Không cần Trung Quốc, Triều Tiên xoay sang Nga?

Thanh Minh Thứ tư, ngày 03/05/2017 19:30 PM (GMT+7)
Một số học giả nghiên cứu về vấn đề Triều Tiên cho rằng nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể trông chờ Nga bù đắp những thiệt hại trong trường hợp Trung Quốc tăng cường trừng phạt Bình Nhưỡng để ngăn chương trình tên lửa và hạt nhân của nước này.
Bình luận 0

img

Hồi đầu năm nay ông Kim Jong Un đã gửi thiệp chúc mừng năm mới đầu tiên đến Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Trung Quốc- nước chiếm 90% thương mại của Triều Tiên đang tăng cường các biện pháp trừng phạt nhằm vào Bình Nhưỡng như một phần nỗ lực ngăn chặn các chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.

Tờ Newsweek cho rằng, Trung Quốc và Nga là những nước có ảnh hưởng mạnh mẽ đối với Triều Tiên mặc dù cả hai đều đã lên tiếng chỉ trích về việc thử hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị từng nói rằng, cả Nga và Trung Quốc đều trông chờ vào việc thực hiện "phương thức tiếp cận hai chiều" ở Triều Tiên, có nghĩa là Triều Tiên ngừng thử nghiệm tên lửa hạt nhân, trong khi Mỹ và Hàn Quốc đình chỉ các cuộc tập trận.

Tuy vậy, trước những diến biến mới, Trung Quốc có thể áp đặt thêm những biện pháp trừng phạt lên Triều Tiên, Bình Nhưỡng có thể tìm đến Nga, như một cứu cánh.

Giới phân tích cho rằng, có thể dễ dàng nhìn thấy dụng ý của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, khi hồi đầu năm nay ông Kim đã gửi thiệp chúc mừng năm mới đầu tiên đến Tổng thống Nga Vladimir Putin, trước khi gửi đến các nhà lãnh đạo Bắc Kinh và các đồng minh khác của Bình Nhưỡng.  Mặc dù không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy sự tăng trưởng đáng kể trong hoạt động thương mại giữa Nga và Triều Tiên, nhưng các mối liên kết về kinh doanh và vận tải giữa 2 bên đã trở nên nhộn nhịp hơn trước.

Tuần tới, hai bên sẽ đưa vào hoạt động một dịch vụ chuyên chở mới bằng phà và dự kiến vận chuyển khoảng 200 hành khách cùng 1.000 tấn hàng hóa mỗi tháng 6 lần giữa Triều Tiên và cảng Vladivostok của Nga. Số liệu về vận tải biển do Thomson Reuters Eikon cung cấp cho thấy đã có luồng lưu chuyển đều đặn của các tàu chở dầu từ Vladivostok đến các cảng ở bờ biển phía Đông của Triều Tiên. 

Theo hãng tin Reuters, thứ Năm tuần trước, 5 chiếc tàu chở dầu có gắn biển Triều Tiên đã chở hàng tại cảng Vladivostok và xác định các cảng Triều Tiên là điểm đến của họ. 

Đầu năm nay, các quan chức chính phủ Nga đã đến thăm Bình Nhưỡng để thảo luận về sự hợp tác trong vận tải đường sắt. Một tuyến đường sắt do Nga xây dựng giữa thị trấn Khasan biên giới phía đông Nga và cảng Rajin của Triều Tiên đã được sử dụng để mang một số than đá, kim loại và các sản phẩm dầu khác nhau.

Leonid Petrov, một chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học Quốc gia Australia nói rằng: "Triều Tiên không quan tâm đến áp lực hoặc trừng phạt của Trung Quốc vì đã có Nga bên cạnh".

Nga, đặc biệt là Vladivostok, cũng là nơi có cộng đồng hải ngoại lớn nhất của Triều Tiên trên thế giới, với một lượng ngoại hối được gửi về Triều Tiên đáng kể, Reuters đưa tin. Trong khi đó, chuyên gia về Nga tại Đại học Oxford (Anh), ông Samuel Ramani, nhận định rằng việc hỗ trợ cho chính quyền Bình Nhưỡng có thể đem lại lợi ích kinh tế cho Moscow.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem