"Mẹ em là cơn lốc..."
Vào tháng 8/2014 thành viên Tạ Văn Khôi chia sẻ trên mạng xã hội một bài văn mang giọng điệu hài hướng, dí dỏm.
Thành viên Tạ Văn Khôi chia sẻ bài văn trên Facebook của nhóm “Chúng tôi yêu giáo dục tiểu học”.
Đó là bài văn của cậu học sinh tiểu học tả về người mẹ. Bằng lời văn chân thực, ngôn từ giản dị, người đọc phần nào hình dung được cuộc sống vất vả của một người mẹ luôn lo toan cho gia đình.
Trong bài văn có đoạn: "Mẹ em tên Hiền. Mẹ không xinh lắm nhưng bác bán thịt lợn đầu ngõ vẫn phải ngước nhìn. Mẹ rất chăm chỉ. Ngày nào mẹ cũng làm việc từ tinh mơ đến khi chiều tối. Nếu mẹ của bạn Trần Nhật Minh là ngọn gió thì mẹ em là cơn lốc...”.
Cháu gái tả ông nội "giống ông tiên"
Tháng 11/2014 cô cháu gái Đặng Ái Duyên học sinh lớp 6C trường THCS Lê Ngọc Hân, Hà Nội có một bài viết về ông đầy tình cảm được cô giáo cho 8,5 điểm.
Ông và cháu
Điều đặc biệt, người ông mà cô bé miêu tả là người từng xuất hiện trong chương trình “Ai là triệu phú”. Đó là ông Đặng Thiêm (78 tuổi), giành 30 triệu đồng tại chương trình tháng 10/2013. Cụ Thiêm cũng từng có mặt ở danh sách đề cử Khách mời ấn tượng - Giải thưởng Ấn tượng VTV 2014.
Cô cháu gái viết: “Ông tôi đã gần tám mươi tuổi rồi nhưng còn rất khỏe. Đôi mắt ông còn rất tinh, khi đọc báo ít khi phải dùng kính lão. Da ông đã nhăn nheo theo thời gian, tuy vậy ông vẫn siêng năng tập thể dục hằng ngày nên thân thể vô cùng rắn chắc... Trông ông thật giống ông tiên trong truyện cổ tích…”
"Người tôi kính trọng nhất trên đời"
Bài văn viết về người thầy nhân dịp 20/11 của Vũ Phương Thảo (lớp 10A1, THPT Định Hóa) đã khiến nhiều người cảm động.
Trong bài viết của mình, Phương Thảo để dòng ký ức trôi ngược về quá khứ với những kỷ niệm đẹp bên người thầy. “Người đàn ông đi trong nắng vàng hôm ấy là người tôi kính trọng nhất trên đời. Tôi nhìn rõ cái bóng liêu xiêu, đổ dài trên con đường dài dằng dặc, cùng với cây thước kẻ nửa mét kẹp trong chiếc cặp da sờn cũ, hộp phấn bằng thép chỉ chực rơi ra, cùng mái tóc đã bạc lắm rồi. Bỗng nhiên, tôi thấy nước mắt đang dâng lên, đầy tràn hai khóe mắt”.
Học sinh giỏi Toán: "Mẹ không bắt em trả lại tình thương"
Bài văn cảm động nói về sự hi sinh vất vả của người mẹ dành cho con do cậu bé lớp 2 viết, có nội dung: “Mẹ em 45 tuổi. Mẹ em làm nghề nội trợ. Mẹ em rất yêu thương em. Mẹ không bắt em phải trả lại tình thương mà mẹ đã dành cho em suốt bao năm qua. Mẹ lo cho em từng miếng ăn giấc ngủ. Mẹ hi sinh tất cả vì em. Mẹ làm rất nhiều thứ mà em không kể hết được. Mẹ mang nặng đẻ đau để mong em được lớn khôn. Mẹ lo cho em đến mức quên cả việc ăn uống. Mẹ rơi những giọt nước mắt vì em. Em sẽ cố học giỏi để không phụ công của mẹ”.
Bài viết này của em Trịnh Thanh Tùng, học sinh lớp 2 trường Tiểu học Bình Hòa, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương.
Nghịch cảnh trần gian hiện lên qua ngòi bút học sinh lớp 12
Với đề tài, trình bày suy nghĩ của anh/ chị về hiện tượng bạo lực gia đình trong xã hội hiện nay, cô học trò Nguyễn Thị Cúc - học sinh lớp 12/11 trường THPT Nguyễn Trãi, Đà Nẵng đã vẽ lên một bức tranh đau thương về tình trạng bạo lực gia đình.
Bài văn được điểm 10 về hiện tượng bạo lực gia đình của học sinh Nguyễn Thị Cúc, trường THPT Nguyễn Trãi, Đà Nẵng. Ảnh: Zing
Bài văn như chạm đến được suy nghĩ, tâm tư của nhiều người đang phải sống trong cảnh “địa ngục trần gian”, sự tủi nhục, sự bất công, thiếu tình người, ... trong xã hội hiện nay khiến bất kỳ người đọc nào cũng không khỏi xót xa.
Bài văn “bá đạo” thư gửi tôi 20 năm sau…
Với đề bài “Viết thư gửi tôi 20 năm sau”, Lương Trọng Nghĩa (lớp 10A2 trường THPT Anhxtanh – Hà Nội) đã viết một bài văn thú vị và vô cùng hài hước.
Nhiều ý, chữ to nên bài văn này dài tới 8 mặt giấy
Trọng Nghĩa tưởng tượng trong buổi lễ khai giảng của năm 2034 khi mình đã trở thành hiệu trưởng và khánh thành ngôi trường mới chuẩn quốc tế hoành tráng với phòng họp hội nghị 3D, học sinh và giáo viên được trang bị iPad 16, nóc tòa nhà có sân đỗ trực thăng…
Đặc biệt, trong dịp này, “thầy hiệu trưởng” Trọng Nghĩa còn đọc lại bức thư của chính mình viết cách đây 20 năm để lí giải tại sao: từ một nam sinh lười học có thể trở thành người thành đạt như hôm nay (xem chi tiết tại đây).
Con viết văn chê bố lười
"Nhà em có nuôi một ông bố tên là Đỗ Mạnh Hà. Hằng ngày bố chỉ đi kiếm tiền rồi về nằm ườn ra đấy. Đến bà to nhất vẫn phải làm việc còn bố là người duy nhất không làm việc. Lúc ăn cơm gọi mấy lần cũng chưa lên còn bảo đợi tao tí. Lúc ăn cơm xong cả da (gia) đình cùng dọn bố trả rọn (chả dọn) rồi xuống chát... với học sinh. Em bé còn phải đút xoài cho bố từ nay em không làm ôxin (osin) nữa. Em rất yêu vừa chứ không yêu lắm".
Đoạn văn sau này được biết là của bé trai Hồng Anh (8 tuổi) viết về bố là anh Đỗ Mạnh Hà (sinh năm 1980) – làm việc tại trung tâm Công nghệ Thông tin - trường ĐH Thương mại Hà Nội.
(Theo Ngân Anh (Vietnamnet))
Vui lòng nhập nội dung bình luận.