Khởi nghiệp làm du lịch của Nhóm đồng điệu “chân đất”

Thứ bảy, ngày 27/05/2017 06:44 AM (GMT+7)
Trong khi những ý tưởng phát triển du lịch bằng cách chiếm một hòn đảo, phá những vạt rừng, xây những dinh thự, đầu tư ngàn tỉ thì Nguyễn Thị Ngọc Sương và Trần Trúc Linh tự vạch ra những cung đường về cồn Sơn, Cờ Đỏ, Cái Răng dò tìm những dấu ấn để thiết kế tour điền dã từ những mảnh ghép.
Bình luận 0

Sương tìm ra được một gia đình, một ngôi nhà gần trăm tuổi và món càri nị truyền thống của gia đình này. Đó là điểm dừng cho một tour trải nghiệm lênh đênh dưới sông, gập ghềnh trên cạn, tới nhà dân, thăm xóm thúng ghé Bảo Gia Trang Viên... theo lộ trình từ Cần Thơ đến Hậu Giang.

img

Sương (mang kính) và Linh tại khu vườn hữu cơ của công ty CP nông nghiệp Hải Âu. Ảnh: HL

Linh từ Gò Quao, Kiên Giang, lên Cần Thơ học ngành quản trị kinh doanh chuyên ngành du lịch nhưng nhìn thực tế “bão hoà” nghĩ chắc khó tương hợp, nhưng lần đầu nhìn Bảo Gia Trang Viên mới vừa đổi chủ, “ngứa miệng” góp ý và chính góp ý đó kéo cô về du lịch.

Sương, 12 năm học tiếng Pháp chương trình song ngữ, học tiếp chương trình Pháp ngữ bậc đại học và chuyên ngành quản trị. Ngay từ năm thứ hai, cô đã tự tìm tới các đoàn du khách Pháp tự nguyện hướng dẫn để được làm quen.

Cả Sương, Linh đều vừa học vừa đi làm, quay trở lại trường để học tiếp chuyên ngành 2. Cùng nhìn thấy du lịch ở miền Tây bắt đầu quá giống nhau, không có điểm mạnh khác biệt và cả hai đồng ý với nhau rằng chính sự chân chất, thật thà, giá trị mộc của những gia đình, điểm đến là câu chuyện có hậu cho du khách thích gu “chân đất”.

Du lịch bão hoà là do có nhiều công ty khai thác nhưng không chịu tìm kiếm cái mới, chỉ muốn kiếm hiệu quả tức thì cho mình chứ không muốn mang lại giá trị kinh tế bền vững cho dân địa phương. Chỉ muốn ồn ào, quảng cáo nhưng không cần biết khi đến – lúc đi khách hiểu được gì và dân địa phương cảm nhận thế nào. Do đó, thông điệp của Sương, Linh rất đơn giản làm sao cho hai bên hiểu: “Đây là cuộc sống của chúng tôi”.

“Du lịch na ná như nhau đã đành, đến lúc người ta nhìn đồng bằng cũng như nhau. Tức quá tụi em mới đi làm du lịch”, Linh, Sương đều tức vì câu nói này. Nhưng thay vì làm chiều rộng, cả hai tìm kiếm những giá trị theo chiều sâu. Thú thật cũng chẳng có tiền để làm bề rộng. Những gia đình sẵn sàng đón du khách nhưng gặp khách Tây lại run bấn lên vì “làm sao biết tiếng mà nói chuyện, ăn nói làm sao, ai biết họ thích món gì?... Làm sao đi chợ, nấu ăn với nhau”… Nhưng cuối cùng họ cũng làm được. “Không khó, chỉ có chịu làm hay không thôi”, Sương nói.

“Tụi em sẵn sàng giải thích với du khách thật tỉ mỉ cách sinh sống, nấu ăn trồng rau, thăm làng nghề – cùng làm được món đồ luôn chứ không chỉ tham quan – làm cho du khách in trong ký ức hình ảnh nơi đến rồi mang về”, Linh nói. 

Nhiều hướng dẫn viên không hiểu điều đó, có khi là dân phố thị nên không hiểu, không cảm được, thậm chí dịch sai những điều dân địa phương giải thích với khách. Du khách không cảm được, sẽ không trở lại. Từ lâu đã thấy không có sự liên kết giữa hoạt động du lịch với người ở quê, do hiểu sai và có chuyện khiến nông dân mất lòng tin vào du lịch. Ngược lại du lịch nôn nóng, thích “mì ăn liền” nên dễ gãy do không có liên kết theo kiểu anh em “guột thịt” (ruột thịt – PV).

Cả Linh và Sương mang balô “dọc đường gió bụi” để phát hiện, phân tích tiềm năng, đến từng nhà nói chuyện, giải thích rõ muốn làm cái gì, diễn ra thế nào để có đồng thuận.

Tháng 3 năm ngoái, một tổ chức của Bỉ có chương trình ba ngày ở miền Bắc, muốn có bảy ngày ở Cần Thơ. Làm sao có điểm để đi bây giờ? Xuất phát từ cồn Sơn, Bình Thuỷ và những mảnh ghép của Linh, Sương mở rộng việc tìm kiếm phát hiện sang địa bàn Bình Thuỷ, Phong Điền, Cờ Đỏ, Cái Răng và đẩy chương trình này ra nước ngoài. Phía Bỉ khảo sát lại và nói rằng sau này chương trình từ Bắc vào Nam, sẽ đi thẳng tới Cần Thơ. Bây giờ với những mảnh ghép điền dã ở Cần Thơ, “bảy ngày cũng không đủ thời gian để đi hết”.

“Du lịch là giá trị cộng thêm, nếu làm thì được thêm chứ không phải chọn cái này bỏ cái kia cuối cùng hai cái như nhau không có gì hết. Những thay đổi chẳng qua môi trường tốt hơn, cách sống từng người và cộng đồng ở đó sẽ tốt hơn”, Linh nói, cũng là cách dẫn dắt câu chuyện với những người nhà quê như mình.

Đối với Sương, hướng dẫn viên bản địa phải biết cả nghề nông theo hướng an toàn, biết cách phân tích kinh tế nông hộ, biết phát hiện những giá trị khác biệt tạo thành ký ức.

Những mảnh ghép cuộc sống, cho tới bây giờ ưng ý nhất vẫn là dân cồn Sơn, có thể dịch vụ không bằng chỗ khác nhưng cái đỉnh trải nghiệm là tình người. Giữa hai nhóm cộng đồng ở chợ nổi và dân cồn Sơn, dân thương hồ cởi mở nhưng sẽ tính thiệt – hơn khi bắt gặp cơ hội. Còn dân cồn Sơn, nhà chị Năm Phước là điểm đến, lần đầu vừa hồi hộp vừa vui vừa sợ, chỉ cần khơi mào cho một bài vọng cổ, cùng hát… là mọi vách ngăn mất hết. Mọi người ngồi chung, không có ai phục vụ mà cả nhà cùng làm, cùng vui. Du lịch trong cách làm của Linh và Sương là tôn trọng cái thật đó và truyền cảm xúc cho du khách, chỉ tư vấn, không có áp đặt, bảo ban.

Định nghĩa du lịch điền dã, cộng đồng của Linh, Sương là mang giá trị cộng thêm, cùng tạo dựng không gian chuyển tải văn hoá, đôi khi chỉ một câu vọng cổ mà “nước mắt doanh tròng, mình cảm, du khách Tây cũng cảm”. Hai cô gái mang thông điệp đó đi khắp nơi, một nhóm ở Phú Quốc, một nhóm ở Cần Thơ và cả ở Sài Gòn cũng có một nhóm tham gia nhóm “đồng điệu” tự nguyện làm phiên dịch, cùng trao đổi văn hoá khi cùng đoàn du khách trở về làng quê.

Cách làm đó đã thuyết thục công ty CP nông nghiệp Hải Âu dành những ưu đãi mua giá tại gốc cho du khách của Linh và Sương vào trang trại nông sản hữu cơ ở Châu Thành, Hậu Giang.

Chị Lê Thanh Xuân, giám đốc khu Bảo Gia Trang Viên, rộng 20.792m2, đang ngày một đông khách, từng làm ở công ty du lịch qua sáu đời giám đốc, so sánh: du lịch thời xưa là nhà hàng khách sạn, bán hàng – kiều hối, nhập xe nghĩa địa... Có giá lắm, nhưng không cạnh tranh gay gắt, không đòi hỏi sáng tạo như bây giờ. Bây giờ có khách ta, khách Tây, mọi thứ phải khác biệt từ dĩa rau lành cho tới món ngon từ chế biến cho tới không gian du ngoạn. Đón khách Tây rất khó, phải đâu vô đó. Nhưng khách ta còn khó hơn.

Hoàng Lan (Thế Giới Tiếp Thị)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem