Chiều ngày 17.1, phiên Đối thoại chính sách cấp cao của Diễn đàn kinh tế Việt Nam được tổ chức với chủ đề “Củng cố nền tảng cho tăng trưởng nhanh và bền vững" với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Diễn đàn Kinh tế Việt Nam do Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, nhằm tạo diễn đàn quốc tế, tập hợp trí tuệ của cộng đồng các chuyên gia trong và ngoài nước trong việc hoạch định chiến lược phát triển đất nước. Sự kiện thường niên này là sáng kiến của Ban Kinh tế Trung ương. Ở lần thứ 3 diễn ra năm nay, có gần 2.000 đại biểu tham dự - quy mô lớn nhất từ trước tới nay.
Không nhất thiết phải đánh đổi giữa chất lượng và tốc độ tăng trưởng
Phát biểu tại phiên Đối thoại chính sách cấp cao của Diễn đàn kinh tế Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Trong chiến lược tăng trưởng nhanh và bền vững, Chính phủ Việt Nam đã xác định 3 trụ cột quan trọng trong mọi chính sách và mô hình phát triển bao gồm kinh tế-xã hội và môi trường, tôi gọi đó là nguyên tắc 3 trong 1 của sự phát triển”.
Hơn lúc nào hết, trong bối cảnh hiện nay, tăng trưởng kinh tế sẽ không thể duy trì lâu dài nếu thiếu tính bền vững. Phát triển bền vững không mâu thuẫn với tăng trưởng nhanh, ngược lại chính là nội hàm quan trọng, làm nên điều kiện cần và đủ của tăng trưởng nhanh trong dài hạn, đặc biệt là trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh, Việt Nam đang có sự chuyển dịch về mô hình tăng trưởng lên các nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm khu trưng bày bên lề Diễn đàn kinh tế 2019
“Việt Nam được chứng kiến sự lớn mạnh cùng với quyết tâm vươn ra biển lớn của khu vực kinh tế tư nhân như 2 năm vừa qua. Riêng trong năm 2018, trên 130 nghìn doanh nghiệp đã hoạt động trở lại”, Thủ tướng chia sẻ.
“Chính phủ Việt Nam một lần nữa khẳng định chúng ta có thể tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, không nhất thiết phải đánh đổi hay lựa chọn giữa chất lượng tăng trưởng và tốc độ tăng trưởng.
Điều này đã không chỉ là khẩu hiệu mà thực sự đã trở thành quyết tâm hành động của Việt Nam bởi tiềm năng của chúng tôi còn rất lớn và quan trọng hơn cả là gần 100 triệu người dân Việt Nam, bao gồm cả đồng bào trong nước cũng như ở nước ngoài luôn nuôi dưỡng khát vọng mãnh liệt trở thành một quốc gia độc lập, tự cường và thịnh vượng”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Cũng theo Người đứng đầu Chính phủ, trước bối cảnh tăng trưởng thương mại dù có phần chậm lại, Việt Nam vẫn luôn được đánh giá có môi trường chính trị, xã hội ổn định, cùng với nền tảng vĩ mô được củng cố vững chắc. Hãng đánh giá tín dụng Moody’s đã nâng xếp hạng của Việt Nam với triển vọng thay đổi từ ổn định sang tích cực.
Dù kinh tế khu vực và thế giới còn tiềm ẩn những nhân tố bất ổn, cuộc cách mạng 4.0 cùng với nền kinh tế số sẽ là một xu hướng lớn, mở ra cơ hội đuổi kịp cho các nước đang phát triển.
Việt Nam đang có nhiều lợi thế để bắt kịp với dòng chảy chính của nền kinh tế số. Hiện tại có 70% thuê bao di động đang sử dụng 3G hoặc 4G, 72% dân số Việt Nam đang sử dụng điện thoại thông minh, 68% người Việt xem video và nghe nhạc mỗi ngày trên thiết bị di động.
Trong khi đó, tỷ lệ sở hữu điện thoại trung bình là 1,7 máy/người, số người truy cập các trang thương mại điện tử thông qua smartphone chiếm 72% tỷ lệ mua hàng online qua điện thoại chiếm 53%. Đây là cơ sở để Việt Nam tự tin về khả năng chuyển đổi thành công từ nền kinh tế truyền thống sang nền kinh tế số.
Nhiệm vụ trọng năm trong năm 2019
Trước những kết quả đạt được trong năm 2018, năm 2019, Thủ tướng Chính phủ cho biết, Chính phủ sẽ tập trung vào những vấn đề trọng tâm bao gồm
Thứ nhất, quyết tâm giữ vững sự ổn định về chính trị xã hội và củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô lẫn vi mô vững chắc, qua đó tăng cường khả năng chống chịu và hấp thụ các xung lực từ các biến động của nền kinh tế thế giới.
“Chính phủ cho rằng môi trường vĩ mô ổn định sẽ tiếp tục là một lợi thế so sánh nổi trội của Việt Nam trong bối cảnh hệ kinh tế-chính trị thế giới đầy bất ổn như hiện nay”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thứ hai, Chính phủ cam kết sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các cải cách về cơ cấu, nâng cao chất lượng thể chế pháp luật và năng lực quản trị nhà nước để cải thiện tăng trưởng tiềm năng từ 7% trở lên. Cải cách, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước và kinh tế hợp tác xã, thúc đẩy kinh tế tư nhân, làm cho khu vực FDI trở nên gắn kết hơn với khu vực kinh tế nội địa. Đồng thời củng cố hệ thống tài chính, hệ thống ngân hàng, tích cực xử lý nợ xấu, kiểm soát chặt chẽ bội chi và nợ công.
Nỗ lực khơi thông các điểm nghẽn cho phát triển nhanh và bền vững hơn, tháo gỡ các nút thắt về cơ chế phân bổ nguồn lực.
Ba là, tiếp tục tăng tốc và tạo ra các bứt phá trong việc cải thiện chất lượng môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hướng đến chuẩn mực cạnh tranh, minh bạch và công bằng trong tiếp cận các nguồn lực, giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Bốn là, thúc đẩy và lan toả tinh thần khởi nghiệp rộng khắp, khuyến khích đổi mới sáng tạo, thực thi việc bảo vệ quyền tài sản cho nhà đầu tư và doanh nghiệp.
Năm là, Chính phủ cũng sẽ dành ưu tiên nhiều hơn nữa cho đầu tư khoa học công nghệ, nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển, đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng thông minh, hạ tầng kỹ thuật số để thúc đẩy và tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng 4.0.
“Chính phủ nhận thấy rằng mức chi cho nghiên cứu và phát triển hiện nay của Việt Nam còn khá thấp so với trung bình của thế giới cũng như các nước trong khu vực. Chính vì vậy, tăng chi cho khoa học công nghệ, khuyến khích tư nhân đầu tư nhiều hơn nữa cho nghiên cứu và phát triển sẽ là một trọng tâm chính sách của Chính phủ từ năm 2019”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Cuối cùng, tập trung các giải pháp phát triển toàn diện, hài hoà giữa kinh tế xã hội và môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, thúc đẩy sự phát triển đồng đều hơn giữa các vùng miền đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững đất nước trong giai đoạn mới.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.