Không nên học đòi phát triển sân golf

Thứ hai, ngày 08/08/2011 06:13 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Không có lý do gì để dành những ha đất màu mỡ, đang trồng lúa, đang nuôi bao nhiêu người nghèo để làm sân golf - KTS Trần Huy Ánh, người nhiều lần lên tiếng phản đối việc lấy đất nông nghiệp để làm sân golf, nói.
Bình luận 0

Thưa ông, khả năng dự án sân golf sắp “nở rộ” và “tái khởi động” sau một thời gian tưởng đã “yên ắng” đã khá rõ. Là người từng không ủng hộ xây dựng sân golf, ông có bình luận gì về đề xuất của Bộ KHĐT?

- Sân golf là một sản phẩm của xã hội phát triển, là thứ giải trí của tầng lớp dân cư có thu nhập cao, đồng thời biểu hiện của một xã hội giàu lên. Chẳng hạn như Malaysia, Thái Lan… thì mô hình của họ là một xã hội tư bản, tích lũy đất đai là tích lũy tư bản nhiều năm, nên đó là chuyện của những người giàu, họ có hàng nghìn ha đất, họ quy hoạch sân golf hay trồng lúa là chuyện của họ, của các chủ đất...

img
Việc xây dựng sân golf mới chỉ phục vụ lợi ích của một nhóm người (ảnh minh hoạ).

Nhưng đất nước mình là đất nước nông nghiệp. Thắng lợi lớn nhất trong cuộc cách mạng của chúng ta là “người nghèo có ruộng”. Đó là một cuộc đấu tranh gian khổ của cả dân tộc qua rất nhiều cuộc chiến tranh. Có đất, có ruộng để sản xuất là niềm hạnh phúc lớn lao của những người nông dân. Vì vậy, sân golf được quy hoạch và xây dựng lên rồi thì nó là của ai, thuộc vào sở hữu của những người nào? Đó là điều mà những ai ủng hộ xây dựng, đầu tư vào sân golf phải trả lời.

img
KTS Trần Huy Ánh

Có nghĩa là theo ông, với một nước nông nghiệp như Việt Nam, chúng ta phải tuyệt đối tránh xa các dự án sân golf bởi sự lãng phí đất đai?

- Tôi so sánh: Như ở Philipines, đất nước họ có số lượng sân golf gấp đôi chúng ta và họ đã được gì từ việc xây dựng nhiều sân golf đến vậy? Trên thực tế chúng ta thấy rằng việc có nhiều sân golf đã biến Philipines từ một đất nước được kỳ vọng là sẽ đi lên từ cây lúa (có Viện Nghiên cứu lúa quốc tế đặt trụ sở tại đây), nhưng giờ đây đất để hoang hóa rất nhiều, hầu hết sân golf có tường rào cao ngất, ngăn cách với bên ngoài, thể hiện sự phân cách giàu nghèo rất lớn. Trong khi đó, nhiều khu nhà ổ chuột xen lẫn với những sân golf xa xỉ.

Chính vì vậy, tôi lo ngại rồi một ngày nào đó chúng ta sẽ rơi vào cảnh tượng như vậy. Tại sao chúng ta không rút kinh nghiệm từ họ, mà lại chạy theo vết xe đổ đó? Chúng ta đang ở chặng đường đầu của quá trình phát triển, chúng ta nên học những bài học tốt của những nước láng giềng và tránh xa những sai lầm của họ.

Lâu nay, những đề xuất xây dựng sân golf đều đưa ra lý do lợi ích về kinh tế cho địa phương, giải quyết việc làm cho người lao động… Ông nghĩ sao về những giải thích này?

- Tôi cho rằng, chúng ta không nên học đòi phát triển sân golf bởi nó không đem lại một nền tảng gì về văn hóa, xã hội cũng như về mặt tình cảm giữa con người với nhau. Trong một đất nước còn nghèo, chúng ta không có lý do gì để dành những ha đất màu mỡ, đang trồng lúa, đang nuôi bao nhiêu người nghèo để làm sân golf.

Việc xin đầu tư thêm nhiều sân golf không góp phần giáo dục thế hệ trẻ. Cá nhân tôi rất phản đối với đầu tư sân golf, cho dù với bất cứ lý do gì và tôi sẵn sàng tranh luận với những người có quan điểm bảo vệ sân golf.

Những người đề xuất nên công khai lợi ích, nó đem lại gì cho địa phương mình và đặc biệt phải để những người phải hy sinh đất đai làm sân golf nói một cách chân thành. Trồng lúa thì giá trị không cao nhưng rõ ràng giải quyết việc làm, giữ được nước, bảo vệ những giá trị cốt lõi của nền nông nghiệp… Trong khi sân golf không giải quyết được bao nhiêu lao động, hệ thống thủy lợi bị chia cắt… Những lý luận về lợi ích kinh tế từ sân golf chỉ là ngụy biện chứ không thuyết phục.

Có nghĩa là theo quan điểm của ông, không nên có thêm những dự án sân golf mới?

- Sân golf lại có thể nở rộ trong khi chúng ta đều biết rõ nó chỉ đem lại rất ít lợi ích, chưa nói nhiều dự án sân golf thực chất đã và đang bị các nhà đầu tư kinh doanh bất động sản trá hình. Tôi cho rằng, không những dừng duyệt dự án mà bớt được sân nào thì tốt cái đó. Số lượng sân golf hiện nay tôi cho là đã quá thừa. Một đất nước chẳng có sân golf nào vẫn có thể phát triển bình thường. Chưa kể nước ta bình quân đất trên đầu người rất thấp, đất làm nông nghiệp lại càng thấp.

Trong khi đó hiệu quả kinh doanh sân golf thấp, nhiều sân đang ế ẩm, kể cả kinh doanh bất động sản cũng không ăn thua gì. Vậy, bài toán lợi nhuận ngay từ đầu đã thiếu cơ sở. Nhu cầu của bài toán cung - cầu là thừa. Trong khi hiện nay chúng ta đang thiếu đủ thứ: Thiếu rau sạch, hồ chứa nước, thiếu bệnh viện, thiếu trường học, thiếu nơi sinh hoạt, thiếu chợ, thiếu bãi đổ rác… Chính vì vậy, bản thân lãnh đạo địa phương khi đề xuất xây dựng sân golf cần cân nhắc kỹ xem tỉnh mình cần gì trước, cần gì sau, cái gì còn thiếu và đầu tư vào cái gì sẽ mang lại lợi ích và hiệu quả lâu dài, bền vững.

Được biết, trong quá trình đề xuất quy hoạch sân golf, ngay bản thân các lãnh đạo Bộ KHĐT cũng có lúc lúng túng bởi chấp nhận hay từ chối đều phải gắn với trách nhiệm. Với tư cách là một nhà khoa học, ông có ý kiến gì?

img Rõ ràng người nước ngoài cũng không đến nước chúng ta chỉ để nghỉ dưỡng và chơi golf. Bên cạnh đó, trong những cuộc chơi golf, lợi ích mang lại cho người nghèo hầu như không có, chỉ mang lại thú vui cho một số cá nhân. Vậy thì tại sao xã hội phải lo lắng cho một nhóm người ít ỏi đó? img

Ông Trần Huy Ánh

- Tôi cho rằng, trước khi đồng ý với đề xuất xin đầu tư xây dựng sân golf do các địa phương đề xuất, Bộ KHĐT và Chính phủ phải tìm hiểu xem những người đề xuất họ đại diện cho ai, tầng lớp nào trong xã hội, họ có đại diện cho đại đa số nông dân trong tỉnh họ không. Như vậy mới công bằng, và cũng để cho những nhà khoa học cũng như người dân hiểu rằng những người quản lý đang làm vì lợi ích của số đông người dân, chứ không phải lợi ích của một nhóm người ít ỏi nào khác.

Nếu chứng minh làm sân golf tốt hơn trồng lúa, tốt hơn trồng rừng, tốt hơn làm bệnh viện, làm trường học và quan trọng hơn là làm sân golf xóa được đói, giảm được nghèo… thì làm. Nếu không chứng minh được hiệu quả thực tế của nó thì chúng ta làm thêm để làm gì?

Tôi đã từng đến Long An, tỉnh có tới hai mấy dự án sân golf làm trên đất ruộng lúa. Tôi chẳng hiểu chính quyền tỉnh định phát triển trồng lúa hay làm sân golf. Lợi ích từ sân golf mang lại thì chưa ai kiểm chứng nhưng bà con mất ruộng thì có thật.

Trước khi cấp cái mới, chúng ta phải có thống kê xem những cái sân golf cũ họ làm ra sao, tác động như thế nào đến mọi mặt của đời sống, kinh tế, thổ nhưỡng… Trong khi đầu tư để duy trì sân golf tốn rất nhiều nước để tưới cho cỏ, làm cho vùng đó ngày càng khô hạn. Hóa chất để diệt sâu, bảo vệ cỏ rất độc. Trong khi tôi chưa thấy có một báo cáo nào ghi nhận sự thu gom, xử lý nước tưới cỏ ngấm xuống hay chảy đi đâu...

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem