Không chỉ đơn thuần cung ứng sản phẩm...

Thứ sáu, ngày 13/09/2013 09:40 AM (GMT+7)
“Các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu phân bón không nên chỉ đơn thuần cung ứng sản phẩm mà cần có chính sách phù hợp cho hệ thống phân phối, kèm theo hướng dẫn sử dụng để kiểm soát luồng hàng, kiểm soát chất lượng đảm bảo hỗ trợ bà con sử dụng sản phẩm đúng cách”.
Bình luận 0
Ý kiến trên của đại diện Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) đã được nhiều đại biểu đồng tình trong Hội nghị “Cục diện thị trường và định hướng quản lý nhà nước về phân bón” do Bộ Công Thương tổ chức tại Cần Thơ ngày 10.9 vừa qua.

Cán bộ kỹ thuật của PVFCCo trao đổi kỹ thuật canh tác với nông dân.
Cán bộ kỹ thuật của PVFCCo trao đổi kỹ thuật canh tác với nông dân.

Từ năm 2012 nước ta từ một nước phải nhập khẩu đến 60% nhu cầu phân đạm, đã trở thành nước xuất khẩu phân đạm. Bên cạnh nguồn sản xuất trong nước, nguồn nhập khẩu qua đường chính ngạch và tiểu ngạch vào Việt Nam hàng năm cũng rất lớn, người tiêu dùng mà cụ thể là người nông dân được quyền lựa chọn sản phẩm trong nước hoặc nước ngoài. Hệ thống đại lý có nhiều quyền lựa chọn các sản phẩm của các nhà máy hoặc nhập khẩu để phân phối. Ngoài mặt hàng phân đạm, các mặt hàng phân bón khác cũng tương tự. Tuy nhiên, lại có một nghịch lý là “đủ hàng, phân sản xuất nội địa nhưng giá vẫn cao”, khiến nông dân chịu thiệt thòi. Điều này có phải là do có quá nhiều tầng nấc trung gian như người ta vẫn thường nhắc đến?

Mối quan hệ đại lý – người nông dân

Xét về tổng thể đây là mối quan hệ mua bán cần thiết mà cả hai bên cùng có lợi. Thông qua các cấp đại lý, nông dân được mua thiếu nợ mà không cần điều kiện thế chấp như vay tín dụng khác; mạng lưới các cửa hàng rộng khắp, hàng hóa phong phú đáp ứng nhiều dạng nhu cầu. Ngược lại, đại lý khi bán tính lãi ngân hàng, trượt giá, chi phí lưu kho… vào giá bán ra cũng là điều hợp lý. Nếu không có mối quan hệ này, nông dân khó duy trì sản xuất một cách trôi chảy, hiệu quả, nhất là đối với loại hình sản xuất có tính thời vụ cao như nông nghiệp.

Tuy nhiên, do đây là mối quan hệ tự phát, chưa được quản lý đúng mức nên đã có nhiều vấn đề nảy sinh trong thực tế. Nhà sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, do chạy theo lợi nhuận trước mắt đã đưa ra thị trường phân bón kém chất lượng, hàng nhái… hoặc số khác có thể thiếu kiến thức nên không tư vấn đúng được cho người dân. Tới lượt mình, do thiếu cơ hội tiếp cận thông tin, kiến thức nên người nông dân đã phải chịu phần thiệt về mình.

"Hiện nay có tới 3 bộ cùng tham gia quản lý nhà nước về phân bón, tuy nhiên, chưa phân định rõ bộ nào chịu trách nhiệm trước Chính phủ. Do vậy, chưa có cơ quan nào thực sự nắm vững các hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu phân bón... dẫn đến tình trạng phân bón giả ngày càng diễn biến phức tạp”.
Ông Phạm Văn Dư - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT)


“Người nông dân phải tính toán chi phí rất căng vì đầu ra giá nông sản hiện nay rất thấp. Bà con phải cân nhắc mua loại phân bón giá rẻ, loại rẻ nhất thì mua trong khi giá rẻ thì chất lượng, số lượng lại không đảm bảo. Việc này gây thiệt thòi cho các nhà sản xuất chân chính khi làm đủ hàm lượng. Và, cả bà con nông dân cũng thiệt”- ông Lê Quang Thành (đại lý Hoa Anh Đào tại Bà Rịa – Vũng Tàu) chia sẻ.

Bà Thu Dung (DNTN Thu Dung - Bến Tre) cho rằng: “Chỉ có những thương hiệu lớn, có uy tín là đảm bảo chất lượng, có hướng dẫn sử dụng kỹ càng. Nhưng những thương hiệu này lại hay bị làm nhái và bán cho nông dân. Chúng tôi– những đại lý kinh doanh cũng bức xúc vì bán phân bón uy tín đúng giá thì không cạnh tranh được, bà con lại chịu thiệt thòi”.

Đâu là hướng giải quyết?


Như đã nói, các đại lý kinh doanh hay chính xác hơn là hệ thống phân phối sản phẩm là cầu nối cần thiết giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng. Ý thức được điều này, các doanh nghiệp kinh doanh phân bón uy tín, trong đó có PVFCCo, đã thiết lập một hệ thống gọi là bàn tay nối dài của nhà sản xuất để nhằm mục đích hỗ trợ cho hệ thống đại lý của họ ở các địa phương. Việc này đã phát huy được tác dụng mang lại lợi ích cho cả nông dân, đại lý và nhà sản xuất.

"Hiện Bộ Công Thương đã soạn thảo và trình Chính phủ nghị định quản lý phân bón nhằm thay thế Nghị định số 113/2003/NĐ-CP và 191/2007/NĐ-CP. Đồng thời, Bộ Công Thương cũng đề nghị nên xây dựng khung pháp lý mới về quản lý phân bón để tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát”.
Bà Hồ Thị Kim Thoa- Thứ trưởng Bộ Công Thương


Ông Dương Trí Hội– Phó TGĐ PVFCCo cho biết: “Thực tế cách làm này đã đạt được nhiều điểm tích cực. Nhà sản xuất chủ động được luồng hàng, biết được hàng của mình đi đâu để điều chỉnh khi cần, bán hàng tới điểm có nhu cầu, vừa có giá hợp lý, vừa kiểm soát được chất lượng hàng. Với đại lý, cửa hàng thì có nguồn hàng ổn định, giảm áp lực về vốn do tồn kho, vận chuyển. Họ còn được hỗ trợ về kỹ thuật thông qua hướng dẫn trực tiếp, hội thảo, mô hình… Còn nông dân thì dễ dàng nhận biết điểm bán hàng tin cậy, mua được hàng hóa có xuất xứ, chất lượng rõ ràng, dễ dàng khiếu nại khi gặp sự cố”.

Song song với việc xây dựng được cho mình hệ thống phân phối rộng khắp cả nước, PVFCCo đã cung ứng đồng bộ đến bà con nông dân gói “sản phẩm – dịch vụ kỹ thuật – hướng dẫn sử dụng”. Cụ thể, doanh nghiệp này đã thông qua việc hợp tác với các viện, trường, sở NNPTNT để triển khai hàng ngàn mô hình trình diễn, cánh đồng mẫu, hội thảo hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp, các đề tài mang tính ứng dụng cao…, từ đó nâng cao hơn nữa hiệu quả sản xuất nông nghiệp cho bà con nông dân. Đây cũng chính là việc hoàn thiện, thể hiện cụ thể phương châm ứng xử với bà con nông dân “tận tay – tận tâm – tận tụy” mà PVFCCo đề ra.

Những điểm lợi này có tính bền vững vì được xây dựng trên cơ sở các bên cùng có lợi. Chi phí qua hệ thống thoạt nhìn thì cao nhưng về tổng thể, lâu dài, nếu được quản lý tốt sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cho tất cả đối tượng tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng và sử dụng phân bón.

Số liệu của Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) công bố tại Hội nghị “Cục diện thị trường và định hướng quản lý nhà nước về phân bón” do Bộ Công Thương tổ chức tại Cần Thơ sáng 10.9 cho thấy nước ta hiện có khoảng 300 cơ sở sản xuất phân bón, hơn 13.900 cơ sở kinh doanh phân bón. Trong đó, nhiều cơ sở kinh doanh tự sản xuất trong điều kiện máy móc thiết bị thô sơ, chất lượng nằm ngoài tầm kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước… Đấy là nguyên nhân thời gian qua tình trạng sản xuất, kinh doanh phân bón giả, phân bón kém chất lượng hiện đang ở mức báo động với các chỉ tiêu dinh dưỡng thấp, thậm chí giảm tới 80%.

Ngọc Minh - Quốc Hải (Ngọc Minh - Quốc Hải)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem