Khơi thông luồng vốn cho nông thôn mới

Bình Châu Thứ năm, ngày 22/12/2016 15:00 PM (GMT+7)
Để tiếp tục khẳng định vị thể chủ lực trong cho vay xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2016-2020, Agribank xác định đầu tư xây dựng NTM tiếp tục là chương trình tín dụng trọng tâm, với những giải pháp nhằm khơi thông hiệu quả nguồn vốn.
Bình luận 0

Từ 11 xã được chọn thí điểm mô hình NTM, với dư nợ ban đầu 336 tỷ đồng vào năm 2011, sau 5 năm triển khai, Agribank đã cho vay xây dựng NTM đến 8.985 xã trên tổng số 9.001 xã trong cả nước. Dư nợ cho vay gần 280.000 tỷ đồng, với trên 2,5 triệu khách hàng, khẳng định vị thế hàng đầu hệ thống tín dụng trong việc triển khai chương trình.

img

Agribank luôn nỗ lực để khơi thông nguồn vốn phục vụ phát triển nông nghiệp và Xây dựng nông thôn mới (TL)

Để đạt được những kết quả trên, Agribank đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Các chi nhánh căn cứ đề án xây dựng NTM của từng địa phương đã được phê duyệt để nắm bắt nhu cầu, xây dựng phương án cụ thể đầu tư tín dụng trên địa bàn các xã thí điểm, cập nhật tiến độ thực hiện và vướng mắc khó khăn trong quan hệ vay vốn với khách hàng…

Đặc biệt, để đáp ứng yêu cầu xây dựng NTM trong tình hình mới, tháng 8.2016, Agribank đã chủ động ký thỏa thuận với Văn phòng điều phối NTM Trung ương về hợp tác trong xây dựng NTM giai đoạn 2016–2020 với một số nội dung hỗ trợ vốn tín dụng gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; đầu tư hỗ trợ các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, mô hình chuỗi giá trị…

Ngoài ra, trong tháng 9.2016, Agribank đã ký kết thỏa thuận liên ngành với Hội nông dân và Hội phụ nữ Việt Nam nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các bên triển khai cơ chế, chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (Nghị định 55/2015/NĐ-CP) một cách sâu rộng, hiệu quả. Qua đó giúp hội viên của các Hội tiếp cận nguồn vốn tín dụng thuận lợi, phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh, sử dụng vốn vay đúng mục đích, góp phần thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Chính phủ.

Với mong muốn để thực hiện hiệu quả mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM, trong giai đoạn 2016- 2020, Agribank đã đưa ra 5 kiến nghị nhằm tháo gỡ những “nút thắt” trong xây dựng NTM hiện nay.

Thứ nhất, quan tâm triển khai có hiệu quả nội dung phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nghề, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn.

Thứ hai, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích hỗ trợ, tuyên truyền quảng cáo để tạo thương hiệu quốc gia cho các sản phẩm nhằm hỗ trợ người nông dân tiêu thụ sản phẩm ngay chính ở thị trường trong nước.

Thứ ba, phát triển và mở rộng chính sách bảo hiểm cho nông nghiệp và nông thôn. Trong đó có bảo hiểm tín dụng để hỗ trợ, tạo điều kiện cho người nông dân mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ, cây trồng vật nuôi.

Thứ tư, mở rộng chính sách cho vay không có tài sản đảm bảo trong nông nghiệp, nông thôn. Bởi thực tế tài sản trên đất nông nghiệp (như nhà xưởng sản xuất hay các hạng mục công trình ao cá) theo Luật Đất đai không được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu; Tài sản có giá trị như vườn cao su, hồ tiêu, cà phê, cây ăn quả lâu năm, công trình, nhà ở nông thôn… phần lớn chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu. Xử lý tài sản thế chấp khó khăn, không có giá trị nhiều trong việc thu hồi vốn khi khoản vay gặp rủi ro…

Thứ năm, tách bạch rõ ràng giữa tín dụng chính sách với tín dụng thương mại. Khi thực hiện nhiệm vụ chính sách các tổ chức tín dụng cũng cần được hưởng những ưu đãi của chính sách như các đơn vị sản xuất, kinh doanh như: ưu tiên hỗ trợ nguồn vốn cho vay, cấp bù lãi suất do thực hiện chính sách giảm lãi suất, chính sách thuế…

Tính đến cuối tháng 9.2016, tổng tài sản của Agribank đạt 980 nghìn tỷ đồng, tổng nguồn vốn 890 nghìn tỷ đồng, tổng dư nợ tín dụng 720 nghìn tỷ đồng. Trong đó tỷ lệ cho vay nông nghiệp nông thôn luôn chiếm 70%/tổng dư nợ của Agribank và chiếm trên 50% tổng dư nợ tam nông của toàn ngành.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem