Ông Tuấn Anh khẳng định: Các bộ ngành đang nghiên cứu, kiến nghị chính phủ các cơ chế, chính sách; đặc biệt là chính sách thuế nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt để các nhà sản xuất ô tô Việt Nam thuận lợi hơn, đảm bảo tỉ lệ nội địa hóa.
“Việc Toyota Việt Nam sẽ chấm dứt đầu tư chuyển sang nhập khẩu ô tô là không có căn cứ để khẳng định đến thời điểm này. Và cũng không có cơ sở nào để Toyota kiến nghị Chính phủ bù lỗ, trợ giá hàng nghìn tỉ đồng trong việc sản xuất ô tô tại Việt Nam”-ông Trần Tuấn Anh nói.
Ảnh minh họa
Trước đó, có thông tin Toyota Việt Nam đề nghị Chính phủ bù lỗ, trợ giá với mức hỗ trợ lên tới 10-12,5%/xe và trung bình sản lượng xe của Toyota là 35.000-40.000 xe/năm thì tổng mức hỗ trợ mà Toyota đòi hỏi phải lên tới 35.000-40.000 tỷ đồng.
Cũng tại cuộc Tọa đàm Đối thoại chính sách phát triển ngành ô tô Việt Nam giữa các bộ ngành với đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội sản xuất ô tô Việt Nam ngay chiều 27.4, ông Trần Tuấn Anh cho biết, quyết định gần đây nhất phê duyệt chiến lược ô tô (ngày 24.7.2014) một lần nữa tái khẳng định vị trí vai trò ngành ô tô Việt Nam trong chính sách phát triển công nghiệp quốc gia.
Ba dòng xe ưu tiên (xe tải, xe khách từ 10 chỗ trở lên, xe cá nhân nhỏ, ít tiêu hao năng lượng, phù hợp với người tiêu dùng) với công suất 300.000 xe /năm là thực tế đúc rút của cơ quan xây dựng chính sách tổng kết, phân tích kinh nghiệm thời gian qua. Vì vậy Việt Nam cần đối tác chiến lược có quy mô năng lực và thị trường để tham gia phát triển thị trường ô tô.
“Trong các chính sách ưu đãi tới đây, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính sẽ tiếp tục nghiên cứu cụ thể, đặc biệt là thuế để đảm bảo tính khả thi trong phát triển công nghiệp ô tô đồng thời để phù hợp với các cam kết quốc tế”-ông Tuấn Anh cam kết.
Tại cuộc họp này, đại diện Toyota Việt Nam, ông Yoshihisa Maruta cũng khẳng định mong muốn tiếp tục duy trì sản xuất xe tại Việt Nam. Đại diện Toyota Việt Nam không có bình luận nào về việc kiến nghị Chính phủ bù lỗ, trợ giá. Đại diện Toyota Việt Nam chỉ cho biết đã có bản kiến nghị chi tiết về chính sách phát triển ô tô dự kiến trình Chính phủ trong tháng 5 tới.
Còn ông Đào Phan Long – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội cơ khí Việt Nam thì đánh giá: Thị trường Việt nam với 100 triệu dân thì không có doanh nghiệp ô tô nào, kể cả Toyota Việt Nam bỏ cuộc. Ông Long cũng khẳng định: “Sẽ không có nước nào muốn Việt Nam có ô tô mà bản thân chúng ta phải tự bảo nhau làm. Chính sách cho ngành ô tô tới đây phải tập trung cho doanh nghiệp nào 20 năm qua làm ăn được. Các chính sách do đó cần hết sức thận trọng; cần nghiên cứu, nên tập trung chính sách cho một số doanh nghiệp đã làm ô tô chứ không phải ban hành chính sách để cho tất cả các doanh nghiệp làm”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.