Sợ trách nhiệm nên không công bố dịch tay chân miệng?

Thứ hai, ngày 10/10/2011 05:53 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Bệnh tay chân miệng (TCM) vẫn diễn biến phức tạp, số ca mắc và số ca tử vong tăng liên tục trong thời gian qua khiến nhiều chuyên gia dịch tễ lo ngại. Có phải địa phương sợ trách nhiệm nên không công bố?
Bình luận 0

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nhận định: Hiện nay bệnh TCM đang diễn biến phức tạp, nguy cơ bùng phát cao, quy mô bệnh lan rộng hơn bao giờ hết.

img
Khám cho bệnh nhi nghi mắc bệnh tay chân miệng tại Bệnh viện Nhi T.Ư.

Diễn biến dịch phức tạp

Số liệu thống kê và báo cáo tuần qua cho thấy: Hiện cả nước đã ghi nhận hơn 66.000 người mắc TCM ở 61/63 tỉnh, thành phố, nhiều tỉnh có 100% số huyện đều có trẻ bị TCM. So với năm 2010, số người mắc tăng gấp 7 lần, số ca tử vong tăng gấp 19 lần (114 ca so với 6 ca). Như vậy, Việt Nam là quốc gia thứ 2 trên thế giới (sau Trung Quốc) có tỷ lệ người mắc TCM cao.

Không chỉ đột biến về số ca mắc, Việt Nam hiện đã ghi nhận 7 trường hợp bệnh nhân là người lớn cùng với nhiều diễn biến, tính chất bất thường của bệnh. Các mẫu xét nghiệm tại Viện Pasteur Nha Trang cho thấy: 9/34 mẫu của người lớn mang virus EV71 (chiếm tỷ lệ hơn 20% số mẫu xét nghiệm). Hầu như tỉnh nào cũng có chủng virus EV71- chủng gây nguy cơ tử vong cao. Riêng Bình Định, số ca có EV71 chiếm hơn 60% số mẫu xét nghiệm, sau đó là Ninh Thuận 56%, Quảng Ngãi là 45%.

TP.Hồ Chí Minh- địa phương đầu tiên xuất hiện bệnh TCM trong năm nay đã ghi nhận gần 10.000 ca, số mắc tăng gấp 8 lần so với năm 2010. Riêng tại Hà Nội, số liệu mới nhất của Trung tâm Y tế dự phòng cũng cho thấy, gần đây, mỗi tuần có 30 - 40 ca mắc TCM. Tính chung từ đầu năm, Hà Nội có 316 bệnh nhân, tăng mạnh so với 9 tháng đầu năm 2010. Ngày 7.10, Hà Nội đã có thêm một bệnh nhân tử vong vì bệnh TCM (trường hợp thứ 2).

Ngoài việc tăng nhanh số ca mắc TCM, thì tình hình phòng, chống bệnh vẫn chưa thực sự hiệu quả. Theo Cục Y tế dự phòng, hai điều kiện cơ bản để phòng và dập dịch là chưa có thuốc đặc trị và vaccin phòng bệnh đến nay không có khiến dịch bệnh rất khó được khống chế. Trong khi đó, công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân và sự nhập cuộc của toàn bộ đoàn thể tại địa phương chống dịch chưa cao khiến công tác chống dịch chưa hiệu quả.

Vẫn... trong tầm kiềm soát?

Trao đổi với NTNN về tình hình dịch TCM, TS Viên Quang Mai- Phó Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang cho hay: “Đã đến lúc các địa phương cần mạnh dạn công bố dịch theo quy định. Không thể miệng cứ nói là dịch mà lại không chịu công bố dịch”.

TS Viên Quang Mai cho rằng: Theo quy định thì địa phương có các ca dịch bệnh tăng bất thường, tác nhân gây bệnh mới, quy mô vượt tầm kiểm soát…. thì sẽ công bố dịch. Đối chiếu với các điều kiện để công bố dịch, một số địa phương “thừa” tiêu chuẩn thế nhưng kể từ đợt cao điểm từ tháng 7 đến nay, vẫn không địa phương nào công bố.

Giải thích cho lý do đến thời điểm này Bộ Y tế vẫn chưa công bố dịch, ông Nguyễn Văn Bình – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, khẳng định: “Hiện Bộ cũng đã tính đến phương án công bố dịch. Tuy nhiên, theo luật việc công bố dịch ở cấp độ nào thì phải căn cứ vào tính chất, quy mô có dịch ở từng địa phương đó mà thực hiện. Tỉnh nào có quá nửa số huyện xuất hiện TCM mà không thể khống chế, kiểm soát được thì nên công bố dịch”.

Đơn cử như tỉnh Đồng Nai- tỉnh có số ca tử vong cao nhất cả nước, quy mô dịch bệnh đã lan rộng ra 100% số huyện, thành phố, vậy nhưng vẫn chưa công bố dịch.

 Ông Hùng Cao Hải – Phó Giám đốc Sở Y tế khẳng định: “Đến ngày 7.10, Sở đã ghi nhận 5.964 ca mắc TCM, trong đó có 23 ca tử vong. Địa phương không công bố dịch vì dịch vẫn trong tầm kiểm soát”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem