Tại TP.HCM, ông Huỳnh Minh Trí - trưởng phòng giáo dục chuyên nghiệp Sở GD-ĐT TP.HCM - cho biết trong tổng số 151.000 hồ sơ của TP chỉ có 2.100 bộ ĐKDT khối C.
Đáng chú ý là nhiều trường THPT tại TP.HCM không có học sinh nào ĐKDT khối C hoặc rất ít. Chẳng hạn Trường THPT Lê Quý Đôn với gần 1.000 hồ sơ nhưng không có hồ sơ khối C nào.
Tương tự, Trường THPT tư thục Nguyễn Khuyến với gần 1.000 hồ sơ ĐKDT cũng không “bói” ra hồ sơ nào đăng ký khối C. Trường THPT Gia Định chỉ có vài hồ sơ đăng ký vào khối C.
Thiểu số
Tình hình hồ sơ ĐKDT khối C tại Huế có phần khả quan hơn nhưng vẫn rất ít trong tương quan với các khối còn lại. Theo Sở GD-ĐT Thừa Thiên - Huế, dù tổng số hồ sơ tăng nhưng khối C chỉ có 4.057 hồ sơ, giảm gần 700 hồ sơ so với năm trước.
|
Lượng học sinh chọn khối ngành khoa học xã hội giảm đều đặn sau mỗi năm. Trong ảnh: thí sinh khai hồ sơ ĐKDT tại Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT ở TP.HCM |
Trong số gần 11.000 hồ sơ của học sinh An Giang ĐKDT vào Trường ĐH An Giang, chỉ vỏn vẹn 495 hồ sơ khối C trong khi trường này có sáu ngành tuyển khối C với chỉ tiêu khá nhiều. Tương tự, Kiên Giang có gần 17.000 bộ hồ sơ nhưng số hồ sơ ĐKDT khối C chỉ có 974 bộ.
Xu hướng học sinh ngày càng ít chọn thi khối C diễn ra ở hầu khắp các địa phương. Tại Đắk Lắk, hồ sơ ĐKDT khối C chỉ chiếm chưa tới 7% tổng số hồ sơ. Toàn tỉnh có hơn 54.000 hồ sơ ĐKDT nhưng hồ sơ vào khối C chỉ có 3.698 bộ.
Ông Lê Văn Đức - trưởng phòng giáo dục chuyên nghiệp Sở GD-ĐT Đồng Nai - cho biết lượng hồ sơ khối C những năm trước đã ít, năm nay càng ít hơn. Trong số hơn 53.000 hồ sơ, ĐKDT khối C rất ít chỉ có 1.417 bộ. Trong khi đó khối A chiếm hơn 50%. Ở các địa phương khác như Đồng Tháp, Tiền Giang, Cần Thơ, Đà Nẵng, Quảng Nam... tình hình cũng diễn ra tương tự.
Trong bốn khối thi cơ bản, chiếm phần lớn là hồ sơ khối A, kế đến là khối B, khối D có lượng hồ sơ tương đối trong khi khối C nằm vị trí chót bảng.
Kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2010 chứng kiến cảnh nhiều ngành khối xã hội phải lận đận xét tuyển đến NV3 với điểm xét tuyển chỉ bằng điểm sàn chung nhưng vẫn không thể tuyển đủ chỉ tiêu. Nhiều ngành tại các trường ĐH Đồng Tháp, Trà Vinh, Văn Hiến, Đà Nẵng phải gắng gượng tuyển sinh để giữ ngành hoặc ngưng tuyển sinh. Với lượng hồ sơ khối C sụt giảm, tình hình tuyển sinh nhóm ngành xã hội ở nhiều trường sẽ còn khó khăn hơn.
Mất sức hút từ phổ thông
Đánh giá về tình trạng èo uột của hồ sơ khối C, nhiều cán bộ quản lý, giáo viên ở các trường ĐH, THPT cho rằng nguyên nhân là do các ngành khối xã hội cơ hội việc làm hẹp, khó chuyển đổi nghề nghiệp, thu nhập không cao.
Ông Trương Thức - trưởng phòng giáo dục chuyên nghiệp Sở GD-ĐT Đắk Lắk - nhấn mạnh lý do khiến khối C ngày càng mất sức hút chính là đầu ra khối ngành này không nhiều. Thực tế tại Đắk Lắk cho thấy những năm trước đây học sinh dự thi khối C, D chủ yếu vào ngành sư phạm. Tuy nhiên, những năm gần đây nhu cầu giáo viên gần như đã bão hòa, độ tuổi giáo viên khá trẻ nên cơ hội việc làm của nhóm ngành này hầu như rất ít. Do đó học sinh đã dự thi vào những khối ngành khác có cơ hội việc làm rộng hơn.
Việc sụt giảm này không chỉ xuất hiện trong năm nay. Theo ý kiến của nhiều sở GD-ĐT, lượng hồ sơ khối C giảm dần đều trong nhiều năm trở lại đây. Một trong những nguyên nhân sâu xa đó là khi phân ban phổ thông, học sinh đã không mặn mà với ban khoa học xã hội, số lớp ban khoa học xã hội trong các trường THPT hầu như rất ít hoặc không mở được.
Cô Huỳnh Thị Liễu - cán bộ phụ trách tuyển sinh của Trường THPT Lê Quý Đôn - cho biết học sinh ngày càng ít chọn khối C để dự thi. Ngay cả đầu vào lớp 10 cũng không em nào chọn theo ban khoa học xã hội nên trường không mở được ban này ngay từ đầu.
Ông Lê Văn Đức cho biết thêm số học sinh theo học ban khoa học xã hội ở các trường THPT tại Đồng Nai cũng rất ít. Ngay từ khi chọn ban, các em đa số chọn ban cơ bản và khi thi ĐH thường có xu hướng chọn khối ngành kinh tế, công nghệ có cơ hội việc làm rộng hơn.
Trong khi đó, TS Phạm Tấn Hạ - phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM) - chia sẻ: số lượng ngành tuyển sinh khối C đúng là có phần hẹp hơn các khối khác, tuy nhiên nếu tìm hiểu kỹ thì cơ hội việc làm các ngành khối này không hề nhỏ. Vấn đề là học tốt hay không và thể hiện mình như thế nào. Thực tế hiện nay nhiều học sinh thường chọn khối thi theo phong trào. Không ít người học khá khối C hơn nhưng vẫn chọn khối A.
Theo Tuổi trẻ
Vui lòng nhập nội dung bình luận.