Không nương tay khi xử lý lái xe sử dụng ma tuý, rượu bia

Thế Anh Thứ bảy, ngày 11/05/2019 06:26 AM (GMT+7)
Liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng gây chết người do người sử dụng rượu bia, ma túy cầm lái đã khiến cho dư luận vô cùng bức xúc. Để ngăn chặn tình trạng này, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Bộ GTVT đã đề xuất những giải pháp “mạnh tay” như: Tước giấy phép lái xe vĩnh viễn, phạt lao động công ích…
Bình luận 0

Tước bằng vĩnh viễn, phạt lao động công ích

Vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận cho ý kiến vào báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã đề xuất nên lựa chọn những vấn đề nóng bỏng để ra nghị quyết. Chẳng hạn đối với những người nghiện ma tuý lái xe cần tước giấy phép lái xe (bằng lái) vĩnh viễn, người uống rượu lái xe cần phải tước bằng lái, như vậy mới đảm bảo nghiêm minh.

Theo bà Nguyễn Thanh Hải - Trưởng Ban Dân nguyện (Ủy ban Thường vụ Quốc hội), thông qua 1.408 cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp thứ 6, Ban Dân nguyện đã tập hợp được 2.293 kiến nghị của cử tri.

img

Cảnh sát giao thông Hà Nội kiểm tra nồng độ cồn đối với lái xe. Ảnh: VNE

Những vấn đề được được cử tri quan tâm là tình hình người điều khiển phương tiện giao thông uống rượu, bia gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) kinh hoàng khiến người dân hoang mang khi tham gia giao thông.

Đây là vấn đề đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT nghiên cứu đề xuất chế tài xử phạt đối với vi phạm này theo hướng tăng mạnh mức xử phạt... Tuy nhiên, việc kiềm chế TNGT còn chưa thực sự hiệu quả, các vụ TNGT nghiêm trọng vẫn gia tăng, thảm khốc có số người tử vong cao, có nguyên nhân từ sử dụng ma túy, rượu bia làm cử tri rất hoang mang, lo lắng khi tham gia giao thông.

Qua đó, cử tri mong muốn Chính phủ tiếp tục tổng kết, đánh giá sớm tìm những giải pháp thực sự mạnh, hiệu quả để kiềm chế TNGT như: Sửa đổi, bổ sung chế tài xử lý đối với các vi phạm theo hướng tăng mức xử lý với những người điều khiển phương tiện để đảm bảo tính răn đe, nghiêm minh của pháp luật; tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất, xử lý vi phạm tại các cơ sở đào tạo lái xe; công tác tuyển dụng lái xe, quản lý hồ sơ sức khỏe của lái xe, về thời gian làm việc của người lái xe ôtô...

Để có giải pháp xử lý nghiêm, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề xuất: “Quốc hội nên lựa chọn những vấn đề nóng bỏng để ra nghị quyết. Chẳng hạn đối với những người nghiện ma tuý lái xe cần tước bằng lái vĩnh viễn, uống rượu lái xe thì cần tước bằng lái, thế mới đảm bảo nghiêm minh. Trong khi chúng ta chưa sửa được luật thì những nghị quyết như thế vậy sẽ là quy định pháp luật có thể cơ quan chức năng áp dụng được ngay để xử lý, điều này cũng phù hợp với thực tiễn”.

Trong khi đó, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác bảo đảm ATGT quý I.2019, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình - Chủ tịch Ủy ban ATGTquốc gia đã thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế, tồn tại nhất về tình hình TNGT là những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia chưa được khắc phục triệt để.

Cụ thể, tình trạng lái xe vi phạm nồng độ cồn, sử dụng ma túy, chất kích thích rất đáng lo ngại trong khi việc kiểm tra, phát hiện, xử lý hầu như chỉ phụ thuộc vào hoạt động tuần tra, kiểm soát của CSGT và các đợt khám sức khoẻ bắt buộc tập trung do ngành GTVT, y tế thực hiện, tỷ lệ còn thấp so với thực tế; vai trò chủ động phát hiện, ngăn ngừa lái xe sử dụng ma tuý, chất kích thích của chủ xe, chủ doanh nghiệp vận tải còn rất hạn chế.

Theo đó, cần xử lý nghiêm như sửa đổi luật, tước giấy phép lái xe, buộc người vi phạm lao động công ích. Nếu doanh nghiệp vận tải vi phạm thì xử lý nặng, như tội giao phương tiện có nguồn nguy hiểm cao độ cho người không đủ năng lực, điều kiện để tham gia giao thông. Xem xét xử lý nhà xe bởi không thể nào là nhà xe mà không biết tài xế của mình nghiện ma tuý.

Chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan, bộ ngành, Phó Thủ tướng Thường trực nêu rõ: Khi có TNGT xảy ra, phải truy lại toàn bộ trách nhiệm về đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép của cơ sở đào tạo lái xe và địa phương cấp bằng lái xe để tìm nguyên nhân, rõ trách nhiệm từng cá nhân, tổ chức có liên quan.

Tăng chế tài xử lý hình sự

"Một hành vi được coi là phạm tội là hành vi nguy hiểm cho xã hội. Hành vi uống rượu say rồi điều khiển phương tiện giao thông là đã tạo ra sự nguy hiểm cho xã hội rồi, việc xử lý hình sự không nhất thiết phải đợi đến khi xảy ra hậu quả".

Luật sư Trương Anh Tú

Trao đổi với PV Báo NTNN, luật sư Trương Anh Tú – Trưởng Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú cho rằng: "Một hành vi được coi là phạm tội là hành vi nguy hiểm cho xã hội. Hành vi uống rượu say rồi điều khiển phương tiện giao thông là đã tạo ra sự nguy hiểm cho xã hội rồi, việc xử lý hình sự không nhất thiết phải đợi đến khi xảy ra hậu quả".

Theo luật sư Trương Anh Tú, hành vi lái xe trong tình trạng đã sử dụng ma túy cũng có tính chất tương tự lái xe khi đã sử dụng rượu bia và đã bị xử lý dù chưa gây hậu quả. Hiện nay, trên thế giới có rất nhiều nước đã có quy định phạt tù người tài xế sử dụng rượu bia, chúng ta không nên tiếp tục nhẹ tay, nương tay với hành vi này nữa.

"Chúng ta có thể nghiên cứu và tiếp thu có chọn lọc pháp luật của một số nước trên thế giới để quản lý và xử lý nghiêm, việc này là cần thiết và nên sớm được bổ sung vào luật. Cần nghiên cứu quy định xử lý hình sự đối với các tài xế uống rượu bia điều khiển phương tiện, kể cả khi chưa gây ra tai nạn giao thông"-luật sư nêu ý kiến.

Cũng theo luật sư Nguyễn Anh Thơm - Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội, theo quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015, hành vi người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia gây hậu quả nghiêm trọng sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự với lỗi vô ý.

Luật sư Nguyễn Anh Thơm kiến nghị: “Do chế tài xử lý hình sự với lỗi vô ý chưa đủ sức răn đe nên hành vi vi phạm vẫn có xu hướng gia tăng. Quan điểm của tôi là tăng chế tài xử lý nghiêm đối với người sử dụng rượu bia lái xe cụ thể: Đưa vào hành vi nhóm lỗi cố ý gián tiếp theo Khoản 2 Điều 10 Bộ luật Hình sự năm 2015: "Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra".

Như vậy, nếu hậu quả xảy ra đến đâu thì người điều khiển phương tiện sẽ phải chịu trách nhiệm tương ứng đến đó. Hậu quả gây thương tích từ 11% trở lên thì xem xét ở tội danh "cố ý gây thương tích", hoặc gây ra chết người thì xử lý theo tội danh "giết người".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem