Không công bố dịch tay chân miệng vì thiếu... nguồn lực (!?)

Thứ ba, ngày 11/10/2011 14:37 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Như phản ánh, diễn biến của bệnh tay chân miệng (TCM) bất thường nhưng tất cả các tỉnh vẫn “cương quyết” không công bố dịch và cho rằng mình đang kiểm soát tốt bệnh. Thực tế thì sao?
Bình luận 0

Trường hợp điển hình nhất phải kể tới là tỉnh Quảng Ngãi. Tính từ khi bùng phát vào tháng 4.2011 đến nay, tổng số trường hợp mắc bệnh TCM trên địa bàn tỉnh, tăng gấp 45 lần, so với cùng kỳ năm trước; dịch lan ra 14/14 huyện, thành phố của tỉnh với tổng số trên 6.200 ca.

img
Khám chữa cho một bệnh nhân tay chân miệng ở Quảng Ngãi.

Bệnh đặc biệt bùng phát ở các huyện miền núi như Tư Nghĩa, với gần 1.290 ca; Sơn Tịnh khoảng 920 ca. Toàn tỉnh có 5 ca tử vong. Thế nhưng, trao đổi với NTNN, ông Võ Văn Phú - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Quảng Ngãi lý giải: Tuy số lượng mắc bệnh TCM cao nhưng so với 2 điều kiện mà Thủ tướng Chính phủ đã quy định tại Quyết định số 64/2010/QĐ-TTg, ngày 25.10.2010, thì tình hình bệnh TCM ở Quảng Ngãi, chỉ đủ một điều kiện (trong 3 điều kiện), đó là: Có số người mắc bệnh truyền nhiễm vượt quá số người mắc theo dự tính của cơ quan y tế tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.

“Mặt khác bệnh TCM thuộc nhóm B, vì vậy quyền quyết định công bố dịch hay không là do UBND tỉnh, chứ không thuộc thẩm quyền của Sở Y tế”- ông Phú nói.

TS Viên Quang Mai - Viện phó Viện Paster Nha Trang khẳng định: “Sau khi nghiên cứu dịch tễ, chúng tôi đã đề nghị tỉnh Quảng Ngãi công bố dịch tay chân miệng vì chỉ tính riêng tại tỉnh này đã có tới 6.000 ca mắc và 5 ca tử vong. Tuy nhiên, UBND tỉnh Quảng Ngãi vẫn lờ đi”.

Điều khiến người dân lo ngại là trong khi các nhà chuyên môn về dịch tễ học, và các bác sĩ làm công tác chuyên môn cảnh báo về mức độ lây lan và sự nguy hiểm của bệnh thì các tỉnh lại nhất định không công bố dịch và cho rằng mình kiểm soát được. Điều này sẽ khiến bệnh có thể bùng phát trên quy mô lớn hơn, nguy hiểm hơn?

Chiều 10.10, bác sĩ Nguyễn Út - Phó Giám đốc Sở Y tế TP.Đà Nẵng, cho biết, thành phố vừa có thêm một trường hợp tử vong nghi do bệnh tay chân miệng, nâng con số tử vong lên 4 người.

Đại diện Sở Y tế Đồng Nai lý giải rằng: “Chuyện công bố dịch không hề đơn giản. Khi đã công bố dịch có nghĩa là tỉnh đó phải huy động toàn bộ nguồn lực và ngân sách vào chống dịch. Trong khi đó, nguồn lực có hạn, kinh phí eo hẹp, tỉnh còn phải dồn để phục vụ nhiều mục tiêu khác”. Đó là chưa kể đến những khó khăn khác mà tỉnh sẽ gặp phải như hạn chế kêu gọi đầu tư, phát triển du lịch, ảnh hưởng tới an sinh xã hội…

Đơn cử như Thanh Hoá, hiện tỉnh này đã có hơn 2.000 người mắc, thế nhưng ngoài nguồn kinh phí được phê duyệt từ đầu năm là 4 tỷ đồng để phòng chống dịch TCM thì đến nay nguồn kinh phí mà Sở đề xuất bổ sung vẫn chưa thấy. Ngay tại buổi họp trực tuyến bàn công bố dịch do Bộ Y tế tổ chức 20.8 vừa qua, Thanh Hoá cũng đã thừa nhận những khó khăn trong việc giải ngân chi phí phòng chống dịch vì bản thân địa phương cũng đang gặp khó khăn về tài chính.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem