Khoảng tối vùng nông thôn

Thứ ba, ngày 10/05/2011 10:26 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Một chủ mỏ thiếc tại huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An ra lệnh cho tay chân bộ hạ đánh đập người làm công Lữ Văn Tới vì nghi ngờ anh Tới ăn trộm thiếc. Các tên côn đồ hành hung người khác công khai và ngang nhiên như không có luật pháp, chính quyền.
Bình luận 0

Không chỉ anh Tới, một nạn nhân khác là anh Lương Văn Trung tố cáo chủ mỏ Trần Đình Trúc từng hành hạ, đánh đập anh rất dã man. Ông chủ mỏ tra tấn anh Trung cũng theo cách hành hạ “nô lệ”, đó là đánh đập, dìm xuống bùn, xát muối vào vết thương, đốt nylon cho chảy xuống da thịt. Có thể còn nhiều người làm công bị xử rừng rú như vậy, nhưng vì sợ bị trả thù, nên những người lao động lương thiện không dám tố cáo.

Cách đây không lâu, mỏ đá Lèn Cờ ở Nghệ An bị sập, gieo tang tóc lên vùng quê nghèo. Nguyên nhân là do chủ mỏ không tuân thủ các quy định về khai thác, coi thường sinh mạng của những người lao động. Ở các mỏ đá, thân phận người làm thuê quá thấp hèn, bị bóc lột sức lao động kiệt quệ.

Tai nạn lao động thường xuyên xảy ra, nhiều người bị chết, bị thương tật vĩnh viễn, nhưng không ai quan tâm bảo vệ quyền lợi cho họ. Chỉ có những vụ tai nạn nghiêm trọng, báo chí đưa tin và dư luận quan tâm, thì mới bắt tay vào xử lý.

Tình trạng phu mỏ bị bóc lột, bị đe dọa mạng sống và bị các ông chủ hành hạ rất phổ biến, vậy thì câu hỏi đặt ra là chính quyền ở đâu? Khi cấp phép khai thác mỏ, các cơ quan chức năng địa phương có thực hiện đúng những quy định của pháp luật, đặc biệt là kiểm tra chặt chẽ hoạt động khai thác của doanh nghiệp.

Một điều quan trọng là đối với các chủ mỏ tập hợp băng nhóm côn đồ, ức hiếp và đánh đập người lao động, chẳng lẽ chính quyền địa phương không biết.

Những vụ việc vừa xảy ra cho thấy chính quyền đã không quản lý được tình hình hoạt động ở các mỏ, không chỉ buông lỏng về công tác an toàn lao động, bảo vệ người lao động, nguy hiểm hơn là bất lực trong việc quản lý an ninh trật tự trên địa bàn.

Những chủ mỏ hung ác dám đánh đập phu mỏ như nô lệ là vì họ coi thường chính quyền địa phương, người dân không dám tố cáo tội ác của chúng vì không tin chính quyền bảo vệ được mình.

Những vụ tai nạn sập hầm và chủ mỏ hành hung phu mỏ tạo nên những khoảng tối trong đời sống xã hội ở một số vùng nông thôn. Ở đó như đang thiếu ánh sáng của văn minh và ánh sáng của pháp luật.

Để lập lại kỷ cương trong hoạt động khai thác mỏ, đem lại công bằng cho người lao động và ổn định trật tự an toàn trên địa bàn, thì bên cạnh việc thực thi nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật, cần phải xử lý thật nghiêm các trường hợp sai phạm và những kẻ gây tội ác.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem