Khởi tố hình sự vụ việc ở TCty ông Trịnh Xuân Thanh từng làm sếp

Vinh Hải Thứ sáu, ngày 16/09/2016 10:34 AM (GMT+7)
Sáng nay (16.9), Bộ Công an đã thông báo quyết định khởi tố vụ án hình sự Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tổng Công ty (TCty) CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC).
Bình luận 0

Cụ thể, ngày 15.9 Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã ra Quyết định số 51/C46 (P12) khởi tố vụ án hình sự: Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 165 Bộ luật Hình sự xảy ra tại PVC và các đơn vị thành viên.

Đồng thời ra quyết định khởi tố 4 bị can gồm Vũ Đức Thuận, nguyên Ủy viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc; Nguyễn Mạnh Tiến, Phó Tổng giám đốc; Trương Quốc Dũng, nguyên Phó Tổng giám đốc; Phạm Tiến Đạt, nguyên Kế toán trưởng PVC.

Các bị can trên bị khởi tố về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 165 Bộ luật Hình sự. Đồng thời ra lệnh bắt tạm giam và lệnh khám xét đối với 4 bị can nêu trên.

Được biết, Cơ quan cảnh sát điều tra (C46) Bộ Công an đang tiến hành điều tra, xác minh làm rõ các hành vi sai phạm để xảy ra thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng tại PVC.

Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đang khẩn trương tiến hành điều tra triệt để, mở rộng vụ án.

PVC là đơn vị ông Trịnh Xuân Thanh - nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang - từng giữ chức Chủ tịch HĐQT.

img

Ông Trịnh Xuân Thanh.

Liên quan đến vụ việc, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với ông Trịnh Xuân Thanh.

Qua đó xác định trong thời gian từ năm 2007-2013, trên các cương vị là Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT PVC, mặc dù đã có kiến nghị, cảnh báo về tình hình thua lỗ và tiềm ẩn thua lỗ, nhưng ông Trịnh Xuân Thanh và Ban Thường vụ Đảng ủy, HĐQT, Ban tổng giám đốc, Ban kiểm soát TCty đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát, làm trái các quy định của pháp luật về quản lý kinh tế, để xảy ra nhiều sai phạm và thua lỗ 3.298,27 tỷ đồng (giai đoạn 2011-2013).

Vụ việc này đã khiến nhiều tổ chức, cá nhân trong tổng công ty bị kỷ luật và xử lý hình sự. Tuy nhiên, ông Thanh lại được thuyên chuyển vào Hậu Giang công tác.

Với cương vị là Tỉnh ủy viên, Phó chủ tịch UBND tỉnh, ông Trịnh Xuân Thanh đã dùng biển số xe công gắn vào xe tư nhân để sử dụng trái quy định, gây phản cảm, bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Ngày 15.6, Ban Tổ chức Trung ương yêu cầu Hậu Giang tạm dừng bầu cử chức danh Phó chủ tịch UBND tỉnh đối với ông Trịnh Xuân Thanh.

Ngày 16.6, ông Thanh có đơn xin vắng mặt tại phiên họp đầu tiên HĐND tỉnh khóa mới và nộp đơn xin không tái cử phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2016-2021.

Tháng 7.2016, Hội đồng Bầu cử quốc gia đã xem xét tư cách đại biểu Quốc hội của 496 người trúng cử (ông Thanh trúng cử đại biểu Quốc hội tháng 5.2016). Kết quả, ông Trịnh Xuân Thanh không đủ tư cách làm đại biểu Quốc hội.

Ngày 13.7, đoàn công tác của Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng đã vào Hậu Giang công bố kết luận sai phạm của ông Thanh.

Khoảng đầu tháng 8.2016, ông Trịnh Xuân Thanh có đơn xin Thường trực Tỉnh ủy Hậu Giang nghỉ phép 1 tháng để trị bệnh gout. Tuy nhiên đến nay, theo lãnh đạo tỉnh Hậu Giang, đã hết thời gian nghỉ phép (vào ngày 3.9) nhưng ông Thanh vẫn chưa trở lại Hậu Giang công tác.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem