Người dân “dễ chấp nhận và thấy khách quan”
Dư luận đang đặc biệt quan tâm đến mức lợi nhuận “khủng” vừa được Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) công bố. Theo đó, lợi nhuận mà tập đoàn này thu về trong quí IV/2015 (chưa soát xét) là 1.003 tỉ đồng, chênh lệch rất lớn với cùng kỳ năm ngoái. Quí IV/2014, tập đoàn này báo lỗ 1.159 tỉ đồng. Lũy kế cả năm 2015, Petrolimex lãi ròng 3.138,5 tỉ đồng trong khi năm 2014 lỗ hơn 9 tỉ đồng. Riêng với công ty mẹ, báo cáo tài chính (chưa soát xét) ghi nhận con số 1.806,7 tỉ đồng lãi ròng trong quí IV/2015 và lũy kế 2.141,9 tỉ đồng cho cả năm 2015. Những con số này đếu vượt xa so với cùng kỳ.
Ông Trần Ngọc Năm, Phó tổng giám đốc tập đoàn này cũng giải thích trong báo cáo giải trình rằng, lợi nhuận sau thuế của Petrolimex chênh lệch lớn so với cùng kỳ như vậy là do trong năm 2015, kết quả kinh doanh của một số công ty con, công ty liên kết của tập đoàn kinh doanh trong các ngành nghề, lĩnh vực như hóa dầu, bảo hiểm, nhiên liệu bay, vân tải, dịch vụ ... có tăng trưởng so với năm 2014.
Giá xăng dầu thế giới quí IV/2015 tuy vẫn cùng xu hướng giảm như quí IV/2014 nhưng mức giảm giữa các tháng thấp hơn nhiều so với cùng kỳ nên việc phải đảm bảo dự trữ tồn kho theo quy định của kinh doanh xăng dầu không tác động trầm trọng tới doanh nghiệp. Trong khi đó, sản lượng xuất bán xăng dầu tại thị trường trong nước của tập đoàn tăng trưởng 8% so với cùng kỳ…
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, các lý do nêu trên chỉ là để người dân “dễ chấp nhận và thấy khách quan” về mức lãi khủng mà Petrolimex công bố. Thực tế, theo ông Long, chi phí kinh doanh xăng dầu của các doanh nghiệp, đặc biệt là Petrolimex hợp lý như thế nào để dẫn đến lãi lớn đến nay người dân vẫn chưa được thấy rõ.
“Không dưng” lãi lớn!
PGS.TS Ngô Trí Long phân tích: Từ 1.11.2014, chi phí kinh doanh định mức đối với mặt hàng xăng được nâng lên 1.050 đồng/lít; với diesel, dầu hỏa là 950 đồng/lít; với dầu mazut là 600 đồng/kg. Các con số chi phí kinh doanh định mức trước đó chỉ là 860 đồng/lít đối với xăng và dầu diesel, 500 đồng/kg đối với dầu mazut.
Bên cạnh chi phí kinh doanh định mức được nâng lên này, doanh nghiệp xăng dầu còn được tính thêm lợi nhuận định mức trước thuế (tức lợi nhuận kinh doanh xăng dầu trong nước) của các thương nhân đầu mối để tính giá cơ sở theo mức tối đa là 300 đồng/lít,kg. “Giá xăng dầu liên tục giảm mà chi phí kinh doanh định mức cho doanh nghiệp lại tăng lên mạnh như thế, lãi lại “ấn” cố định, doanh nghiệp xăng dầu không lãi to mới là chuyện lạ”-ông Long nói.
Chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng cũng cho rằng, đã đến lúc phải có cơ quan chuyên môn khách quan, độc lập xem xét và đánh giá lại các chi phí đầu vào của các doanh nghiệp xăng dầu xem nó đã hợp lý chưa để có những điều chỉnh cho phù hợp. Thực tế, theo ông Thắng, giá dầu thế giới đã giảm tới hơn 70% kể từ tháng 6.2014 do tình trạng dư cung kéo dài song giá xăng dầu trong nước đã chưa thực sự giảm tương xứng, chi phí định mức kinh doanh của doanh nghiệp lại được đẩy lên cao hơn, thuế phí đối với mặt hàng xăng dầu được thu nhiều hơn.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cũng phân tích rằng, điều hành giá xăng dầu hiện nay mới chỉ theo nguyên tắc “15 ngày thay giá một lần”.
“Giá bình quân xăng dầu nhập khẩu mà liên bộ Tài chính-Công Thương vẫn thường công bố mỗi 15 ngày đã chính xác với giá bình quân thực nhập xăng dầu của doanh nghiệp hay chưa, nó có đủ để làm căn cứ tính giá xăng dầu bán ra với doanh nghiệp không?... là những gì người dân đang cần câu trả lời từ các cơ quan chức năng”, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nói.
Cuối cùng, các chuyên gia kinh tế cho rằng, trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, để hài hòa lợi ích Nhà nước-doanh nghiệp-người dân, chúng ta còn rất nhiều việc phải làm.
“Tất nhiên, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu phải được có lãi nhưng Nhà nước là người đề ra chính sách phải cân bằng làm sao để lãi đó hợp lý. “Doanh nghiệp xăng dầu lãi khủng quá như thế cũng là chưa tương xứng với quyền lợi của người dân tiêu dùng xăng dầu rồi”, ông Long kết luận.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.