Khởi nghiệp với sinh viên Nông, Lâm, Ngư nghiệp có khó?
Khởi nghiệp với sinh viên Nông, Lâm, Ngư nghiệp có khó?
Mỹ Quỳnh
Thứ tư, ngày 28/12/2022 19:49 PM (GMT+7)
Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM tổ chức tọa đàm về kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp, lập nghiệp của sinh viên lĩnh vực nông lâm, ngư nghiệp để có giải pháp lồng ghép các kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp, lập nghiệp vào chương trình đào tạo trình độ đại học.
Tại tọa đàm, đại diện Vụ GDĐH cho biết, tinh thần kinh doanh khởi nghiệp được coi là hiện tượng trong những năm gần đây và có tác động đáng kể đến tăng trưởng kinh tế. Nhiều nghiên cứu cho thấy, giáo dục đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tinh thần kinh doanh và giúp sinh viên có một thái độ tốt hơn với việc khởi nghiệp.
Vì vậy, thông qua buổi tọa đàm sẽ đánh giá thực trạng hoạt động hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, lập nghiệp tại các cơ sở giáo dục đại học có đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, từ đó đề xuất giải pháp lồng ghép các kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp, lập nghiệp vào chương trình đào tạo trình độ đại học.
Theo một phân tích trên cơ sở thống kê chương trình đào tạo các ngành nông, lâm, ngư nghiệp của 28 cơ sở ĐH, chỉ có 14/48 chương trình đào tạo đưa kiến thức khởi nghiệp, lập nghiệp vào chuẩn đầu ra (chiếm 29,16%). Chỉ 37,5% chương trình đào tạo nhóm ngành này hiện có các môn học liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến việc hình thành năng lực và kiến thức khởi nghiệp, lập nghiệp trong lĩnh vực đào tạo.
Vụ GDĐH đánh giá, việc cung cấp cho sinh viên kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp là việc cần thiết và điều này có thể được thực hiện thông qua kế hoạch đổi mới và phát triển của các trường CĐ, ĐH. Chương trình học của các trường nên được lồng ghép kiến thức và kỹ năng khởi nghiệp một cách phù hợp để truyền cảm hứng cho sinh viên, thay vì giáo dục chỉ nhằm mục đích khởi nghiệp.
Trong đó, những kiến thức và kỹ năng liên quan đến khởi nghiệp gồm: Kỹ năng thuyết phục, sự sáng tạo, tư duy phản biện, kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng đàm phán, kỹ năng giải quyết vấn đề, mở rộng mạng lưới xã hội và quản lý thời gian.
Khởi nghiệp đã khó, sinh viên ngành nông, lâm, ngư nghiệp càng khó hơn?
TS. Đỗ Xuân Hồng - Giám đốc Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp Công nghệ Trường ĐH Nông lâm TP.HCM cho biết, lồng ghép kiến thức khởi nghiệp vào chương trình đào tạo tại trường được ĐH Nông lâm đẩy mạnh trong nhiều năm gần đây.
Nhà trường tổ chức thường niên chuỗi hoạt động học thuật - khởi nghiệp; thường xuyên tổ chức các hội thảo chuyên đề, đào tạo ngắn hạn kỹ năng khởi nghiệp; đẩy mạnh phong trào của câu lạc bộ khởi nghiệp sinh viên... Những hoạt động này đã mang lại nhiều thành tích nổi bật cho trường, tạo điều kiện cho sản phẩm nghiên cứu khoa học được thương mại hóa, hỗ trợ phát triển những doanh nghiệp có sản phẩm thiết thực cho cuộc sống...
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất vẫn là hạn chế về nguồn nhân lực cho lĩnh vực nông nghiệp. TS. Đỗ Xuân Hồng đánh giá, tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên của ngành nông, lâm, ngư nghiệp đã qua đào tạo nghề là 4,6% (năm 2020). Trong khi đó, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên tại Việt Nam là 50,7 triệu người, nhưng chỉ có khoảng 29% đang tham gia làm việc trong ngành nông nghiệp. Đặc biệt, giai đoạn 2016-202, các trường thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tuyển được hơn 52 ngàn sinh viên bậc đại học, giảm 35% so với giai đoạn năm 2010-2015.
Bên cạnh đó, TS. Đỗ Xuân Hồng đánh giá, giới trẻ hiện nay đang có góc nhìn rất khác về khởi nghiệp. Trong một khảo sát nhanh với hơn 3.100 sinh viên, có 2/3 sinh viên cho rằng đang cân nhắc việc có khởi sự kinh doanh hay không, kế đến là có 26,5% em lựa chọn phương án “ủng hộ tinh thần khởi nghiệp nhưng nó không dành cho tôi”.
Tại Trường ĐH Đà Lạt, bà Cao Thị Làn - Trưởng khoa Nông lâm cho biết, khó khăn của trường là sinh viên đang thiếu kỹ năng khởi nghiệp như kỹ năng ủy quyền, đàm phán, lãnh đạo, quản lý nhân sự, hoạch định chiến lược ngắn hạn… Bên cạnh đó, đa số sinh viên của ĐH Đà Lạt đều sinh ra ở nông thôn, điều kiện kinh tế eo hẹp, khó có nguồn vốn để khởi nghiệp... cộng với tư tưởng thụ động, nhút nhát, chưa đủ đam mê để dám khởi nghiệp. Chưa kể, hệ sinh thái khởi nghiệp còn thiếu, trong trường cũng chưa có gương sinh viên khởi nghiệp thành công để sinh viên học hỏi.
Ở khía cạnh doanh nghiệp, ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Công ty tư vấn tái cấu trúc và chuyển đổi số nhìn nhận, ngành nông, lâm, ngư nghiệp là thế mạnh của Việt Nam, có cơ hội phát triển từ thị trường khổng lồ như Trung Quốc và thế giới; những cơ hội từ an ninh lương thực, xanh hóa - biến đổi khí hậu - phát triển bền vững, nhu cầu về thực phẩm sạch và có nguồn gốc, người tiêu dùng ngày càng thông minh và đòi hỏi nhiều hơn... Tuy nhiên, thực tế tuyển sinh nhóm ngành này đang rất khó, có tuyển được chất lượng cũng thấp.
Theo ông Tuấn, nguyên nhân là công tác hướng nghiệp cho học sinh không những quá chậm mà còn yếu. Bởi lẽ, các em phải được định hướng nghề nghiệp từ lớp 10, 11 chứ không phải chờ đến ngày hội tuyển sinh mới biết. Vì không được hướng nghiệp kịp thời, nhiều em e dè chọn ngành nông, lâm, ngư nghiệp bởi tư tưởng: Gia đình đã làm nông, đi học ĐH rồi về cũng làm nông.
Ông Tuấn nhận định, hệ sinh thái khởi nghiệp cần ba yếu tố là đào tạo, kết nối và tiền. Trong chương trình đào tạo, sinh viên cần phải được định hướng đúng về khởi nghiệp, cơ hội và xu hướng phát triển của nhóm ngành này. Trong sự phát triển công nghệ số hiện nay, ngành nông nghiệp cũng cần ứng dụng công nghệ. Người nông dân được tri thức hóa, đồng thời có thể kết hợp với các ngành khác để phát triển hơn như kết hợp với giáo dục, du lịch, y tế, cộng đồng…
Bên cạnh đó, sinh viên phải trang bị tinh thần sẵn sàng khởi nghiệp, thiết kế dự án để tiếp nhận đầu tư. Khi tạo ra được sản phẩm, cơ sở đào tạo sử dụng các nguồn lực để hỗ trợ tiền cho các em hoàn thiện sản phẩm sao cho tinh vi, đẹp mắt, thu hút đầu tư, nếu để các em tự làm sẽ rất khó.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.