Không muốn bán cổ phần “ế” cho nhà đầu tư: Chuyện lạ ở CT46

Trần Giang Thứ tư, ngày 13/04/2016 09:39 AM (GMT+7)
Một nhóm nhà đầu tư vừa gửi đơn kiến nghị lên Bí thư Thành ủy Hà Nội và chủ tịch UBND TP. Hà Nội về việc Công ty Xây dựng và phát triển nhà Hà Nội (CT46) làm khó họ mua 550.000 cổ phần mà công ty này đã “bán ế” trong lần đấu giá đầu tiên.
Bình luận 0

img

Ảnh minh họa

Nhóm nhà đầu tư gồm 3 người (ông Nguyễn Thế Khanh, ông Trần Thanh Tùng và ông Trần Nguyên Đạt), mà ông Nguyễn Thế Khanh là người đại diện đã gửi đơn kiến nghị để phản ánh về những việc làm có dấu hiệu sai phạm của lãnh đạo CT46 thuộc Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội (Handico). Sự việc liên quan tới quá trình thực hiện cổ phần hoá CT46 với những biểu hiện bất thường của lãnh đạo doanh nghiệp.

Đúng luật vẫn không mua được cổ phần “bị ế”

img

Trao đổi với Dân Việt, ông Trần Thanh Tùng, đại diện của nhóm nhà đầu tư cho biết, ngày 19.11.2014, ông Tùng cùng 7 nhà đầu tư khác tham dự đấu giá công ty CT46 thuộc Handico, do Công ty CP Chứng khoán quốc tế Hoàng Gia (chứng khoán Hoàng Gia) tổ chức. Số cổ phần được đưa ra chào bán là hơn 965.000 cổ phần. Trong phiên đấu giá lần đầu này, có 5 nhà đầu tư trúng giá, trong đó không có ông Tùng.

Được biết, ông Tùng cùng với 2 nhà đầu tư không trúng giá khác đã đăng ký mua tổng cộng 550.000 cổ phần với mức giá đặt mua dao động từ 10.500 – 15.000 đồng/cổ phần, cao hơn mệnh giá bán là 10.000 đồng/cổphần.

Sau đó, do 5 nhà đầu tư trúng giá không thực hiện quyền mua, nên giữa tháng 3.2016 ông Tùng cùng với 2 nhà đầu tư khác đã được chứng khoán Hoàng Gia gửi thông báo về việc chào bán tiếp cổ phần chưa bán được của CT46.

Sau khi nghiên cứu quy chế chào bán tiếp, 3 nhà đầu tư quyết định tham gia và nộp tiền đăng ký mua cổ phần. Sồ tiền mà ông Tùng ứng trước là 200 triệu đồng, các nhà đầu tư khác cao hơn ở mức khoảng 1-2 tỷ đồng.

Ngày 1.4.2016, 3 nhà đầu tư tham gia phiên bán tiếp cổ phần chưa bán được của CT46. Các nhà đầu tư, ban tổ chức đấu giá cùng thành viên Ban chỉ đạo cổ phần hóa đã thực hiện thủ tục cần thiết theo đúng quy định tại quy chế. Đồng thời Ban chỉ đạo cổ phần hóa chỉ đạo doanh nghiệp và nhà đầu tư được mua cổ phần cùng ký kết Hợp đồng mua bán cổ phần ngay tại buổi họp.

Sẽ không có gì đáng nói nếu điều bất ngờ không xảy ra. Bỗng dưng ông Nguyễn Hữu Hưng, Giám đốc CT46 đứng lên nêu ý kiến: Không đồng ý ký hợp đồng mua bán cổ phần với các nhà đầu tư theo quy định tại quy chế.

Lý do được ông Hưng đưa ra là cần xin ý kiến chỉ đạo từ Handico nên không thể ký ngay tại thời điểm phiên đấu giá. Và cho tới thời điểm hiện tại, lãnh đạo của CT46 vẫn chưa đưa ra câu trả lời thoả đáng cho nhà đầu tư.

Có biểu hiện thất thoát hàng tỷ đồng vốn Nhà nước

Trong đơn kiến nghị các cấp thẩm quyền, nhóm nhà đầu tư cho rằng việc ông Hưng không đồng ý ký hợp đồng mua bán cổ phần với các nhà đầu tư là vi phạm nghiêm trọng quy định pháp luật và quy chế đấu giá, gây ảnh hưởng lớn đến tâm lý nhà đầu tư.

“Việc  gây mất lòng tin cho nhà đầu tư của ông Hưng không những có thể gây thất thoát vốn của Nhà nước đến hàng tỷ đồng mà còn gây hoang mang cho nhà đầu tư trong quá trình thực hiện chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước trong công tác cổ phần hóa doanh nghiệp”, ông Nguyễn Thế Khanh, một  trong 3 nhà đầu  tư cho biết.

Đại diện cho nhóm 3 nhà đầu tư, ông Tùng cho biết do chưa ký hợp đồng mua bán, nên nhà đầu tư không thể nộp nốt số tiền còn lại để mua cổ phần được quy định trong quy chế, trong khi thời hạn phải nộp số tiền này đang đến gần.

“Với tư cách nhà đầu tư, tôi xác nhận sẽ chuyển nốt số tiền còn lại và mua số cổ phần này ngay sau khi nhận được hợp đồng có đủ chữ ký của các bên”, ông Tùng khẳng định.

Theo ông Tùng, khi tham gia đấu giá, nhà đầu tư luôn phải nộp tiền cọc trước, nếu không tham gia hay thực hiện sai quy trình thì mất tiền. Trong khi đó đơn vị bán vi phạm quy chế thì lại không có chế tài nào để xử lý. Hành xử khó hiểu của lãnh đạo CT46 đã gây nhiều hoang mang cho nhà đầu tư.

Với số tiền cọc đã nộp, nhóm nhà đầu tư hiện nay lo ngại không biết sẽ được xử lý như thế nào. Bởi khi đã hết thời hạn nộp tiền mà lãnh đạo CT46 vẫn nhất quyết không chịu ký hợp đồng, nhà đầu tư không có căn cứ để chuyển tiền mua còn lại, thì liệu có đẩy nhà đầu tư vào tình thế thực hiện sai quy trình và chịu mất tiền cọc hay không?

Câu hỏi được đặt ra là tại sao mọi thủ tục đã được thực hiện đúng quy trình, NĐT đặt mua với giá cao hơn giá chào bán, song doanh nghiệp lại nhất quyết không chịu bán?

Lãnh đạo CT46 cho biết sẽ có văn bản giải trình lý do chưa ký hợp đồng với Handico, trong khi quá trình đấu giá được thực hiện dưới sự chỉ đạo của cấp cao hơn là Ban chỉ đạo CPH Handico. Điều này cho thấy CT46 dựa thế công ty mẹ đã phớt lờ chỉ đạo ở cấp cao hơn, mà ở đây cụ thể là Sở Tài chính Hà Nội.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem