Không chìm đắm trong lễ hội, công nhân, lao động sớm trở lại làm việc

Thùy Anh Thứ ba, ngày 08/02/2022 11:20 AM (GMT+7)
Tổng hợp nhanh trong cả nước cho thấy có tới hơn 90% công nhân, lao động trong cả nước đã trở lại làm việc. Dịch bệnh tuy tác động tiêu cực tới thị trường lao động nhưng lại khiến lao động hết cảnh "chơi xuân", thay vào đó lao động đã trở lại nơi làm việc từ rất sớm.
Bình luận 0

Không lo thiếu hụt lao động tại các doanh nghiệp lớn

Qua ghi nhận người lao động, doanh nghiệp đã quay lại làm việc từ rất sớm. Nhiều doanh nghiệp quay trở lại làm việc, khai xuân từ ngày mùng 5 Tết. Số còn lại, đa phần khai xuân vào ngày mùng 7 và ngày 8 Tết. 

Tại Bình dương, các doanh nghiệp tỉnh này đã đón công nhân vào làm việc từ ngày 7-8 Tết. Theo đó, tỉ lệ người lao động trở lại làm việc sau Tết đúng lịch của doanh nghiệp khá cao, dao động từ 80 đến 90%.

Thống kê sơ bộ của Liên đoàn lao động tỉnh Bình Dương cho thấy, tỷ lệ người lao động trở lại làm việc sau Tết đúng lịch của doanh nghiệp khá cao, dao động từ 80 đến 90%, đặc biệt một số doanh nghiệp có tỷ lệ trở lại rất cao như Công ty TNHH San Fa Việt Nam (KCN Nam Tân Uyên) 99%; Công ty TNHH Super Foam Việt Nam (Cụm công nghiệp Phú Chánh) trên 96%.

lao động

Công đoàn Công ty CP Taekwang Vina (Đồng Nai) lì xì đầu năm cho người lao động. Ảnh: Anh Chiến

Đối với những doanh nghiệp có đông công nhân lao động, nếu như những năm trước đây số trở lại làm việc ngày đầu năm rất thấp thì nay tỷ lệ này tăng cao như: Công ty TNHH Apparel Far Eastern Việt Nam (KCN VSIP I, TP Thuận An), gần 5.000 công nhân thì có 84% đi làm đầy đủ; Công ty TNHH Shyang Hung Cheng Việt Nam (TP Thuận An) 83%... Ngoài ra, Công đoàn các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương cũng cho biết, có khoảng 85%; Công đoàn KCN VSIP 82% người lao động trong các nhà máy đã trở lại làm việc.

Theo số liệu tổng hợp từ Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương, có 112 doanh nghiệp có tổ chức công đoàn thông báo có làm việc trong tết, với 12.460 lao động tham gia. Trong số doanh nghiệp hoạt động, có 5 doanh nghiệp sản xuất với 300 lao động trở lên. Số còn lại, những doanh nghiệp có 30 lao động trở xuống, không tổ chức sản xuất, lao động có làm tết chủ yếu là vận hành, bảo trì, vệ sinh, bảo dưỡng máy (do máy phải quay 24/24).

Tỉnh Bình Dương có trên 1 triệu lao động, trong dịp Tết Nguyên Đán có khoảng 500.000 người ngoại tỉnh không về quê ăn Tết. Hầu hết lao động đã quay lại làm việc, chỉ còn số ít lao động đang trên đường quay trở lại nơi làm việc.

Không riêng gì tại Bình Dương, các tỉnh có khu công nghiệp lớn như: Đồng Nai; TP. Hồ Chí Minh, tỷ lệ công nhân trở lại làm việc cũng đạt trên dưới 90%. Nhiều doanh nghiệp lớn do làm tốt chính sách chăm sóc, thưởng Tết; tặng quà; bốc thăm trúng thưởng những phần quà có giá trị như tivi, máy giặt, điện thoại di động, nồi cơm điện… để thu hút người lao động sớm quay lại nơi làm việc.

Nhiều chính sách giữ chân, kêu gọi lao động sớm trở lại làm việc

Còn tại Hà Nội, theo tổng hợp của Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, tính đến 10 giờ ngày 7/2, có 90,24% số doanh nghiệp đã mở xưởng để sản xuất với 96,13% số công nhân lao động trở lại làm việc.

Trao đổi với PV báo Dân Việt, ông Nguyễn Phi Thường - Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội cho biết năm 2021, các cấp Công đoàn đã làm tốt công tác nắm bắt tình hình tư tưởng, kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh của công nhân, viên chức, lao động. Nhìn chung, tư tưởng công nhân, viên chức, lao động trên địa bàn Thủ đô đón Xuân, vui Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 an toàn, tiết kiệm.

Nhiều công nhân, lao động được lo xe, tặng quà về quê ăn Tết. Ngoài ra, sau Tết công ty, khu công nghiệp, tổ chức công đoàn còn còn tổ chức nhiều chương trình để thu hút người lao động quay trở lại làm việc đúng hẹn. Cụ thể, tổ chức công đoàn đã phối hợp với người sử dụng lao động tại các doanh nghiệp có chính sách tặng quà, lì xì, hỗ trợ phương tiện đón người lao động ở các tỉnh xa trở lại làm việc…

"Đặc biệt, các cấp công đoàn hướng dẫn người lao động, cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nghiêm các biện pháp an toàn phòng, chống dịch; không tổ chức đi thăm quan, du lịch, lễ hội trong giờ hành chính; thực hiện tốt quy tắc ứng xử trong thực hiện văn hóa công sở và nơi công cộng", ông Nguyễn Phi Thường nói.

lao động

Ngày đầu làm việc công nhân, lao động tại Công ty Samsung Việt Nam được chăm sóc tận tình từ bữa ăn. Ảnh: Hà Anh

Còn tại tỉnh Đồng Nai, ngay từ ngày 5 Tết, hàng chục công ty đã tổ chức khai xuân. Nhiều công ty đã mạnh tay chi thưởng, lì xì đầu năm để thu hút lao động quay lại nơi làm việc. Ví dụ như tại Công ty CP Taekwang Vina (KCN Biên Hoà 2, TP.Biên Hoà) trong ngày làm việc đầu năm, công ty này đã chi hơn 8 tỷ đồng để lì xì và tổ chức bốc thăm trúng thưởng cho người lao động.

Bà Nguyễn Thị Lan Hương - Chuyên gia lao động cho biết, dù chịu ảnh hưởng lớn của dịch bệnh nhưng càng khó khăn, công nhân lao động và chủ sử dụng lại càng thể hiện quyết tâm vươn lên. "Nhờ có quyết tâm đó, mà cả hai đã đoàn kết, chia sẻ, hỗ trợ nhau. Nhờ vậy, dù dịch bệnh nhưng tỷ lệ lao động quay trở lại nơi làm việc không hề thấp hơn so với các năm trước", bà Hương nói.

Thêm vào đó, cũng theo phân tích của bà Hương, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nên cũng làm giảm tình trạng "mãi chơi xuân" hay tâm lý "tháng giêng là tháng ăn chơi" của lao động. Lao động ít tụ tập, không tham gia nhiều vào lễ hội nên quay lại làm việc sớm hơn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem