt ra".
Ngày đi xin giấy phép để được thực hiện dự án, vị trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quảng Xương lần nữa mãi không ký để anh có thể đường đường chính chính mở rộng đầu tư sang nông nghiệp bởi họ nghi ngờ ở trình độ chuyên môn của anh và lo sợ rủi ro cao sẽ đến với cách làm nông nghiệp mới mẻ này.
Không nản lòng, anh thuyết phục và xin được giấy cấp phép được sản xuất nông nghiệp hiện đại. Từ đây, Trần Văn Tân chính thức trở thành ông chủ trong cả hai lĩnh vực: Nhôm kính và nông nghiệp sạch. Trong đó, làm nông nghiệp theo hướng công nghệ hiện đại là những ấp ủ mà anh ngày đêm nung nấu để biến ước mơ thành hiện thực.
Sau khi có giấy phép, khó khăn tiếp theo Tân phải đương đầu chính là thuyết phục người dân có ruộng nằm trong diện dự án của mình giao đất theo kế hoạch. Thế nhưng, 84 hộ dân của thôn Dục Tú, xã Quảng Tân, huyện Quảng Xương không dễ dàng gì bàn giao cho công ty và có nhiều đòi hỏi vượt quá khả năng của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, sau khi được thuyết phục và có sự tác động từ chính quyền địa phương, các hộ dân đã đồng ý giao đất ruộng cho công ty với giá đã thỏa thuận, nhiều người còn trở thành công nhân làm nông nghiệp cho anh khi dự án được vận hành.
Ngay sau đó, Trần Văn Tân ngày đêm cùng các kỹ sư phải tìm cách biến những đồng ruộng sình lầy, đào xới, cải tạo thành những mảnh đất màu mỡ cho nông nghiệp.
Bí quyết làm giàu một cách khoa học của "gã liều"
Nhận thấy Nhật Bản và Israel là hai quốc gia có nền nông nghiệp rất phát triển của thế giới với việc ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại vào sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chất lượng; cùng với việc nắm bắt thực trạng thực phẩm bẩn là mối lo ngại lớn nhất của người dân hiện nay, Trần Văn Tân đã quyết tâm theo đuổi lĩnh vực nông nghiệp sạch, áp dụng công nghệ cao, nhằm thay đổi tư duy làm nông nghiệp, đem đến những sản phẩm an toàn cho người dân.
Nghĩ là làm, anh Tân quyết tâm áp dụng quy trình tưới nước nhỏ giọt hiện đại của Israel và mô hình công nghệ, sản xuất của Nhật Bản để xây dựng nên dự án nông nghiệp công nghệ của mình. Để tăng thêm tính tự chủ trong công nghệ, anh đã chủ động mời các kỹ sư Nhật Bản sang tận nơi xây dựng và chuyển giao công nghệ hiện đại. Đồng thời, cử một kỹ sư người Việt sang học tập quy trình sản xuất tại Nhật Bản để trở về giúp anh hoàn thiện ước mơ làm nông nghiệp sạch với các loại cây trồng chủ yếu là dưa lưới và rau thủy canh.
Mới đây, với dự án "Trồng dưa lưới Taki, rau thủy canh trong nhà lưới, nhà màng, nhà kính", anh Tân đã vinh dự trở thành 1 trong 6 nông dân xuất sắc nhất trên cả nước về lĩnh vực chuyển đổi số và được trao giải Bạc tại cuộc thi "Làm nông thời công nghệ 4.0".
Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu chất dinh dưỡng cho cây, Công ty cổ phần xây dựng Phong cách mới do anh Tân làm chủ đã phối hợp cùng Trung tâm Kỹ thuật và Công nghệ sinh học Tiền Giang (trung tâm duy nhất của Việt Nam được Nhật Bản chuyển giao công nghệ về phân bón cho cây trồng). Hiện nay, công ty của anh Trần Văn Tân đã trở thành địa chỉ thứ hai trong cả nước có thể tự sản xuất được sản phẩm dinh dưỡng cho cây trồng và bán ra thị trường với mức tiêu thụ ổn định.
Ngoài ra, với mong muốn làm nông nghiệp sạch để giúp ích cho cộng đồng, anh Tân còn chú ý kết hợp mô hình "Nông nghiệp – Giáo dục – Trải nghiệm" và thu được hiệu quả lớn. Hiện nay, có khoảng 20 trường học của TP Thanh Hóa đã đưa học sinh đến thăm quan và tìm hiểu về nông nghiệp của mô hình trồng trọt mới này. Đây vừa là hình thức giới thiệu về công việc của những người nông dân mà trẻ em thành phố ít khi có dịp được tiếp xúc, vừa là hình thức giáo dục cho thế hệ trẻ dám đột phá trong tư duy để đem lại nhiều hiệu quả tích cực.
Tưởng chừng mọi việc đơn giản, dễ dàng nhưng không...
Công cuộc tìm đầu ra cho sản phẩm cũng hết sức gian nan. Theo anh Tân, để sản phẩm có mặt ở siêu thị cần có tới 31 loại giấy phép khác nhau với khoảng thời gian chờ đợi rất dài. Thêm vào đó, việc thuyết phục và quảng bá sản phẩm an toàn gặp nhiều khó khăn khi người dân không quá tin tưởng vào quy trình sản xuất hiện đại của công ty.
Khó khăn chồng chất khó khăn, khi công ty cần nguồn vốn đầu tư lớn nhưng ngân hàng lại từ chối cho vay do lo sợ rủi ro trong nông nghiệp, anh Tân quyết định bán hết tất cả những thứ có giá trị của mình để "chơi một trận lớn" với nông nghiệp sạch. Từ siêu xe, căn nhà mặt phố đến chiếc sim điện thoại đều bị bán đi để anh dốc toàn tâm, toàn lực cho lĩnh vực mạo hiểm mà mình theo đuổi.
Thấy chồng vất vả và lao tâm khổ tứ với một lĩnh vực xa lạ, vợ anh Tân, chị Phương Anh vô cùng lo lắng. Những ngày đầu khuyên can chồng không nên quá liều lĩnh với nông nghiệp không được, chị buồn bã, căng thẳng, có lúc tưởng chừng như hôn nhân có thể đổ vỡ bất cứ lúc nào khi cô con gái đầu lòng còn quá nhỏ.
Sau tất cả những quyết định và bước đi có phần mạo hiểm của mình, anh Tân đang dần chứng tỏ được sự đúng đắn trong đầu tư nông nghiệp sạch và nhận được nhiều sự ủng hộ nhiệt tình của người dân. "Hiện nay, các sản phẩm nông nghiệp của công ty anh không những được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh tin tưởng, ưa dùng mà gần đây nhất, anh còn "chinh phục" được với các đối tác "ông lớn" như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hà Lan, Ấn Độ và xuất những lô hàng nông sản sạch, nông sản chế biến sâu từ cây rau má đi ra thị trường nước ngoài".
Nhiều trường học trong địa bàn tỉnh không những tin dùng sản phẩm rau sạch của công ty mà còn tổ chức nhiều buổi dã ngoại cho học sinh được đến tận nơi làm ra thực phẩm sạch của anh Tân.
Bên cạnh đó, các hợp tác xã nông nghiệp trong tỉnh cũng thường cử người đến tham quan, học hỏi mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại. Đó chính là niềm động viên, khích lệ lớn đối với một người trẻ dám nghĩ và dám làm, vượt lên trên mọi định kiến của xã hội để thành công như Trần Văn Tân.
Không chỉ sản xuất ra sản phẩm nông nghiệp sạch được tin dùng, Trần Văn Tân còn tạo công ăn, việc làm cho nhiều người dân thôn Dục Tú – nơi đặt cơ sở sản xuất thực phẩm sạch của công ty.
"Cơn bão" Covid-19 ập đến: Trong nguy có cơ
Cũng như bao doanh nghiệp khác, đứng trước "cơn bão" Covid-19, doanh nghiệp của anh cũng ảnh hưởng không nhỏ. Ảnh hưởng bởi sự đứt gẫy liên kết trong chuỗi sản xuất nông nghiệp, hàng không xuất đi được, ùn ứ lại, đã vậy nông sản lại không để được quá lâu càng khiến tình hình trở lên khó khăn.
"Không ngủ quên trên chiến thắng", "không dễ dàng hài lòng với những gì mình có", "hãy nỗ lực, phấn đấu hết mình với niềm đam mê, thành công sẽ theo đuổi bạn" – đó là tâm niệm, là điều mà anh Tân luôn ấp ủ kể từ khi "dấn thân" vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.
Thế nhưng, nhờ sự thông minh, sáng tạo nhạy bén với thời cuộc, giữa thời dịch bệnh, anh Tân tuy không thể đi nhiều nơi kết nối với nhiều đơn vị thu mua sản phẩm, thế nhưng nhờ kết nối qua Zoom, Facetimes, Zalo,... mà các đơn hàng của anh vẫn cứ lặng lẽ xuất đi hầu khắp các tỉnh thành trên cả nước.
Không chịu dừng lại ở đó anh Tân đã bàn với tất các thành viên trong công ty cùng nhau chia sẻ thông tin sản phẩm của mình lên trên mạng facebook, zalo,... thậm chí cả livestream ngay tại ruộng dưa lưới, rau má,... để quảng bá, giới thiệu sản phẩm của mình cũng như đi tìm những đầu mối kết nối tiêu thụ sản phẩm. "Đúng là, một cây làm chẳng nên non, cả công ty chụm lại nên hòn núi cao", anh Tân tiếp lời.
Một mặt, anh ngày ngày đêm bán các đơn hàng từ nhỏ tới lớn trên mạng, một mặt, anh đầu tư vào hoạt động chế biến sâu các sản phẩm nông sản hiện có. Từ đó, nâng tỉ trọng nông sản qua chế biến để xuất khẩu một mặt tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm, mặt khác giải quyết được tình trạng được mùa mất giá hay cụ thể trong thời gian vừa qua là tình trạng ảnh hưởng của dịch Covid-19.
"Năm nay nếu nói đến doanh thu của anh thì hơi bị oách đấy nhé nhà báo", anh tự hào khoe với tôi.
Dứt lời, anh tìm cách giải thích ngay. "Doanh thu "oách" là nhờ ứng dụng công nghệ số, nông nghiệp thông minh mà mình vẫn bán được hàng, đặc biệt có nhiều sản phẩm được chế biến từ cây rau má như bột rau má mịn, nước uống rau má đóng chai, thạch rau má, trà túi lọc rau má..., thế nhưng lãi thì giảm tới gần như 70-80%, nhà báo ạ. Thế nhưng điều đó cũng chẳng hề hấn gì với anh bởi khó khăn hơn thế gấp vạn lần anh còn vượt qua được, huống chi bây giờ nhờ ứng dụng chuyển đổi số, làm nông nghiệp thông minh mà anh vẫn có lãi nhưng khiêm tốn thôi mà. Trong nguy nan đã có cơ hội được mở ra và chuyển đổi số chính là chìa khóa để giải bài toán hóc búa này trong tình hình bình thường mới".
Tin rằng, không lâu nữa, đơn vị của anh sẽ có những con số tăng trưởng đáng ngưỡng mộ. Và nếu không phải nhờ những người như nông dân chuyển đổi số Trần Văn Tân thì bao giờ cây rau má xứ Thanh có thể mơ giấc mơ vươn tới trời Tây ?!
Tin cùng sự kiện: Tôn vinh nông dân Việt Nam xuất sắc 2021
Vui lòng nhập nội dung bình luận.