Hăng say học tập
Căn nhà nhỏ ở ấp Kênh 8B, xã Tân Hiệp A (huyện Tân Hiệp) thời gian gần đây luôn rộn rã tiếng nói cười hòa lẫn tiếng máy may công nghiệp. Đây là lớp học nghề dành cho 32 học viên là đồng bào dân tộc Khmer của ấp Kênh 8B do Trường Trung cấp nghề huyện Tân Hiệp phối hợp Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện, UBND xã Thạnh Đông A tổ chức.
Lớp học nghề may dành cho đồng bào dân tộc Khmer của ấp Kênh 8B. Ảnh: Ngọc Quyên
Thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn, hằng năm tỉnh Kiên Giang có khoảng 4.600 người dân tộc thiểu số, phần lớn là đồng bào dân tộc Khmer, tham gia học nghề tập trung ở các trình độ cao đẳng, trung cấp nghề và học nghề. Sau khi tốt nghiệp, đã có hơn 3.000 lao động được giải quyết việc làm, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp, chuyển đổi cơ cấu lao động nông nghiệp, nâng cao trình độ dân trí, cải thiện cuộc sống trong đồng bào dân tộc thiểu số.
|
Bà Danh Thị Liên - học viên lớp dạy nghề, phấn khởi cho biết: “Hồi nào tới giờ chưa từng đụng tới kim chỉ, nhờ cán bộ ấp, xã tới nhà vận động học nghề để có thêm thu nhập nên tôi cũng ráng học. Nhà khó khăn nên được học nghề mà không mất chi phí, tôi mừng lắm”.
Cùng suy nghĩ, em Danh Giang Nam - học sinh lớp 11 Trường THPT Thạnh Đông chia sẻ: “Em tranh thủ giờ nghỉ trưa theo học may để sau này có nghề, đi làm kiếm tiền phụ ba mẹ. Trong ấp có mấy tổ may, mấy cô nói không muốn đi làm xa thì ở ấp cũng may kiếm tiền được”.
Bà Nguyễn Kiều Thu - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Chủ tich HĐND xã Thạnh Đông A cho biết: “Do các học viên đa phần sống bằng nghề nông nên lớp học được xã đề nghị học từ 11 giờ đến 15 giờ, nhằm không ảnh hưởng nhiều đến việc đồng áng của bà con”.
Chú trọng chất lượng đào tạo
Cũng với hình thức phối hợp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, hiện xã Thạnh Đông A duy trì được 3 tổ may công nghiệp, với hàng chục lao động tham gia may gia công có thu nhập từ 2 - 4 triệu đồng/người/tháng.
Cùng với đó, chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề được tỉnh chú trọng, quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống trường lớp, cơ sở đào tạo nghề bố trí ở những vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống để tạo điều kiện cho con em học nghề thuận tiện.
Hiện có các ngành nghề đào tạo như: Kỹ thuật xây dựng; bảo vệ thực vật; kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí; sửa chữa và lắp ráp máy tính; thú y; chăn nuôi; nuôi trồng thủy sản; cơ điện nông thôn; kế toán doanh nghiệp; văn thư hành chính… Ngoài việc thực hiện học bổng chính sách, các chế độ ưu đãi khác và miễn, giảm học phí cho học sinh theo đúng quy định của Chính phủ, các trường dạy nghề còn vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ, tiếp sức đến trường cho những học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.
Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Kiên Giang, thời gian tới, tỉnh tập trung nâng cao năng lực và chất lượng hệ thống giáo dục nghề nghiệp cho đồng bào dân tộc thiểu số; tăng quy mô đào tạo gắn với đầu tư cho các trường nghề dân tộc nội trú; đào tạo nghề gắn kết với doanh nghiệp và thị trường lao động. Tăng cường tổ chức điều tra, khảo sát nhu cầu sử dụng lao động có tay nghề tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu du lịch…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.