Không nên tịch thu phương tiện vi phạm

Thứ tư, ngày 11/04/2012 06:46 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Sáng 10.4, phiên họp thứ 7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII đã khai mạc tại Hà Nội. Phiên họp này kéo dài 10 ngày với phần lớn nội dung là công tác xây dựng pháp luật.
Bình luận 0

Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2011, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2012…

img
Xử lý phương tiện xe máy vi phạm pháp luật đang là vấn đề có nhiều ý kiến trái chiều hiện nay.

2 tỷ đồng là mức phạt cao nhất có thể

Trong buổi sáng 10.4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về một số vấn đề quan trọng, ý kiến còn khác nhau của dự án Luật Xử lý vi phạm hành chính. Về mức phạt tiền, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề xuất lựa chọn phương án: Mức phạt tiền trong xử phạt vi phạm hành chính là từ 50.000 – 1 tỷ đồng đối với cá nhân, đến 2 tỷ đồng đối với tổ chức, trừ trường hợp quy định tại luật khác.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển và Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Trần Văn Hằng cho rằng mức tiền phạt tối đa là 2 tỷ chưa đủ sức răn đe đối với các tổ chức vi phạm, đặc biệt đối với trường hợp vi phạm trong lĩnh vực môi trường, hành vi vi phạm tác động xấu đến cả một cộng đồng dân cư lớn, phạm vi sản xuất rộng, ảnh hưởng đến đời sống của một khu vực dân cư. Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng đề nghị nên có một điều khoản riêng bao hàm các trường hợp vi phạm đặc biệt nghiêm trọng trong lĩnh vực môi trường, trong đó mức xử phạt ở lĩnh vực này phải thật cao.

Kết luận về nội dung thảo luận này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, mức phạt đến 2 tỷ đồng là mức cao nhất có thể. Tuy nhiên, để đủ sức răn đe đối với các vi phạm về môi trường, tài nguyên, đất đai, ngoài mức phạt tiền trên, Dự thảo Luật cần quy định việc tổ chức vi phạm phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại đã gây ra.

Không nên tịch thu tang vật vi phạm

Về quan điểm xử lý tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính, nhiều ý kiến đề nghị bổ sung quy định đối với trường hợp tang vật, phương tiện bị sử dụng trái phép để vi phạm hành chính phải được trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp và cho rằng, đối với trường hợp tang vật, phương tiện bị sử dụng trái phép để vi phạm hành chính thì chủ sở hữu, người quản lý, người sử dụng hợp pháp không có lỗi và họ không phải chịu trách nhiệm về vi phạm do người khác gây ra.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng đề nghị nên có một điều khoản riêng bao hàm các trường hợp vi phạm đặc biệt nghiêm trọng trong lĩnh vực môi trường, trong đó mức xử phạt ở lĩnh vực này phải thật cao.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Trần Văn Hằng cho rằng, phương tiện vi phạm thuộc quyền sở hữu của cá nhân, tổ chức; việc vi phạm hành chính là do người sử dụng vi phạm chứ không phải phương tiện vi phạm. Vì vậy, nếu tịch thu thì trong trường hợp người vi phạm sử dụng phương tiện đi mượn sẽ không đảm bảo công bằng. “Phương tiện không có lỗi, người vi phạm mới có lỗi, phương tiện là quyền sở hữu của công dân, do đó không nên xử lý tịch thu tất cả” - ông Hằng góp ý.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đồng tình với phương án không nên quy định tịch thu tang vật mà nên bổ sung quy định khác để vẫn đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, đồng thời đủ sức răn đe đối tượng vi phạm. Phó Chủ tịch đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra tiếp tục rà soát kỹ các điều khoản trong Dự án luật, đảm bảo tính đồng bộ tương thích với các luật khác trước khi trình Quốc hội.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem