Khi lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam gia tăng đột biến, ở một số nơi đã xuất hiện các doanh nghiệp Trung Quốc hoạt động núp bóng, người Trung Quốc hướng dẫn chui, xuyên tạc lịch sử Việt Nam.
Cần xử lý người Việt sai phạm trước
Ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam. Ảnh: Hà Thành
Để giải quyết tình trạng này, ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng đầu tiên phải xử lý nghiêm bằng cách rút giấy phép những công ty du lịch Việt Nam vi phạm, “bật đèn xanh” cho người Trung Quốc thao túng.
“Tại sao người Trung Quốc làm hướng dẫn viên trong đoàn khách mà công ty du lịch Việt Nam không biết? Khách Trung Quốc mua hàng nhái, giá cao mà cửa hàng tại Việt Nam không biết? Họ biết, nhưng vì lợi ích nhóm, cá nhân nên họ đã tiếp tay cho người Trung Quốc làm láo” - ông Bình nói.
Đối với các hướng dẫn viên đi theo tour nhưng để người Trung Quốc hướng dẫn thì hướng dẫn viên đó phải bị xử lý, rút thẻ hướng dẫn.
Cũng theo ông Bình, phải mạnh tay với các đoàn khách Trung Quốc thì mới có thể dẹp những vấn đề lộn xộn hiện nay như sử dụng nhân dân tệ khi giao dịch, hoạt động hướng dẫn chui... Cần trục xuất ngay khi phát hiện những người Trung Quốc vi phạm luật và kiểm tra chặt chẽ tất cả các tour của người Trung Quốc vào Việt Nam.
Trước ý kiến của các lãnh đạo ngành du lịch địa phương cho rằng họ không đủ lực lượng thanh tra, kiểm tra, ông Bình cho rằng: "Không có gì không làm được nếu họ quyết tâm. Nếu những người làm du lịch và chính quyền địa phương không nhận thức thấy việc cần thiết phải chấn chỉnh ngay khách Trung Quốc thì sẽ dẫn đến sự tan tác về du lịch".
"Các địa phương có vai trò quan trọng trong việc kiểm soát, do đó cần tăng cường lực lượng kiểm tra. Tái thành lập thanh tra du lịch để ngành có công cụ xử lý những vấn đề này. Chúng ta cần có lực lượng chuyên ngành, đầy đủ tư cách, có điều kiện để xử lý ngay tại chỗ, thu hồi giấy phép, phạt tiền. Đón khách Trung Quốc cần có chế tài và bộ máy đi theo nó để phục vụ khách Trung Quốc", ông Bình nêu quan điểm.
Đồng tình với ý kiến trên, ông Lưu Đức Kế, Tổng giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist cho rằng các công ty lữ hành đón khách Trung Quốc phải thanh tra, kiểm tra thường kỳ và đột xuất, xem công ty có đủ năng lực đón khách không, có đủ hướng dẫn, có hợp đồng thuê hướng dẫn, xe vận chuyển hay không để phát hiện "bán cái". "Việc này phải được thực hiện trước, nếu để sau khi công ty hợp thức hóa hóa đơn, chứng từ, thì thanh tra cũng không có tác dụng gì", ông Kế nói.
Kiểm soát từ đầu vào
Ông Lưu Đức Kế, Tổng giám đốc Hanoitourist. Ảnh: doanhnhanmoi.
Về việc người Trung Quốc vào Việt Nam hướng dẫn chui để thu lời, ông Lưu Đức Kế cho rằng một phần do luật du lịch hiện nay "cởi mở quá" khi quy định khách du lịch vào Việt Nam chỉ phải mua dịch vụ từng phần. Điều này tốt nếu đối tác tự giác, ông Kế nhận định. Tuy nhiên, một số đã lợi dụng để vào Việt Nam lao động trái phép chỉ bằng visa du lịch.
Theo ông Kế, nếu không quy định khách Trung Quốc vào Việt Nam du lịch theo đoàn phải mua tour trọn gói để dễ dàng quản lý, thì có thể áp dụng kiểm soát ngay tại cửa khẩu sân bay như một số nước đã làm.
"Đi du lịch Mỹ, dù có visa nhập cảnh nhiều lần nhưng khi đến, họ vẫn có quyền hỏi đi đâu, có xác nhận đặt khách sạn chưa. Nếu chưa họ sẽ đề nghị mua các dịch vụ rồi mới cho vào, nếu không mua thì không cho vào, thậm chí không cần giải thích", ông Kế lấy ví dụ và khẳng định mình có quyền trục xuất nếu khách Trung Quốc không chứng minh được vào Việt Nam du lịch bằng các đặt phòng khách sạn, đặt tour, hướng dẫn viên hoặc ăn uống.
Là người có thâm niên hàng chục năm trong ngành du lịch, ông Kế nhấn mạnh để làm được, cần phải có sự vào cuộc của các bên như du lịch, công an, cửa khẩu, biên phòng, tổng cục thuế, quản lý thị trường.
Đón khách có chọn lọc
Trước thực trạng trên, nhiều người đặt câu hỏi liệu chúng ta có nên hạn chế khách Trung Quốc đến? Ông Bình cho rằng: "Khách nào với chúng ta cũng quý, tiền đã vào đều cần cho đất nước cả nên chúng ta không bỏ khách nào hết".
Tuy nhiên, ông cũng chỉ rõ “chúng ta cần khách du lịch có chất lượng, được về kinh tế và tình hữu nghị chứ không phải vừa mất tiền do thất thu thuế, vừa mua tiếng xấu về cho mình như thời gian qua. Chúng ta không thể kinh doanh bằng mọi giá. Việt Nam phát triển du lịch có chất lượng chứ không phát triển du lịch rẻ tiền, chiến lược phát triển du lịch cũng ghi rất rõ điều đó".
Chỉ trong 6 tháng đầu năm, lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam đã đạt hơn 1,2 triệu lượt, tăng gần 48% so với cùng kỳ. Khách Trung Quốc chiếm 1/4 tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Tuy nhiên ông Bình phân tích, tổng thu từ khách Trung Quốc vẫn chưa bằng một số khách khác như Nhật Bản, Hàn Quốc.
Đồng quan điểm, ông Kế cho rằng đón được số lượng khách nhiều nhưng chúng ta không thu được gì vì người Trung Quốc kinh doanh núp bóng, mang tiền về nước họ. Do đó, số lượng cần đi đôi với hiệu quả và chất lượng.
"Nên đưa ra một mức giá để bắt buộc khách phải đặt từ đó thì mới được vào Việt Nam, chứ không cho phép họ đặt giá quá thấp rồi vào và lại tiếp tục thu của khách du lịch" - ông Bình gợi ý.
Vy An (VNE)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.