Khoảng trống và phiếu chống

Chủ nhật, ngày 25/03/2012 19:17 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Phí bảo trì đường bộ đã được quyết định. Chưa đầy 72 giờ sau, Bộ GTVT cương quyết đến kinh ngạc, tiếp tục đệ trình đề án thu phí hạn chế phương tiện cá nhân.
Bình luận 0

Bộ này tiên đoán: Sẽ có một bộ phận người dân không chịu nổi mức phí (ôtô) đóng hàng năm nên phải lựa chọn phương tiện khác thay thế...

Điều này thì khỏi phải bàn cãi khi các loại “phí lăn bánh” sẽ khiến những chủ xe phải bỏ ra đến 60 triệu đồng mỗi năm để có thể sử dụng loại phương tiện mà thế giới đã bắt đầu sử dụng từ năm 1885. Người dân sẽ phải bỏ ô tô, khẳng định chắc chắn, để đi xe máy. Nhưng xe máy cũng đang chịu sự quản xiết không kém từ chủ trương này. Nào là “sẽ phải cấm xe gắn máy ở trung tâm Hà Nội và TP.HCM”. Rồi thì “hạn chế xe cá nhân là một chủ trương lớn và nhất định chúng ta phải thực hiện nhằm đẩy lùi tình trạng ùn tắc giao thông”.

Chuyện áp phí đến mức “không thể đi” đối với ô tô và “cấm tiệt xe máy” sẽ là chuyện một sớm một chiều. Cấm quá dễ, đôi khi chỉ cần cắm biển cấm và “sử dụng anh áo vàng”- như cách nói của cư dân mạng. Nhưng câu hỏi không thể không đặt ra là người dân sẽ đi bằng gì?

Cùng với tuyên bố sẽ “hạn chế ô tô, tiến tới cấm toàn bộ xe máy ở 2 thành phố lớn”, Bộ GTVT cũng đề cập tới “việc tăng cường vận tải công cộng, đầu tư cơ sở hạ tầng, tàu điện ngầm và đường sắt trên cao”. Có điều, tất cả chuyện công cộng, từ hạ tầng đến phương tiện - đều ở thì tương lai.

Thứ duy nhất trong phạm trù “vận tải hành khách công cộng” đang hiện hữu là những chiếc xe bus, loại phương tiện mà dân gian gọi là “quan tài bay”. Loại “vận tải công cộng” mà ngay tư lệnh của ngành giao thông là Bộ trưởng Đinh La Thăng từng yêu cầu nhân viên ngành giao thông phải sử dụng “ít nhất một ngày trong tuần” sau đó đã thật thà nói: Đến tôi cũng không đi nổi xe bus.

Năm 2001, khi cấm toàn bộ xe xích lô, Hà Nội đã gặp may khi bỗng nhiên có một giải pháp từ trên trời rơi xuống”: “Làn sóng xe máy Loncin” ào ạt đổ vào Việt Nam với giá chỉ gấp 3 chiếc xích lô. Có điều xích lô bấy giờ chỉ là phương tiện kiếm cơm của vài ngàn người dân, chứ không phải là đôi chân, là chiếc cần câu cơm như của hàng chục triệu dân bây giờ.

Chính xác là đang có một cách áp đặt chính sách ngược đời khi Bộ GTVT hạn chế, thực chất là cấm phương tiện tư nhân, trước khi hoàn thiện xong vận tải công cộng. Cũng cần phải nói thêm, phí hạn chế phương tiện cá nhân là một trong nhóm những biện pháp giảm ùn tắc, chủ yếu ở 2 thành phố Hà Nội và TP.HCM. Nhưng đây là một “khoảng trống” bất hợp lý của chính sách. Bởi như thế, người dân, trừ Hà Nội và TP.HCM, nhất là gần 70% nông dân sống ở nông thôn, lại đang phải đóng phí “cắt cổ” để trả giá cho những bất cập về quy hoạch và phát triển hạ tầng của Hà Nội và TP.HCM!

Vì thế, nếu thực sự có một cuộc trưng cầu như hứa hẹn của các chính khách sống ở thành phố, “khoảng trống” này chắc chắn sẽ nhận được “phiếu chống”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem