Golf và gold

Chủ nhật, ngày 07/08/2011 06:54 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Việt Nam đang và sẽ là một trong những quốc gia có nhiều sân golf nhất trên thế giới. Một nhà nghiên cứu độc lập, ông Nguyễn Phương cho biết trên thế giới có khoảng 2.000 sân golf.
Bình luận 0

Nếu Việt Nam dừng lại ở con số 90 theo đúng quy hoạch, sân golf Việt Nam chiếm 4,5%.

Và khi Bộ KHĐT đệ trình báo cáo ngày 3.8.2011, theo đó sẽ bổ sung thêm 28 sân golf nữa vào quy hoạch thì tỷ lệ sân golf ở Việt Nam, một quốc gia "đang phát triển" là quá cao, cao đến mức phi lý, đến mức cần nghiêm túc đặt ra câu hỏi xây dựng sân golf nhiều như thế, ngoài việc dành cho ai, thì còn để làm gì?

Câu trả lời, rất tiếc, lại đã có từ trước. Chính Bộ KHĐT, trong báo cáo kiểm tra tình hình hoạt động của 90 sân golf trên toàn quốc đã cho biết chỉ có 21 sân golf thuần túy. 69 dự án còn lại kết hợp với kinh doanh bất động sản và du lịch.

Sự "kết hợp" thực ra mới là điều đáng nói. Trong tổng diện tích đất quy hoạch cho 90 dự án này, 51% dành cho khu du lịch sinh thái, trung tâm thương mại và 8% là xây biệt thự. Diện tích dành cho sân golf chỉ chiếm 40%. Có những dự án, tỷ lệ kết hợp, hay tính chất của việc kinh doanh bất động sản khoác áo thể thao còn cao, còn trắng trợn hơn nhiều. Dự án Tản Viên (Hà Nội) là một ví dụ. Trong tổng diện tích 1.200ha, sân golf chỉ chiếm 222ha. Hay Dự án Quan Sơn, cũng Hà Nội, tổng diện tích 1.700ha và diện tích dành cho sân golf chỉ 161ha…

Nói là golf, thực chất sân golf lại chỉ là cái vỏ cho việc kinh doanh bất động sản là vậy. Bởi ngay cả khi có các quy định cấm chuyển mục đích sử dụng đất làm sân golf sang xây dựng nhà ở để bán, kinh doanh bất động sản, các nhà đầu tư đã lách bằng cách cho thuê nhà ở, biệt thự ở các dự án sân golf với thời hạn 30-40 năm.

Kiến trúc sư Trần Huy Ánh từng đặt câu hỏi: Giá trị bất động sản của sân golf đem lại lợi ích cho những ai? Có phải là số đông hay chỉ cho một số nhà đầu cơ. Mà đầu cơ liệu có đem lại sự phát triển bền vững cho các địa phương mở sân golf, hay chỉ đem lại lợi ích cho các nhà đầu tư? Khi đền bù đất nông nghiệp thì giá rất rẻ. Còn khi thành bất động sản nằm trong sân golf thì giá rất đắt.

Theo ông Ánh: Bài toán phân tích ở đây phải rất tổng hợp. Phải tính chênh lệch địa tô từ việc thu hồi đất vài triệu bạc rồi bán với giá 50 - 60 triệu chẳng hạn... Nói là golf thực chất lại là gold (vàng) là vì vậy.

Năm 2009, sau khi vấn đề "lạm phát sân golf" được đưa ra chất vấn trước Quốc hội, Chính phủ có quyết định loại bỏ hơn 60 dự án chiếm giữ những bờ xôi ruộng mật của nông dân. Bộ trưởng Võ Hồng Phúc có lần còn tự hào khoe thành tích lớn nhất, tâm đắc nhất của ông (trong nhiệm kỳ Bộ trưởng) là kiến nghị loại bỏ 76 sân golf trong tổng số 166 sân golf đã được đăng ký cấp phép và triển khai.

Thế còn 28 sân golf mới bổ sung? Cần phải lưu ý rằng báo cáo của Bộ KHĐT được đưa ra chỉ 1 ngày sau khi Bộ trưởng mới được Quốc hội phê chuẩn, còn chưa kịp bàn giao công việc. Chúng ta cũng cần biết rằng, trong năm nay Việt Nam đang dẫn đầu châu Á về lạm phát, và có thể còn dẫn đầu luôn về số sân golf, toàn những thứ số 1 mà không người dân nào muốn đón nhận.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem