Và rất nhiều nhà xây đá không tô trát bên ngoài. Khách như đang lạc bước vào thế kỷ xa xưa cách đây bảy trăm năm. Hỏi thì được biết là dân vẫn ở trong nhà cổ (thuộc sở hữu tư nhân) nếu họ thấy thích hợp với cảnh sống và thu nhập của mình. Phần lớn là những cặp vợ chồng già có lương hưu. Ai không thích thì nhà nước bố trí cho ở chỗ khác và trả tiền với mức để dân có thể chấp nhận được. Nghĩa là hài hòa lợi ích cả hai bên.
Làng Pérouges sạch sẽ, êm ả, công trình ngày xưa vẫn y nguyên. Nếu được tôn tạo hay trùng tu thì người ta vẫn làm lại được như "ngày xưa". Cái gì không làm được như xưa thì không làm, để nguyên như cái máy nghiền nho làm rượu vang bằng đá. Tất nhiên có bán vé tham quan và có nhiều cửa hàng bán thức ăn của miền này, giá khá đắt nhưng ai cũng muốn nếm cho biết. Người dân làng cổ sống bằng tiền của khách du lịch, của trợ cấp nhà nước. Và họ thỏa mãn vì được sống trong làng cổ theo sở thích.
Những gì còn lại của Đường Lâm không cổ bằng Pérouges vì cái nhà xưa nhất cũng chỉ mới có từ thế kỷ 17. Nhưng ở xứ nhiệt đới lắm mưa nhiều nắng, ẩm mốc quanh năm như nước ta thế cũng đã quý lắm rồi. Bảo tồn làng cổ Đường Lâm là đúng và cần thiết. Nhưng chỉ mới dăm năm, dân làng cổ Đường Lâm đã oải, muốn trả lại danh hiệu. Chẳng nên lấy làm ngạc nhiên. Danh hiệu làng cổ, nhà cổ vinh dự thật đấy. Nhưng đời sống hàng ngày, cơm áo gạo tiền và chỗ ở còn cấp thiết quan trọng hơn.
Bí thư Hà Nội đã về khảo sát và đã có lời xin lỗi dân làng vì những chính sách bất cập với làng cổ. Cái bất cập lớn nhất, phi lý nhất là cái gì cũng muốn, nói cách khác là "duy ý chí", muốn mà không chịu bỏ tiền ra, thậm chí khi thu lợi du lịch rồi vẫn muốn ăn cả, không chia cho dân. Dân giận, dỗi, phản ứng là phải!
Ai cũng biết, muốn có một cái làng cổ đàng hoàng thì việc trước hết là phải tính đến người dân sở hữu cái làng cổ ấy được tiếp tục sống ra sao đã. Nghĩa là, dứt khoát phải chuẩn bị một khu vực dãn dân chu đáo, đáp ứng được dân số làng cổ tăng, dân có chỗ ở, có công ăn việc làm, đời sống ngày một khang trang khấm khá.
Nhưng người ta không nghĩ như thế, không làm như thế. Người ta công nhận làng cổ cho oai, làm lễ nhận bằng thật to, mở du lịch ồ ạt thu tiền. Và không làm gì nữa hết cho đến khi dân vỗ vai, cán bộ ơi, chúng em xin trả lại danh hiệu mới tá hỏa tam tinh lên!
Không thể có làng cổ mà không chịu mất đất dãn dân. Chuyện rõ như ban ngày mà sao người ta không biết?
Nguyễn Quang Thân
Vui lòng nhập nội dung bình luận.