Sở hữu nhiều tài lẻ
Nguyễn Tuấn Hải (tức Hải bánh) là người “chọc trời khuấy nước”, lẫy lừng trong giới giang hồ một thuở, từng có nhiều chiến tích. Đỉnh điểm là vụ thanh toán “bà trùm” giang hồ Dung “hà”, hiện đang thụ án tại Trại giam Xuân Lộc (Z30A, Bộ Công an) thuộc tỉnh Đồng Nai. Tuy nhiên, trong con người ấy, giữa thiện và ác vẫn giằng xé nhau. Những góc khuất riêng chưa từng kể của Hải “bánh”, khiến người đối diện không khỏi tò mò.
|
Hải “bánh” (phải) đang chăm sóc rau cùng một phạm nhân khác tại trại giam Xuân Lộc. |
Đem điều phân vân này hỏi đại úy Phan Hồng Lam, Phó giám thị Trại giam Xuân Lộc (Đồng Nai), phóng viên nhận được câu trả lời khá bất ngờ: "Nếu đi đúng đường, Hải có thể trở thành một người thành công, bởi sự tài hoa như có sẵn trong máu anh ta vậy. Anh ta có một đôi tay khéo léo, tư duy nhạy bén, luôn đón được ý người đối diện. Đặc biệt, tài ăn nói của anh luôn khiến người nghe bị khuất phục".
Đại úy Lam kể thêm: “Khi mới vào cải tạo tại Trại giam Xuân Lộc, Hải khá thu mình và ánh mắt luôn chất chứa nhiều ưu tư. Nắm bắt được điều này, các cán bộ quản giáo trực tiếp quản lý đã gần gũi động viên giúp anh ta lấy lại tinh thần. Dần dần Hải hiểu rằng con đường ngắn nhất để chuộc lại lỗi lầm mình gây ra là cải tạo cho thật tốt, chứ không phải cứ day dứt và dằn vặt bản thân. Từ đó, thay vì ngồi âu sầu buồn bã, thời gian rảnh rỗi, Hải đã tìm đến sách vở và những thú vui mà trước đây sống trong giang hồ không có thời gian để làm".
Ban đầu, Hải nhặt những hòn đá mài dũa thành những hình hài ngộ nghĩnh, hay vặt lá tỉa cành tạo dáng cho những cây mọc hoang. Tất cả những vật tưởng chừng như vô tri vô giác đó qua bàn tay tài hoa của Hải bỗng trở nên có hồn và sống động hơn.
Thấy phạm nhân này có chút năng khiếu, các cán bộ trại giam tạo điều kiện để Hải cắt tỉa cây cối trong trại giam. Sau một thời gian, tất cả những cây trong trại giam đều mang một phong cách riêng. Có cây đứng, cây nằm, cây nghiêng… nhưng tất cả ở đó đều thấy một cái hồn của người cắt tỉa.
Ngoài việc cắt tỉa cây, Hải còn được tin tưởng giao nhiệm vụ trang trí khán phòng mỗi khi diễn ra chương trình gì đó. Mỗi một con chữ cắt ra để dán, Hải đều rất tỉ mỉ. Tất cả khi xếp lên tròn trịa và đều tăm tắp.
Nói về điều này, đại úy Lam cho biết: “Mỗi lần được giao việc gì làm, Hải đều làm rất say sưa. Không kể ngày đêm, khi nào hoàn thành nhiệm vụ được giao, anh ta mới nghỉ. Mỗi dịp Tết đến, Hải lại tự dàn dựng các tiết mục văn nghệ và các trò chơi dân gian như múa lân, chơi cờ người… để biểu diễn cho các phạm nhân xem trong dịp vui xuân. Tất cả các tiết mục đều được Hải tự dàn dựng và hướng dẫn cho các phạm nhân làm theo".
Đặc biệt năm 2010, trong chương trình Chào đón 1.000 năm Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, Hải được cán bộ trại giam tin tưởng giao cho dàn dựng chương trình văn nghệ. Theo quy định của trại, các phạm nhân cải tạo khá, tốt mới được tham gia, nhưng phạm nhân này đề nghị cho những người có tư tưởng kém, hay gây rối tham gia vào chương trình văn nghệ để từ đó họ nhận ra mục đích sống mà cải tạo cho tốt.
Hải tự làm con rồng dài 30m, đầu rồng to cỡ hai người ôm với 16 người múa. Khi nền nhạc bài “Dòng máu lạc hồng” nổi lên, con rồng xuất hiện, sau đó biến thành chiếc thuyền với 16 tay chèo vượt trên biển lớn. Lúc đó, Hải “bánh” đọc lời bình: “Nước Việt Nam như con thuyền đang trải qua muôn trùng sóng gió. Nhờ sự dẫn dắt tài tình của Đảng và Nhà nước mà con thuyền đó vượt qua bão tố phong ba để đến đỉnh vinh quang”. Khi lời bình vừa dứt, con thuyền biến thành ngôi sao năm cánh.
Con người ẩn chứa nhiều suy tư
Theo đại úy Lam, ngoài công việc chăm sóc và cắt tỉa cây cối, Hải còn rất thích vẽ tranh. Những bức tranh Hải vẽ đa phần là cây cối, thiên nhiên. Những cây trúc, cây mai, hay những cành tre đong đưa trong gió, ở trên đó có con bọ ngựa ung dung đậu… Tất cả những điều đó tạo cho người xem một cảm giác bình yên đến lạ.
|
Hải "bánh" chia sẻ với phóng viên.
|
Ngoài những bức tranh về thiên nhiên, Hải còn vẽ những con phố cổ, nơi in dấu một thời tuổi thơ bình lặng của mình. Những bức tranh đều mang tâm tư và khát vọng mà Hải “bánh” muốn gửi gắm vào trong đó. Vì vậy, khi xem tranh, người ta thấy được cái hồn của người vẽ.
Ngoài sự tài hoa, Hải còn là phạm nhân luôn chất chứa nhiều suy tư và triết lý. Người đàn ông này chia sẻ: “Trước đây ở ngoài đời, người có tiền và quyền như anh Năm mà còn có kết cục như vậy. Còn như bọn em đây cũng ngang dọc một thời, nhưng rồi đến bây giờ cũng phải trả giá bằng những năm tháng đằng đẵng trong tù”.
"Nhiều lúc nằm trong trại giam nghĩ lại tất cả những điều gì mình đã làm trước đây, mọi thứ như cuốn phim hiển hiện trong đầu tôi không thiếu một chi tiết nào. Những lúc như vậy, tôi không nghĩ ai có lỗi với mình mà chỉ thấy dằn vặt sao mình lại làm như vậy. Họ cũng là con người mà mình lại chém, lại giết. Ở trong này, cái quý giá nhất của một con người, không phạm nhân nào có, đó là “tự do”, vậy tại sao mình còn phải chà đạp lên nhau nữa để làm gì", Hải nói.
Đại úy Lam chia sẻ: "Khi vào trại, trong một lần trò chuyện với tôi, Hải triết lý: “Khi vợ tôi sinh con gái, tôi mừng lắm. Vậy là không có một thằng “Chí Phèo con” ra đời”. Chưa hết, Hải “bánh” còn cắt nghĩa: “Khi lấy vợ, tôi vào tù ra tội đủ cả. Bảng “thành tích” bất hảo của tôi còn dài hơn cả tuổi đời và những chuỗi ngày đó sẽ còn tiếp diễn. Biết kết quả sẽ không đi về đâu, nhưng tôi không thể dừng lại được. Cuộc đời tôi thì coi như bỏ, nhưng tôi không muốn con tôi sẽ đi theo con đường của mình. Nhân cách con người do giáo dục mà nên, nhưng một người bố như tôi thì lấy tư cách gì để dạy dỗ con. Mà con trai thì sẽ dễ sa ngã và hư hỏng hơn, vì vậy vợ tôi sinh con gái tôi mừng cho mình thì ít mà mừng cho con thì nhiều, bởi sẽ không có một Hải “bánh” con nữa”.
Hải "bánh" được giảm án
Thiếu tá Nguyễn Đức Thiện, Đội trưởng Đội giáo dục trại giam Xuân Lộc cho biết: “Do có ý thức lao động và kỷ luật tốt, luôn là phạm nhân dẫn đầu trong các phong trào thi đua của trại nên trong đợt giảm án nhân dịp Tết Nguyên đán 2015, phạm nhân Nguyễn Tuấn Hải (tức Hải “bánh”) cũng có tên trong danh sách các phạm nhân được giảm án”.
(Theo Việt Thu/Công lý)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.