Không ai bị quên lãng

Thứ hai, ngày 10/05/2010 10:58 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Phóng viên NTNN phỏng vấn ông Alexey Shevtsov - đại diện Đại sứ quán Nga tại Việt Nam xung quanh lễ kỷ niệm 65 năm Ngày Chiến thắng Phát xít .
Bình luận 0
img
Ông Alexey Shevtsov.

Lễ kỷ niệm 65 năm Ngày Chiến thắng phát xít được tổ chức tại Hà Nội như thế nào, thưa ông?

- Thay mặt 3 Đại sứ quán Nga, Belarus, Ukraine, Đại sứ quán Nga tại Hà Nội đã tổ chức một buổi lễ chiêu đãi trọng thể tại Đại sứ quán Nga để mừng chiến thắng vĩ đại này. Trung tâm Khoa học, Văn hóa Nga cũng tổ chức một loạt sự kiện văn hoá khác để kỷ niệm ngày chiến thắng.

Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Minh Triết cùng 30 vị nguyên thủ khác đã đến Mátxcơva dự lễ kỷ niệm 65 năm Chiến thắng phát xít. Xin ông cho biết ý nghĩa của sự kiện này?

- Việc Chủ tịch Nguyễn Minh Triết dự lễ kỷ niệm 65 năm Ngày Chiến thắng Phát xít có ý nghĩa quan trọng đối với nhà nước và nhân dân Nga. Sự hiện diện của Chủ tịch Nguyễn Minh Triết tại buổi lễ diễu lịch sử là sự chia sẻ niềm vui chiến thắng của chúng tôi và tưởng nhớ, tôn vinh công lao to lớn của những anh hùng đã hy sinh.

Đây không chỉ là ngày lễ của riêng nước Nga mà đối với Việt Nam, đó cũng là ngày là lễ của chính mình.

Nước Nga mãi mãi ghi nhớ sự giúp đỡ của Việt Nam. Mùa thu năm 1941, khi diễn ra những trận đánh ác liệt tại Mátxcơva, đã có một nhóm lính hồng quân người Việt tham gia chiến đấu và hy sinh. 5 người trong số họ đã được nước Nga trao tặng Huân chương Chiến tranh vệ quốc vĩ đại hạng Nhất.

Quan hệ Nga và Việt Nam đã trải qua một thời gian dài gắn kết. Chúng ta có chung quan điểm chống lại những mưu toan viết lại lịch sử. Nga sẵn sàng bảo vệ sự thật về cuộc chiến tranh và Việt Nam cũng vậy.

Được biết, đây là lần đầu tiên, Đại sứ quán Nga tại Việt Nam yêu cầu gửi dải băng chiến thắng Georgi sang Việt Nam, xin ông cho biết ý nghĩa của hoạt động này?

- Phong trào đeo dải băng Georgi do hãng tin RIA phát động vào năm 2005. Từ đó đến nay, phong trào đã được hưởng ứng và nhân rộng tại Nga cùng nhiều nước trên thế giới.

Dải băng Goergi là biểu tượng của nước Nga, dành để tôn vinh chiến thắng vĩ đại và tưởng nhớ các chiến sĩ đã hy sinh thân mình bảo vệ Mátxcơva. Phong trào đeo băng Georgi đã được nhiều nước hưởng ứng và nhân rộng.

Tại Việt Nam, năm nay Đại sứ quán Nga đã mang dải băng chiến thắng về Hà Nội để phát cho những người tham dự lễ míting và chiêu đãi trọng thể kỷ niệm Ngày chiến thắng 9-5.

Chúng tôi cũng hy vọng, phong trào đeo dải băng Goergi tưởng niệm những chiến sĩ hy sinh khi chiến đấu chống phát xít sẽ thành một phong trào truyền thống tại Việt Nam, bởi trong số hàng triệu người hy sinh cũng có những chiến sĩ Hồng quân người Việt.

Nhiều người cho rằng, sự tồn tại lớp người không thờ ơ với lịch sử đất nước là một trong những điều kiện để bất cứ một quốc gia bình thường nào tồn tại. Hiện giới trẻ Nga quan niệm thế nào về ngày lễ vĩ đại này và chiến thắng của ông cha, thưa ông?

- Bản thân tôi là một đại diện cho thế hệ trẻ của nước Nga. Tôi vẫn có cảm giác rưng rưng mỗi khi nói đến lịch sử, nói về cuộc chiến và sự hy sinh. Những bạn trẻ khác ở nước Nga cũng vậy, họ cũng có chung niềm tự hào dân tộc. Họ tham gia các cuộc biểu tình yêu nước, tham gia các cuộc thi tìm hiểu lịch sử...

Ngay tại Đại sứ quán Nga, chúng tôi cũng tổ chức cuộc thi hát các bài hát về chiến tranh yêu nước dành cho các em nhỏ nhân kỷ niệm ngày chiến thắng. Đó là biểu hiện của sự trân trọng giá trị tinh thần.

Khẩu hiệu kỷ niệm Chiến thắng phát xít "Không ai bị quên lãng, không điều gì bị lãng quên" mà nước Nga đưa ra đã được người dân hưởng ứng như thế nào, thưa ông?

- Chúng tôi đã trải qua 1.418 ngày đêm để đi tới chiến thắng vĩ đại. Tuy nhiên chiến thắng cũng phải trả bằng một cái giá rất đắt: Tất cả các dân tộc đều gánh chịu những tổn thất không bù đắp nổi. Nỗi đau đi vào từng ngôi nhà, từng gia đình.

Đến Belarus, chúng tôi đã chứng kiến nỗi đau mất đi người thân yêu của những gia đình có người hy sinh trong cuộc chiến chống phát xít. Đến nay, họ vẫn gìn giữ những kỷ vật, những bức ảnh hiếm hoi và những lá thư viết bằng máu gửi về từ chiến trận...

Cũng như những gia đình Việt Nam, nỗi đau mất người thân yêu vẫn còn đó. Trong số những người lính hồng quân Việt Nam vẫn có người chưa xác định được tên tuổi, quê quán. Phần mộ của các anh cũng chưa được xác định. Họ vẫn nằm chung trong quần thể phần mộ của những liệt sĩ vô danh. Vì vậy, chúng ta phải tìm kiếm và thu thập thông tin về họ. Người dân Nga hưởng ứng lời kêu gọi “Không ai bị quên lãng, không điều gì bị lãng quên” là vì vậy.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem