Theo công văn hướng dẫn tuyển thẳng và xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ thuộc Bộ Quốc phòng do Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, Trưởng ban Tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng đã ký và dựa vào các chỉ tiêu xét tuyển, sẽ có 81 chỉ tiêu tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển thẳng dành cho các trường.
Cụ thể: Học viện Kỹ thuật quân sự có 40 chỉ tiêu, Học viện Quân y có 23 chỉ tiêu, Học viện Khoa học quân sự có 7 chỉ tiêu.
Các trường có 1 chỉ tiêu và chỉ tuyển thí sinh nam gồm: Học viện Biên phòng, Học viện Hậu cần, Học viện Phòng không-Không quân, Học viện Hải quân, Trường Sĩ quan Chính trị, Trường Sĩ quan Lục quân 1, Trường Sĩ quan Lục quân 2, Trường Sĩ quan Pháo binh, Trường Sĩ quan Công binh, Trường Sĩ quan Thông tin và Trường Sĩ quan Kỹ thuật quân sự.
Năm 2015, có 81 chỉ tiêu tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển thẳng vào đại học, cao đẳng quân sự các trường quân đội (Ảnh minh họa)
Đại tá Vũ Xuân Tiến, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Cục nhà trường (Bộ Tổng tham mưu) chia sẻ, do chỉ tiêu tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển thẳng cho các trường là rất thấp. nên chủ yếu số lượng tuyển sinh vào các trường là các thí sinh đăng ký xét tuyển hoặc thi tuyển tùy từng trường.
Ảnh: Năm 2015, có 81 thí sinh được tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển thẳng vào các trường ĐH, CĐ quân sự của quân đội (Ảnh minh họa)
Ngoài ra Bộ Quốc phòng đưa ra các tiêu chí tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển thẳng như sau:
Đối tượng được tuyển thẳng:
- Anh hùng lao động, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động trong thời kỳ kháng chiến, Chiến sĩ thi đua toàn quốc đã tốt nghiệp trung học.
- Thí sinh chọn đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế, trong đội tuyển quốc gia dự thi cuộc thi khoa học, kỹ thuật quốc tế được tuyển thẳng vào đại học theo ngành phù hợp với môn thi hoặc nội dung đề tài dự thi của thí sinh.
- Thí sinh đoạt giải nhất, nhì, ba trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia; thí sinh đoạt giải nhất, nhì, ba trong Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia. Được tuyển thẳng theo đúng ngành hoặc ngành gần của môn mà thí sinh đã đoạt giải.
Đối tượng được ưu tiên xét tuyển:
- Thí sinh không dùng quyền tuyển thẳng, được ưu tiên xét tuyển thẳng vào đại học, cao đẳng. Nếu đáp ứng tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GD-ĐT quy định, hiệu trưởng các trường xem xét quyết định cho vào học.
Đối tượng xét tuyển thẳng:
- Thí sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên, học 3 năm và tốt nghiệp THPT tại các huyện nghèo, thí sinh là người dân tộc rất ít người thuộc các quy định của Chính phủ và theo quy định tại Đề án phát triển giáo dục đối với các dân tộc rất ít người giai đoạn 2010-2015. Ngoài ra các thí sinh của 20 huyện nghèo biên giới, hải đảo thuộc khu vực Tây Nam Bộ cũng thuộc đối tượng xét tuyển thẳng.
Các trường xét tuyển thẳng không quá 3% so với tổng chỉ tiêu của trường (nếu chỉ tiêu tuyển sinh cao hơn 100) và không quá 5% tổng chỉ tiêu của trường (nếu chỉ tiêu tuyển sinh dưới 100).
3 trường xét tuyển không quá 5% tổng chỉ tiêu của trường là: Trường Sĩ quan Tăng thiết giáp, Trường Sĩ quan Đặc công và Trường Sĩ quan Phòng hóa.
Đối với hệ đào tạo dân sự, các trường sẽ cân đối và xác định tiêu chí tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển thẳng đảm đúng quy chế của Bộ GD-ĐT.
Về hồ sơ đăng ký tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển và xét tuyển thẳng, thí sinh phải có 2 loại hồ sơ: 1 bộ hồ sơ tuyển thẳng do Bộ Quốc phòng phát hành và 1 bộ hồ sơ đăng ký xét tuyển thẳng (hoặc ưu tiên xét tuyển) do Bộ GD-ĐT phát hành.
Ngoài hồ sơ sơ tuyển, thí sinh làm 1 bộ hồ sơ đăng ký tuyển thẳng nộp về Sở GD-ĐT theo quy định của Bộ GD-ĐT. Sở thẩm định và gửi hồ sơ đủ tiêu chuẩn về các trường thí sinh đăng ký tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển.
Thí sinh không qua sơ tuyển, không có hồ sơ sơ tuyển tại các trường không được tham gia tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển và xét tuyển thẳng vào đại học quân sự các trường quân đội.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.