|
Nước thải của Nhà máy Xử lý rác Thủy Phương theo con mương này đổ ra ngoài. |
Sống dở, chết dở
Đã 3 năm nay, ông Nguyễn Đình Hưởng ở thôn 7, phường Thủy Phương phải bỏ nghề đánh cá ở khe Cầu Đôi vì nước ở đây đã ô nhiễm trầm trọng. Nước khe có rất nhiều màu, luôn nổi bọt đặc quánh và bốc mùi tanh tưởi.
“Cá mú gần như chết sạch, mà nếu còn cá, chúng tôi cũng không dám đánh bắt vì chỉ cần lội xuống nước là toàn thân nổi ngứa, mụn nhọt mọc khắp người”- ông Hưởng cho biết.
Không chỉ nước khe Cầu Đôi mà tất cả các khe, hồ ở các thôn 7, 9, 10 và 11 của phường Thủy Phương đều bị ô nhiễm nặng nề.
Theo người dân địa phương, nguyên nhân của tình trạng này là do nước thải của Công ty TNHH Như Ý, Công ty TNHH Hà Xuyên (sản xuất giấy), Nhà máy Xử lý rác Thủy Phương và bãi rác của Công ty Môi trường và công trình đô thị Huế đóng trên địa bàn thải ra các khe, hồ khi chưa xử lý hoặc xử lý chưa đạt yêu cầu.
Nguồn nước thải này ngấm vào các giếng nước trong vùng khiến 100% giếng nước của dân bị ô nhiễm, nghiêm trọng nhất là các hộ sống hai bên khe Cầu Đôi và hồ Châu Sơn.
Nước thải này còn gây thiệt hại nặng nề về kinh tế cho người dân trong vùng. Ông Lê Hữu Gừng ở thôn 9 cho biết, nước thải của các nhà máy, nhất là hai nhà máy giấy gần nhà ông chứa nhiều hóa chất độc hại hàng ngày đổ xuống khe Cầu Đôi đã khiến cá tại hồ của gia đình ông và nhiều gia đình khác chết hàng loạt. Gà, vịt của dân khi uống phải nước các khe, hồ ở đây cũng lăn ra chết.
Nghiêm trọng nhất là các vật nuôi có giá trị kinh tế lớn như trâu, bò vì uống phải nước thải mà đẻ ra quái thai hoặc chết vì bị sình bụng. “Nhà tui nuôi 4 con bò thì 2 con thường xuyên bị sình bụng, nhiều con đẻ ra quái thai vì uống phải nước thải”- ông Gừng kể.
|
Nước của khe Cầu Đôi luôn đặc quánh, bốc mùi tanh tưởi. |
Đua nhau phủi trách nhiệm
Ông Trương Công Nghĩa - Phó Chủ tịch UBND phường Thủy Phương cho biết tình trạng ô nhiễm môi trường ở các thôn 7,9,10 và 11 đã ở mức báo động, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống và sản xuất của hơn 1.000 hộ dân.
Ông Nghĩa khẳng định nguyên nhân của ô nhiễm là do nước thải và khí thải từ Công ty TNHH Như Ý, Công ty TNHH Hà Xuyên, Nhà máy Xử lý rác Thủy Phương và bãi rác của Công ty Môi trường và công trình đô thị Huế xả ra môi trường.
Năm nào chúng tôi cũng kiến nghị lên thị xã và tỉnh, nhiều đoàn cũng đã về kiểm tra nhưng không hiểu sao các đơn vị gây ô nhiễm vẫn không bị xử lý.
Ông Trương Công Nghĩa.
Trong khi đó, lãnh đạo các cơ sở “bức tử” môi trường trên lại khăng khăng rằng cơ sở mình không gây ô nhiễm và phủi hoàn toàn trách nhiệm. Ông Nguyễn Huy Chương- Giám đốc Nhà máy Xử lý rác Thủy Phương lý lẽ: “Nhà máy chúng tôi phải đi mua nước thì làm gì có nước thải ra ngoài”.
Tuy nhiên, qua tìm hiểu, chúng tôi phát hiện nhà máy này có một mương đổ nước thải đặc quánh ra ngoài khu vực nhà máy. Ông Chương còn khẳng định cơ quan chức năng đã về kiểm tra và kết luận công ty ông không gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi những kết luận này thì ông Chương bảo… tìm không thấy (!?).
Ông Lê Phước Quang- Phó Giám đốc Xí nghiệp Xử lý chất thải của Công ty Môi trường và công trình đô thị Huế cho rằng, nước từ hồ xử lý nước thải tại bãi rác của công ty chảy ra ngoài nhưng đã được xử lý vì vậy mức độ ô nhiễm không đáng kể. Nước từ bãi rác rỉ ra môi trường cũng ngày càng nhỏ do rác đã được chuyển nhiều cho Nhà máy Xử lý rác Thủy Phương.
Lãnh đạo các Công ty TNHH Như Ý và Công ty TNHH Hà Xuyên cũng khẳng định không có chuyện nước thải của nhà máy mình gây ô nhiễm môi trường mà do “người dân và chính quyền ghen ăn tức ở nên phản ánh không đúng sự thật” (!?).
An Sơn
Vui lòng nhập nội dung bình luận.